Chủ tọa phiên tòa tuyên án Dương Chí Dũng và đồng phạm. |
17h30, sau hơn 2 tiếng đọc bản án, chủ tọa tuyên:
1. Dương Chí Dũng,nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù.
4. Trần Hữu Chiều(nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.
5.Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam): 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
6. Bùi Thị Bích Loan(nguyên kế toán trưởng Vinalines): 4 năm tù tội cố ý làm trái quy định nhà nước.
7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục đăng kiểm Việt Nam): 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa): 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong): 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong): 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng; Trần Hữu Chiều 39 tỷ 340 triệu đồng; Trần Hải Sơn: 42 tỷ đồng; Bùi Thị Bích Loan: 6 tỷ đồng; Lê Văn Dương: 15 tỷ đồng; Mai Văn Khang: 12 tỷ đồng; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng mỗi người 9 tỷ đồng.
Đồ họa của Tuổi Trẻ. |
HĐXX khẳng định hành vi của các bị cáo đã xâm phạm tài sản nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có vai trò ngang nhau trong việc tham ô tài sản. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Tại phiên tòa, trong bản luận tội, HĐXX khẳng định Dương Chí Dũng nhận sai phạm trong việc mua ụ nổi, Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) nhận sai phạm nhưng đổ lỗi cho việc vừa nhận chức. Các bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines, Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines) và Bùi Thị Bích Loan thành khẩn khai báo.
Bị cáo Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) không nhận tội, cho rằng mình chỉ ký nháy từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Các bị cáo còn lại không nhận tội.
Dương Chí Dũng tại tòa chiều 16/12, trước giờ nghe tuyên án. |
HĐXX giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước và Tham ô tài sản. Bị cáo Dương Chí Dũng chủ mưu nhưng khai báo quanh co chối tội, đề nghị tăng hình phạt.
Trước đó, chiều muộn 14/12, các bị cáo được tòa cho nói lời sau cùng trước khi HĐXX bước vào nghị án. Cựu chủ tịch Vinalines đã “phủ nhận” hai tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và Tham ô tài sản bản thân bị cáo buộc. Bị cáo Dũng gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn thể nhân dân.
Trong 3 ngày xét xử, nếu các đồng phạm liên quan đến vụ án tỏ ra mệt mỏi và bật khóc tại tòa, bị cáo Dương Chí Dũng tỏ ra khá bình thản. Phần lớn luật sư đưa ra quan điểm ụ nổi không phải là tàu để bào chữa cho thân chủ của mình.
Các bị cáo nghe tuyên án. |
Về số tiền 1,666 triệu USD, nhiều luật sư cho rằng đó không phải là khoản tiền của Vinalines nên quy tội bị cáo Dũng, Phúc, Chiều, Sơn tội danh Tham ô là không đúng.
Ngoài ra, một số bị cáo cũng khai rằng mình bị điều tra viên ép cung, nhục hình tại trại giam Phú Thọ.
Cáo trạng của VKSND thể hiện năm 2007- 2008 để triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam, Vinalines quyết định phương án mua ụ nổi 83M.
Dưới sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng, các đồng phạm hợp thức thủ tục mua ụ nổi dù biết rõ ụ nổi quá tuổi, cũ nát, không còn hoạt động để tham ô số tiền hơn 28 tỷ đồng.
"Theo hồ sơ, thiệt hại từ ụ nổi đã lên tới 550 tỷ đồng chứ không chỉ là 366 tỷ đồng như cáo trạng. Hiện giờ còn có thể cao hơn. Riêng phần neo đậu một năm đã mất 12 tỷ đồng", một công tố viên cho biết.
Trước đó, chiều ngày 13/12, VKS đề nghị các bị cáo trên với mức án: 1. Dương Chí Dũng (SN 1957, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines): tử hình cho cả 2 tội. 2. Mai Văn Phúc (SN 1957, cựu Tổng GĐ Vinalines): tử hình cho cả 2 tội. 3. Trần Hải Sơn (SN 1960, cựu Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 28-30 năm tù 4. Trần Hữu Chiều (SN 1952, cựu Phó Tổng GĐ Tổng cty Hàng hải Việt Nam): 22-24 năm tù. 5. Bùi Thị Bích Loan (SN 1963, cựu Kế toán trưởng Vinalines) : 6-8 năm tù. 6. Mai Văn Khang (SN 1958, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (thuộc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam): 8-10 năm tù. 7. Lê Văn Dương (SN 1970, Đăng kiểm viên – Cục Đăng kiểm Việt Nam): 6-8 năm tù. 8. Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa): 6-8 năm tù. 9. Lê Ngọc Triện (SN 1964, cựu Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục hải quan Vân Phong): 6-8 năm tù. 10. Lê Văn Lừng (SN 1959, cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong) : 6-8 năm tù. |
Theo Tri thức