Sau giờ học, cặp song sinh trở về mái ấm ngay cạnh trường THCS thị trấn Hà Trung. Cúc đầy đặn hơn, ra dáng làm chị, còn An xanh xao nhưng vẫn rất nhanh nhẹn với nụ cười hồn nhiên.
Trước đó, anh Luân, bố đôi song sinh, đã tranh thủ về nhà mua bánh kẹo cho hai con tổ chức sinh nhật vào ngày 6/12 cùng các bạn. Nhưng Cúc và An vẫn thấy thiếu vắng và lo lắng cho mẹ đang chạy thận trong bệnh viện.
Gần một tháng qua, chị Trịnh Thị Bình thường xuyên phải vào viện chạy thận, anh Luân cũng vào theo để lo cho vợ. Đôi bàn tay gân guốc của anh nắm chặt tay vợ nhưng vẫn không giúp chị hết run và lạnh. "Tôi sốc lắm, không vực lên được. 10 năm trước, Cúc - An mổ tách rời khi tôi 30 tuổi. Giờ tôi bệnh mà các con còn non nớt quá", chị Bình lo lắng.
Hai cô bé song sinh Cúc - An là nỗi trăn trở lớn nhất trong cuộc đời người mẹ đang ốm đau. Ngày 6/12/2002, trong tiết trời khô hanh, lạnh buốt của mùa đông, chị Bình nằm trên giường bệnh chờ đẻ thì nhận được tin mang thai đôi dính liền. Lần đầu tiên biết đến chuyện này nên cả người bệnh lẫn bác sĩ đều hoang mang. Bệnh viện chọn phương án ưu tiên giữ mẹ.
"Lúc đó, tôi cảm thấy bức bối lồng ngực, tưởng như không thể thở được", chị Bình nhớ lại. Ca mổ đẻ thành công, hai bé được nuôi trong lồng kính. "Hai đứa nặng tổng cộng gần 3 kg. Bà nội đặt tên bé lớn hơn là Thu Cúc, em nhỏ là Thúy An, mong muốn chúng bình an cả đời", chị Bình kể.
Anh chị chưa dám nghĩ viễn cảnh xa xôi nuôi con khôn lớn. May mắn tới với gia đình khi hai bé được 3 ngày tuổi thì được gặp giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đi công tác tại đây. Bác sĩ Liêm động viên gia đình không phải lo lắng, việc cần làm trước tiên là chăm sóc sức khỏe bé thật tốt và ông sẽ liên lạc lại.
Khi hai bé được 1,5 tháng tuổi, giáo sư Liêm đề nghị gia đình mang Cúc, An ra Hà Nội. Sau hơn 8 tháng theo dõi, kiểm tra, các bác sĩ đưa ra kết luận Cúc, An bị dính nhau phần bụng, ngực, ức, chung gan, đường tiêu hóa, khoang màng tim và cơ hoành. Cúc bị tim bẩm sinh, An có u máu ở tay, ngực.
Ẩn số của ca mổ tách là không thể xác định được hai bé có chung mật hay không. Nếu tách, các bé sẽ bị thiếu da che phủ khoang bụng. Bởi vậy, trước khi đại phẫu, các bác sĩ đặt túi nước muối sinh lý dưới da để căng giãn da. 6h sáng 16/10/2003, ca mổ bắt đầu. Khoảng 50 y bác sĩ tham gia, có cả chuyên gia ghép gan của Mỹ. Hôm đó, tất cả ca mổ khác ở bệnh viện phải tạm dừng.
Bác sĩ Liêm xác định, tỷ lệ thành công là 50-50, nhiều bất ngờ có thể xảy đến, trong trường hợp đó phải ưu tiên cứu bé khỏe hơn. Rất may Cúc, An không chung mật, ca mổ diễn ra thuận lợi. "18h hôm ấy, bác sĩ Liêm bước ra, thông báo ca phẫu thuật đã thành công. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi căng thẳng rồi lại sung sướng đến vậy", chị Bình nhớ lại.
Lúc mới sinh, Cúc nhỉnh hơn nên được làm chị. Thời chưa tách rời, hai bé chung nhau một đoạn ruột nên An cứ ăn vào là Cúc no. Bởi vậy, Cúc mải chơi, không chịu ăn. Thấy có đồ chơi đẹp là Cúc kéo An đi mặc cho em đang ăn để nuôi cả hai người.
Sau khi tách, Cúc phải mất một thời gian dài tập ăn. Riêng An, 20 ngày sau mổ thì bị tắc ruột. Cô bé phải trải qua vài ca mổ nữa tình hình mới ổn định. Do ruột yếu nên An hấp thụ kém, thường xuyên bị đau bụng. "16 tháng tuổi là Cúc tập đi thì tận 30 tháng An mới đi được", chị Bình xót xa.
Giờ đây, Cúc và An đã trở thành hai cô bé xinh đẹp, khỏe mạnh. Cúc cao và nặng hơn An vài cân, nhưng tính nhát, không như An luôn năng động, hát hay. "Em thấy mình rất may mắn vì bố mẹ đã luôn nuôi hy vọng giữ được cả hai chị em", Thúy An chia sẻ. Cô bé không biết được cảm giác hai chị em dính liền như thế nào, nhưng An nghĩ "chắc nó phải khủng khiếp lắm".
Suốt 5 năm sau mổ, chị Bình đã xin nghỉ làm ở nhà chăm con. Ngoài chế độ ăn trên lớp, chị còn có một lịch cho con ăn uống ở nhà. Vì ruột An yếu nên mọi thức ăn chị đều phải làm nhỏ, nấu thật kỹ.
Nuôi hai con sinh đôi bằng sữa ngoài lại bệnh tật liên miên khiến người mẹ trẻ từ 54 kg sụt xuống chỉ còn 38 kg. Sau khi sinh hai bé, chị còn bị viêm thận phải dùng đủ loại thuốc. Căn bệnh tưởng như đã khỏi thì cách đây 3 năm tái phát. Mỗi tháng một lần, chị phải ra Hà Nội mua thuốc về uống.
"20/11 vừa rồi, con gái lớn nhà tôi đang học Học viện Tài chính về nghỉ, thấy mẹ yếu nên bảo mẹ đi khám. Bác sĩ bảo thận mẹ bọn trẻ đã suy độ 3, không chạy thận không được", anh Luân với khuôn mặt khắc khổ nói.
Từ đó, mỗi tuần 3 lần, anh Luân phải đèo vợ đi viện chạy thận. Đang là công nhân nhà máy thuốc lá nên chị vẫn có bảo hiểm, mỗi tháng chỉ phải đóng 2 triệu đồng tiền viện phí. Nhưng rồi sức khỏe chị cứ ngày một đuối sẽ không thể đi làm, không còn bảo hiểm thì không thể có tiền chữa bệnh. Anh Luân phải đưa vợ đi viện một tháng cũng chỉ làm được dăm ba ngày.
Dù phải chịu đau đớn từ nhỏ và giờ vẫn chịu di chứng từ ca mổ, nhưng Thu Cúc và Thúy An vẫn cảm thấy thật tuyệt vời khi có được cơ thể của riêng mình. Với hai cô bé, các bác sĩ đã tái sinh ra mình. Bởi thế, An ước mơ được trở thành bác sĩ chữa cho bệnh nhân nghèo, còn Cúc thì mong được thành cô giáo. |
Theo VnExpress