Theo người dân xã Thạch Lâm, hiện tượng cá chết bất thường bắt đầu xuất hiện vào đêm 7/12 và kéo dài suốt những ngày qua. Thấy cá chết, người dân ở thôn Biện, thôn Đồi và thôn Thống Nhất đã dùng thuyền đi vớt cá. Loại lớn được mang bán ngoài chợ, còn loại nhỏ, người dân đem nấu làm thức ăn cho gia súc.
“Những con cá lăng nặng 2 - 3 kg cứ ngấp ngoải ngoi lên mặt nước rồi chết chìm lơ lửng, người dân chỉ cần dùng tay không cũng có thể bắt được loài cá vốn rất khỏe và khó đánh bắt này. Không riêng cá lăng bị chết, cá leo, trạch làn, cá trắm… cũng chết nổi trắng cả một khúc sông”, ông Bùi Văn Quyết, thôn Biện kể.
Theo người dân địa phương, hiện tượng này chưa từng xảy ra ở đây. “Sáng hôm 8/12, dân làng ra bờ sông thì thấy cá chết nổi trắng bến sông, mắc đầy các lùm cây. Bà con hò nhau dùng thuyền nan đi vớt cá, nhiều người vớt được cả tạ cá”, ông Quyết nói thêm.
Cá lăng là đặc sản vùng núi phía Tây Thanh Hóa. Giống cá này có sức sống rất mạnh mẽ nhưng cũng bị chết nổi trên sông Bưởi khiến người dân lo ngại nguồn nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Lê Hoàng |
Người dân địa phương cho biết, trước khi xảy ra hiện tượng cá chết, nước trên sông Bưởi bỗng có màu đen kịt bất thường, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Ông Lê Huy Dương, Chủ tịch xã Thạch Lâm xác nhận, hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi những ngày qua là chính xác. “Rất kì lạ, nhiều con cá to 3 – 4 kg cũng bị chết, bà con bắt được đến mấy tấn đem bán”, ông Dương nói. Theo ông Dương, sau khi phát hiện dấu hiệu bất thường, xã đã báo cáo UBND huyện phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường đến địa bàn kiểm tra, lấy mẫu nước nhằm xác định nguyên nhân.
Hiện dưới sông vẫn còn rất nhiều loài cá chết nổi trên mặt nước. Dọc theo triền sông, mùi thối và tanh nồng bốc lên nồng nặc.
Nước thải từ bể biogas của nhà máy được dẫn về hồ chứa chuẩn bị thải ra môi trường, nhưng vẫn có màu đen kịt, hôi thối. Ảnh: Lê Hoàng |
Chủ tịch xã Thạch Lâm nhận định, hiện tượng cá chết hàng loạt trên thượng nguồn sông Bưởi có thể do nước thải từ nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Hòa Bình nằm cách xã Thạch Lâm chừng 7km. “Tôi cũng đến điểm xả thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình (đóng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) xuống sông Bưởi. Nếu cứ xả thế này thì hệ thống sinh vật, thủy sản ở dòng sông này sẽ bị tận diệt và sức khỏe người dân đang bị đe dọa”, ông Dương lo lắng.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Hải, phụ trách kỹ thuật nhà máy khẳng định, việc cá chết trên sông Bưởi không phải do nhà máy xả thải vì nước thải đều được đưa vào bể biogas (với dung tích 80 nghìn m3) để tái tạo quay trở lại phục vụ sản xuất. “Mỗi ngày, nhà máy chỉ thải khoảng 1.000m3 nước. Chúng tôi luôn chấp hành nghiêm luật bảo vệ môi trường, nguồn nước được xử lý an toàn trước khi xả ra sông”, ông Hải nói.
Đây là cửa xả nước thải ra sông Bưởi từ nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình, nước ngầu đục và sủi bọt rất nặng mùi. Ảnh: Lê Hoàng |
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình có 4 hồ chứa nước thải. Tuy nhiên, các hồ chứa này không có mái che, nước ở đây luôn có màu đen kịt, sủi bọt và bốc mùi hôi thối. Hệ thống đường ống và máng dẫn nước thải được làm tạm bợ. Ngoài ra, có một dòng nước chảy từ bên trong nhà máy ra hồ chứa sau đó xả thẳng ra sông Bưởi. Điều này được ông Hải lý giải, “đây chỉ là nước rửa sắn không có ảnh hưởng gì đến môi trường”.
Sáng 16/12, trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên Môi trường Thanh Hóa), cho biết, đang yêu cầu UBND huyện Thạch Thạch báo cáo cụ thể về vụ việc đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình kiểm tra, rà soát tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất phía thượng nguồn sông Bưởi để làm rõ nguyên nhân.
"Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm nhưng hiện chưa thể đánh giá mức độ và nguyên nhân cụ thể vì phía đầu nguồn ngoài nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình và một số nhà máy sản xuất bột giấy...", ông Thái nói và cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết ở đầu nguồn con sông Bưởi.
Theo Vnexpress