Công trình thủy nông trọng điểm tại Hà Tĩnh: Sạt lở nghiêm trọng

Thứ tư, 04/12/2013, 13:45
Vụ sản xuất Đông – Xuân đang cận kề, nhưng khu vực kênh Kẻ Gỗ - đại công trình thủy nông số 1 của Hà Tĩnh - đang bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Hệ thống tưới tiêu cho hơn 20 ngàn ha đất nông nghiệp của nông dân các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh đang bị đe dọa.
Mép trong của con kênh cũng sạt lở rất mạnh (K13+180,
dài 35m, thuộc địa phận xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên)
Kênh Kẻ Gỗ xây dựng từ năm 1976, được tu bổ và bê tông hóa mái trong từ năm 2009 đến năm 2012 thì hoàn thành. Nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 và số 11 vừa qua đã làm cho đất bờ kênh Kẻ Gỗ bị bão hòa nước và thiếu ổn định gây nên sạt trượt mái kênh chính Kẻ Gỗ và kênh N2 đã bị sạt lở và trượt sâu ở nhiều đoạn.
Hiện nay, trên tuyến kênh có 15 điểm sạt lở phía bờ tả với tổng chiều dài hơn 900m và 20 điểm sạt lở phía bờ hữu với chiều dài 420m.
Nặng nề nhất là tuyến kênh chính Kẻ Gỗ, tại mái trong vị trí K5 + 680 - K5+725 (bờ tả) bị trượt, lún nặng, nhiều lớp bê tông bị nứt toác tạo thành một đường rãnh dài rất dễ nhận thấy. "Bắt đầu từ bão số 8 đã xuất hiện sạt lở tại một số điểm nhỏ từ 1 đến 2m. Nhưng đến cơn bão số 10 và đặc biệt là kết thúc bão số 11 thì các điểm sạt nhiều và mức độ nghiêm trọng hơn. Điển hình như, tại vị trí K5 + 680 (bờ tả, mái trong) thuộc thôn 6 xã Cẩm Duệ, khi đợt bão số 10 vừa chấm dứt bị sụt 20m nhưng sau bão số 11, điểm sụt kéo dài thêm 45 mét và lấn sâu vào phía đường kênh”, ông Đặng Hòa Bình - Cụm trưởng Cụm Khai thác thủy lợi kênh chính Kẻ Gỗ cho biết.
Ngoài điểm này, một số điểm cũng sạt nặng như đoạn K13+150 (bờ hữu, mái trong) đi qua địa bàn xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) với chiều dài ước tính khoảng 100m, sạt trượt mái ngoài đoạn K14+450 (bờ tả) đoạn đi qua xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) với chiều dài khoảng 130m.
Tình hình sạt lở hai bên bờ kênh đã khiến hàng chục ngàn khối đất trôi ra đồng, tràn vào các ao hồ, ảnh hưởng đến hoa màu của người dân sống hai bên tuyến kênh, trong đó nhiều vị trí đất đã lấn sâu vào mặt kênh. Đặc biệt một số đoạn bị sạt lở nặng nề như đoạn K6+600 (bờ tả) bị sạt 54m, đoạn K7+200 (bờ hữu) bị sạt 55m đoạn đi qua xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên). Đặc biệt có đoạn sạt lở kéo dài hơn 500 mét từ vị trí K15 + 050 đến K15 + 550 thuộc thôn Bình Thọ, xã Cẩm Yên (huyện Cẩm Xuyên).
Ngoài ra, còn nhiều điểm trượt, lún với chiều hàng chục mét như K6+200 (bờ hữu) dài 31m, K13+180 (bờ hữu) dài 35m, K8+670 (bờ hữu) dài 28m… "Chắc chắn hiện tượng sụt lún vẫn chưa dừng tại đây vì tại nhiều điểm trên dòng kênh còn đang xuất hiện những vết nứt kéo dài, nguy cơ tiềm ẩn sạt lở là rất lớn” - ông Bình cho biết thêm.
Nguy hại hơn là các cung trượt mái kênh (có chiều sâu bình quân từ 1,5 - 2m, chiều rộng từ 3 - 5m kéo dài lên đến bờ mặt kênh) đang có chiều hướng phát triển dài thêm, sâu thêm nếu trời tiếp tục có mưa. Với tình trạng sạt lở lớn như hiện nay, kênh chính Kẻ Gỗ không chỉ mất ổn định mà còn tiềm ẩn nguy cơ vỡ do hai bờ đã ngấm nước lâu ngày, đặc biệt là tại những đoạn có mé ngoài cao độ kém, có nhiều ao hồ, trong khi đó vụ Đông – Xuân đang cận kề.

Ông Lê Hồng Sơn – Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: "Khoảng 1 tháng nữa, hệ thống kênh Kẻ Gỗ sẽ phải đảm nhiệm tưới cho khoảng 20 ngàn ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vụ xuân 2014 cho hàng chục vạn hộ dân ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Sau 2 cơn bão, ước tính thiệt hại tại bờ kênh này gần 10 tỷ đồng. Do số lượng thiệt hại quá lớn, Công ty không đủ nguồn kinh phí để khắc phục”.

Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn