Cầu Sài Gòn 2
Cầu Sài Gòn 2 được thiết kế giống hoàn toàn với cầu Sài Gòn hiện hữu. Ảnh: Hữu Công |
Được khởi công ngày 14/4/2012, cầu Sài Gòn 2 dự kiến hoàn thành sau 21 tháng thi công. Tuy nhiên với sự lao động liên tục của gần 600 kỹ sư cùng công nhân, ngày 15/10, cầu Sài Gòn 2 chính thức được đưa vào sử dụng, sớm 3 tháng so với kế hoạch.
Cầu được xây dựng song song và giống với cầu Sài Gòn hiện hữu, dài gần 1km gồm 30 nhịp được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Mặt cầu rộng 23,5m cho 5 làn xe lưu thông (gồm 4 làn ôtô và 1 làn xe 2 và 3 bánh), trong đó cho xe siêu trường, siêu trọng lưu thông.
Dự án có tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỷ đồng, theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Đây là một trong những dự án cấp bách của TP HCM nhằm giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực lưu thông tại cửa ngõ Đông Bắc của thành phố.
Đồng thời, cầu này cũng sẽ đảm bảo tính đồng bộ về quy mô với tuyến xa lộ Hà Nội đã được mở rộng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Đường Phạm Văn Đồng)
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được khánh thành vào tháng 9 góp phần giảm ùn tắc cho nội thành và cửa ngõ Đông Bắc của TP HCM. Ảnh: Hữu Công |
Đây là một dự án lớn, TP HCM đã có chủ trương xây dựng từ năm 1997. Ban đầu một công ty của Malaysia dự định đầu tư nhưng do khủng hoảng kinh tế nên rút lui.
Mãi đến 7 năm sau, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) mới ký kết bản ghi nhớ với UBND TP về việc đầu tư xây dựng tuyến đường theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Tuyến đường này được khởi công ngày 9/6/2008 với tổng số vốn đầu tư gần 495 triệu USD, trong đó số tiền đền bù giải tỏa là hơn 281 triệu USD. Gần 4.000 hộ dân đã bị ảnh hưởng vì dự án.
Sau 5 năm thi công, ngày 28/9 tuyến đường đã được tổ chức thông xe đợt 1 (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu dài 4,7 km, toàn bộ tuyến đường dài gần 14km). Đây là trục đường hướng tâm quan trọng trong quy hoạch hệ thống giao thông của thành phố, nối từ sân bay Tân Sơn Nhất - quốc lộ 13 - quốc lộ 1 - 1K đi qua địa bàn các quận Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Đức.
Công trình được đưa vào sử dụng góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội thành và cửa ngõ Đông Bắc của thành phố, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế cũng như chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường.
Tuyến đường có điểm nhấn là công trình cầu Bình Lợi băng qua sông Sài Gòn với chiều dài 1,1km gồm 6 làn xe mỗi chiều. Hạng mục vòm Nielsen của cầu là một trong những cấu trúc có kỹ thuật tiên tiến nhất trong các công trình cầu hiện nay.
Vành đai phía Đông
Đường vành đai phía Đông đã được thông xe vào cuối tháng 8 sau nhiều lần lỗi hẹn. Ảnh: Hữu Công |
Đường vành đai phía Đông là một phần của đường vành đai 2 nối từ đường Nguyễn Văn Linh (khu đô thị Phú Mỹ Hưng) đến cầu Phú Mỹ, kết nối ra cầu Rạch Chiếc mới do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư với số vốn gần 400 tỷ đồng.
Dự án được phê duyệt từ năm 2006, sau đó rơi vào cảnh dở dang cỏ mọc um tùm và "trễ hẹn" nhiều lần với người dân thành phố vì chủ đầu tư thiếu vốn.
Mãi cho đến tháng 4/2012, dự án mới được thi công trở lại và được thông xe vào ngày 30/8 với chiều dài 5,5km. Công trình sẽ kết nối luồng phương tiện lớn theo hướng xa lộ Hà Nội (đoạn cầu Rạch Chiếc) đến cầu Phú Mỹ, rút ngắn quãng đường vì các xe sẽ không phải đi vòng vào đường Đồng Văn Cống gây ùn tắc như hiện nay. Đặc biệt tuyến đường sẽ tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hoá ra vào cảng Cát Lái (quận 2) và kết nối đồng bộ cầu Phú Mỹ.
Sáu cây cầu vượt thép
Cầu vượt thép tại vòng xoay Cây Gõ được thiết kế có dạng hình chữ Y. Ảnh: Hữu Công |
Trước tình trạng các khu vực cửa ngõ và các nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, TP HCM đã có chủ trương xây dựng các cây cầu vượt thép để giảm ùn tắc cấp bách. Hai cầu vượt thép đầu tiên ở cửa ngõ phía Đông là ngã tư Thủ Đức và Hàng Xanh được đưa vào sử dụng vào cuối tháng 1 đã góp phần giảm áp lực lưu thông cho khu vực.
TP HCM tiếp tục xây dựng lần lượt thêm 4 cầu vượt thép khác tại các nút giao Lăng Cha Cả; bùng binh Cây Gõ, Nguyễn Tri Phương - 3/2 - Lý Thái Tổ và Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám... Cả 4 cây cầu đều đã hoàn thành vượt tiến độ, đưa vào sử dụng trong năm nay đã được đánh giá là nỗ lực lớn của ngành giao thông thành phố.
Tính đến nay, TP HCM đã có 6 cầu vượt thép được xây dựng với tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng. UBND TP đã giao Sở GTVT nghiên cứu xây dựng thêm một cầu vượt thép ở ngã 6 Gò Vấp để giảm ùn tắc cho khu vực này.
Ngoài 6 cây cầu trên, trong năm, TP HCM cũng hoàn thành và thông xe hai cầu vượt (tổng số vốn 700 tỷ đồng) trên quốc lộ 1 (vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch) nhằm giảm ùn tắc giao và tai nạn tại 2 điểm giao cắt với tuyến quốc lộ này.
Thông xe 20km cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
20km đầu tiên của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được khánh thành vào ngày 28/12. Ảnh: Hữu Công |
Dự kiến ngày 28/12 tới, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 55 km) sẽ được thông xe giai đoạn 1 với chiều dài 20km (từ đường Vành đai 2 - TP HCM đến Long Thành - Đồng Nai).
Được khởi công vào tháng 10/2009, công trình có tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Dự án thiết kế cho xe lưu thông với tốc độ lên đến 120km/h với 4 làn xe được chia làm 2 đoạn. Khi đưa 20km đầu tiên của tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi từ trung tâm TP HCM đến TP Vũng Tàu khoảng một giờ.
Sau khi hoàn thành toàn tuyến, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ giảm thiểu tình trạng tai nạn và ùn tắc tại các cửa ngõ TP HCM và Đồng Nai. Đồng thời còn tạo điều kiện thúc đẩy nhanh việc hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh của TP HCM như Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ...
Theo VNE