Người đàn ông hơn 20 năm ăn Tết bằng... mì tôm

Thứ hai, 30/12/2013, 16:29
Đó là câu chuyện của ông Trần Thanh Hải, ở thôn Ao Trạch, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cứ ăn cơm vào là đầy hơi, đau bụng

Bỏ qua cái lạnh của Thủ đô, chúng tôi chạy xe gần 100km lên Vĩnh Phúc để được gặp gỡ chủ nhân có câu chuyện lạ đời này. Đó là một người đàn ông có khuôn mặt già dặn và dáng vẻ hiện rõ độ từng trải, vất vả so với cái tuổi 51 của ông. Đón tiếp chúng tôi tại căn nhà xây kiên cố 2 tầng, pha chén trà nóng mời khách xong, ông Hải vui vẻ chia sẻ về câu chuyện hơn 20 năm trời chỉ ăn mì tôm của mình.

Theo lời kể của ông: Trước ông cũng ăn uống bình thường như bao người, chỉ thi thoảng ăn mì nhưng ông đã bỏ hẳn cơm ăn mì từ năm 1988, khi ông đi bộ đội, thời đấy ở đơn vị toàn ăn đại mạch (bo bo chưa xát vỏ) mà khổ nỗi khi ăn vào ông bị đau bụng dữ dội, thế là vợ ông phải mang gạo từ quê lên tận đơn vị nấu cơm cho ông ăn. Tuy nhiên, khi ăn cơm vào ông cũng không chịu được vì đầy hơi và phải nôn ra mới đỡ nên từ đó đến giờ ông phải ăn mì tôm thay cơm.


	Ông Hải kể về

Ông Hải kể về "sự tích" ăn mì tôm của mình.

Sau khi giải ngũ về quê, ông Hải đi làm bảo vệ nhiều nơi từ Hưng Yên đến Hà Nội, bất kể ở nhà hay ở chỗ làm thì mì tôm đã trở thành cơm bữa hàng ngày của ông, mà như cách nói dí dỏm của ông thì: “Nếu nhà máy sản xuất mì tôm mà phá sản thì coi như mình cũng đi luôn”.

Mặc dù hơn hai chục năm trời chỉ ăn mì nhưng ông vẫn khỏe mạnh và cảm thấy ngon miệng với món này. Về nguyên nhân dẫn đến chứng “chán cơm thèm mì”, bà Dương Thị Vân – vợ ông Hải cho biết: “Khi đó, ông ấy cứ ăn cơm vào là kêu bị đầy hơi, đau bụng rồi lại nôn thốc, nôn tháo mới khỏi, đi khám bác sỹ lúc đó bảo bị hẹp môn vị nên không ăn được cơm.”


	Bà Vân (vợ ông Hải) kể rằng mỗi ngày ông đều ăn hết 5 gói mỳ.

Bà Vân (vợ ông Hải) kể rằng mỗi ngày ông đều ăn hết 5 gói mì.

Thế là từ hồi đó đến giờ trong nhà ông không lúc nào không có đôi ba thùng mì và ông đều đặn đánh chén 5 gói/ngày. “Bao nhiêu năm nay ông ấy ăn nhưng chẳng thấy kêu chán bao giờ cả, lúc nào cũng thấy ăn được. Trước đây, thời buổi khó khăn nên làm gì có mì gói ngon như bây giờ, toàn mì cuộn, mì “cởi trần” đấy chứ lại toàn ăn mì không thôi, bây giờ thì mì đầy ra đấy, đủ các loại thích ăn loại nào thì mua và ăn mì có thêm thịt trứng nên có chất hơn”, bà Vân tâm sự.

Khi tôi tò mò về những lần đi ăn cỗ họ hàng, bạn bè thì ăn uống ra sao thì được biết tất cả bạn bè, họ hàng đều biết ông không ăn được cơm nên thường cũng được ưu tiên chuẩn bị sẵn mì cho ông, đặc biệt, ông kể bố vợ ông dịp nào có cỗ hay việc gì đó cũng không bao giờ quên chuẩn bị cho con rể vài gói mì; với lại như ông nói ông cũng không đòi hỏi có gì thì ăn nấy.

Ngoài việc coi mì là cơm bữa hằng ngày thì ông Hải không bao giờ uống rượu, chỉ uống một hai chén vào những dịp có việc không thể từ chối, còn lại hằng ngày thì không bao giờ động đến, đó cũng chính là lý do mà sức khỏe của ông vẫn đảm bảo – theo như lời nhận định của bà Vân – vợ ông.

Tết năm nay ông sẽ “cạch” mì tôm

“Tết năm nào cô cũng phải chuẩn bị 2 – 3 thùng mì tôm, chú thích ăn mì thì ăn, ăn bánh chưng thì ăn”, bà Vân chia sẻ về “thực đơn chính” của chồng trong dịp Tết hơn 20 năm qua.

Mặc dù không được thưởng thức trọn vẹn hương vị của Tết nhưng điều đó không quá quan trọng với ông, cái quan trọng nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về cả gia đình ông được quây quần bên nhau nói cười vui vẻ về một năm đã qua.

Chia sẻ về kế hoạch đón Tết sắp tới, ông Hải hồ hởi nói về những niềm vui lớn của gia đình ông năm nay: “Tháng 8 vừa rồi chú bị đau bụng dữ dội không ăn được gì cả, thế là xuống bệnh viện Quân y 108 để điều trị và được chẩn đoán là bị viêm loét dạ dày. Sau khi điều trị hết gần 6 triệu đồng tiền thuốc men thì đến giờ chú đã ăn được cơm trở lại và rất ít khi ăn mì. Sau khi ăn được cơm chú cảm thấy ăn ngon miệng hơn, ngủ sâu giấc hơn và có thể thoải mãi đánh chén tất cả các món trong dịp Tết tới.”

Chuyện vui thứ hai mà ông chia sẻ, đó là cô con dâu của ông sang năm sẽ sinh cho ông cháu nội, ngoài ra sang năm con trai thứ hai của ông cũng sẽ tốt nghiệp đại học.

Theo Tri thức trẻ

Các tin cũ hơn