An toàn cho người ra quyết định

Thứ hai, 16/12/2013, 09:32
Chiều 3.12, nửa tháng sau vụ hỏa hoạn khiến 6 người tử vong tại bar Fuse, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bình An yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh, sửa chữa tại khu đất số 9A Trần Thánh Tông (có tên là Zone 9).

Chính sự cũ kỹ lại làm nên phong cách cho các bar, quán café ở Zone 9

Tiền thân của Zone 9 là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 rộng hơn 11.000 m2, bị bỏ hoang vài chục năm nên nhiều nơi xuống cấp. Chính sự cũ kỹ, hoang tàn lại làm nên phong cách cho các bar, quán café, cửa hàng thời trang... biến nơi đây thành khu vui chơi nổi tiếng của giới trẻ Hà thành.

Zone 9 tồn tại trong sự ưa thích nhất định của giới trẻ Hà thành, cho đến khi nơi đây xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 6 người tử vong. Công an quận Hai Bà Trưng đã khởi tố vụ án, đồng thời tạm giữ một thợ hàn vì vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Bất chấp điều đó, nhiều người vẫn không tán đồng quyết định đóng cửa Zone 9. Một số ý kiến cho rằng các ban ngành, chủ đầu tư và các hộ kinh doanh họp lại có một quy hoạch cụ thể nâng cấp khu Zone 9 thành khu vui chơi giao lưu văn hóa an toàn hơn. Điều này, theo họ, sẽ có ích trong bối cảnh giới trẻ Hà Nội đang thiếu những khu vui chơi giải trí lành mạnh nhưng vẫn trẻ trung, hợp thời.

Hơn nữa, việc đóng cửa sau khi có sự cố được nhiều người đánh giá là một tư duy không thực sự phù hợp. “Cứ ở đâu có tai nạn là đóng cửa nơi đó sao? Vậy giả sử đường phố nào có tai nạn cũng cấm luôn không đi nữa? Phát hiện lỗi thì phải sửa chữa, cùng nâng cao ý thức làm tốt hơn ở các nơi khác nữa chứ không phải cái nào lỗi là bỏ”, một trí thức tại Hà Nội cho biết.

Những người buôn bán tại đây còn lo lắng hơn. Sau khi có thông tin về quyết định đóng cửa Zone 9, nhiều người kinh doanh tại đây đã có một cuộc họp khẩn bàn cách viết đơn kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân thành phố. Họ cho biết đã có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh mình làm đúng luật và đang tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Nhìn chung, đóng cửa là một quyết định đảm bảo an toàn. An toàn cho giới trẻ. Và an toàn cho người ra quyết định, bởi nơi đó sẽ chẳng còn cơ hội tái phạm sai sót nữa. Còn nếu quyết định tôn tạo và quy hoạch để thành một trung tâm giải trí đặc sắc có thể hợp ý nguyện giới trẻ song đó không phải là quyết định có độ an toàn cao với những người cầm cân nảy mực.

Cùng thời điểm với quyết định đóng Zone 9, Hà Nội cũng có một quyết định được cả nước quan tâm sâu sắc. Đó là việc Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm đã họp và thông qua đề án tách thành hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Sáng 5.12, Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm họp bất thường thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận và 23 phường. Theo Bí thư huyện Lê Văn Thư, khi thảo luận về việc tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới, 5 trong 6 ý kiến phát biểu đã đồng tình, chỉ một đại biểu không tán thành vì cho rằng việc tách thành 2 quận sẽ gây phiền hà cho người dân và bộ máy cồng kềnh, tốn kém kinh phí...

Nói tóm lại, các đại biểu đã nhất trí cao và huyện sẽ được tách theo đúng ý định. Có điều, nhiều người, trong đó có cả người dân Từ Liêm, chưa hiểu rõ cái lợi của việc tách huyện để có 2 quận mới là gì và tầm nhìn của lãnh đạo khi quyết định như vậy là ra sao.

Phát biểu trên báo VietNamNet, đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Kiên (khóa 2011-2016) cho biết: “Đề án của huyện Từ Liêm nên có ít nhất 2 phương án để người dân lựa chọn. Còn đây là phương án đóng khung. Lẽ ra phải chỉ ra được phương án 1, tách thành 2 quận, được lợi cái gì, hại cái gì, phương án 2, sáp nhập một số xã vào các quận lân cận thì được gì, mất gì... Phải có nhiều phương án, để người dân thấy được sự cầu thị của lãnh đạo”.

Theo ông Kiên, việc lập thêm quận mới, đồng nghĩa lập thêm một bộ máy mới. Trong trường hợp lãnh đạo hiện tại được bầu ở đơn vị hành chính nào sẽ về quận đó làm việc đi nữa thì vẫn cần phải tuyển thêm cán bộ cho đủ quân số. Hiện huyện Từ Liêm có khoảng 600 cán bộ, lên quận mới thì cũng phải 600 cán bộ nữa. Trụ sở quận Bắc Từ Liêm cũng sẽ được xây mới trên diện tích 20ha trên trục đường Văn Tiến Dũng.

Trên phương diện cá nhân, ông Kiên cho rằng tốt nhất không nên tách thành 2 quận với lý do để tiện quản lý hơn. “Nếu nói rộng quá không thể quản lý, chúng ta có thể tiến hành thi tuyển cán bộ, công chức. Ai có năng lực thì làm lãnh đạo”, ông Kiên đề xuất.

Tuy nhiên, làm như đề xuất này của ông Kiên có vẻ không an toàn cho lắm. Không an toàn ở chỗ, nếu không tuyển được người tài đức để thay thế thì sẽ rất nguy hại

Theo NhipCauDauTu

Các tin cũ hơn