Mẹ của học sinh Nguyễn Phan Thành Lâm ngã quỵ khi nhìn thấy xác con. Ảnh: L.N.
Có khoảng 400 khách du lịch và hơn 100 học sinh đã xuống biển trong hôm xảy ra cái chết thương tâm của 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Sáng 30/12, khi thủy triều rút xuống, phía xa nơi các em bị sóng nhấn chìm, chiếc cọc gỗ treo tấm biển “nguy hiểm” nổi lên. Cạnh đó những chiếc xà lan đang phục vụ công trình lấn biển của Công ty Xây dựng Lũng Lô trước đó chìm nghỉm dưới nước, giờ lộ mình bên những hố sâu.
Sát nơi học sinh tử nạn là hàng đống vật liệu phục vụ cho công trình nằm ngổn ngang. Gần 1km trước bãi tắm 30/4, những ụ đất, đá lô nhô tạo ra những hố sâu nguy hiểm nhưng tuyệt nhiên không có một dòng cảnh báo nào. Các em học sinh vẫn tắm ở đó, cho đến khi sóng lùa vào các hố này.
Ông Đinh Quang Tuấn, đội trưởng đội bảo vệ thuộc Ban Quản lý khu du lịch 30/4 cho rằng nơi các em tắm cách chốt bảo vệ 30 mét và có biển báo nguy hiểm nhưng học sinh “bỏ qua lời cảnh báo”.
“Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở, thậm chí thầy cô cũng lên tiếng cảnh báo nhóm học sinh này không bơi ra quá biển báo nhưng các em không nghe nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc ấy”, ông Tuấn nói, đồng thời cho rằng “việc cứu hộ là kịp thời”.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Hằng (ấp Long Thạnh, xã Long Hòa) bán hàng ở khu 30/4, chị đang bán hàng thì phát hiện những cánh tay đưa lên liền báo cho lực lượng cứu hộ nhưng họ ứng cứu không kịp. “Khi ca-nô ra tới nơi thì các em đã chìm rồi”, chị nói.
Anh Thắng ở xã Long Hòa, nhận được tin có học sinh chết đuối liền chạy tới cùng bảo vệ đẩy chiếc ca-nô từ một nhà nghỉ xuống thì phát hiện ca-nô hết xăng. “Chúng tôi kêu xe kéo tới để đưa ca-nô lên xe đẩy xuống biển thì xe kéo hỏng bánh, phải sửa rồi mới đẩy xuống được. Lúc ấy ca-nô xuống đến nơi thì đã muộn rồi”, anh Thắng kể.
Mặc dù khẳng định ứng cứu kịp thời nhưng ông Tuấn cho rằng, trưa 29/12 có gần 500 người tắm biển, trong khi lực lượng cứu hộ chỉ bốn người, thêm một số bảo vệ của ban quản lý bãi tắm nên kiểm tra không xuể.
“Thực tế chúng tôi đã đảm bảo an toàn cho gần 500 người tắm biển nơi đây nhưng thời tiết quá xấu khiến sự việc đáng tiếc xảy ra. Ca-nô chúng tôi ra tới nơi bị sóng đánh vào hai lần, khi ấy các em đã mệt lử và chìm dần”, ông nói thêm. Bảo vệ của khu 30/4 nói, thời điểm xảy ra sự việc, thời tiết xấu nên ca-nô ra tới nơi thì bị sóng đánh vào bờ.
Nhiều phụ huynh cho hay, trước khi con của họ được chọn đi du lịch đợt này phải đóng phí 400 nghìn đồng. Họ yên tâm khi lần đi này nhà trường cử 19 giáo viên theo sát và phối hợp với Công ty Du lịch Hưng Phát ở thị xã Dĩ An, Bình Dương. Các nhân chứng nói, ngoài 13 học sinh xuống biển tắm, hai giáo viên cũng xuống tắm cùng.
Trao đổi với PV, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay Sở vẫn đang chờ kết quả điều tra từ cơ quan chức năng để làm cơ sở xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong vụ việc này. “Đây là bài học cho ngành, nhất là đối với các trường học trên địa bàn trong việc tổ chức đưa học sinh đi tham quan, du lịch trong thời gian tới”- ông Phương nói.
Ngày 30/12, lãnh đạo tỉnh đã đến thăm hỏi và chia buồn với gia đình 7 em học sinh gặp nạn khi tắm biển tại Cần Giờ. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ cho mỗi gia đình có nạn nhân 19 triệu đồng. Huyện Cần Giờ cũng hỗ trợ mỗi gia đình có học sinh tử nạn 5 triệu đồng.
Điều tra làm rõ nguyên nhân Sáng 30/12, đại diện Công an huyện Cần Giờ phối hợp với Phòng kỹ thuật hình sự, Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM tới bãi biển 30/4 để dựng lại hiện trường vụ bảy học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chết đuối vào trưa 29/12. Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa - Phó trưởng Công an huyện Cần Giờ cho biết sau khi bị sóng đánh, học sinh bị đẩy về phía bờ kè lấn biển đang thi công ở cạnh bãi tắm 30/4. Hiện trường mà các chiến sĩ dựng lại phù hợp với lời khai của các giáo viên và người dân chứng kiến sự việc. “Chúng tôi vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng để nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc”- ông Nghĩa cho biết. |
Theo Tiền phong