Người ta vẫn hay kể cho nhau nghe một câu chuyện để minh họa cho cái gọi là “bạo hành” trong gia đình. Có một người vợ ngoại tình, bị người chồng bắt được. Người chồng không đánh, không chửi, nhưng bắt vợ tự thú tất cả hành vi của bà, rồi thu âm lại.
Cứ trước mỗi bữa cơm, người chồng lại bật đoạn băng ấy, trước mặt tất cả các thành viên trong gia đình, bắt con cái phải nghe bằng hết. Rồi người vợ, chịu đựng được những bữa cơm tủi nhục ấy được một thời gian, thì tự vẫn.
Chuyện không biết có thật hay không, nhưng nó cũng nói được rằng trong một xã hội mà những con người có ăn học và văn hóa ngày càng nhiều như bây giờ, thì những hình thức bạo hành không chỉ còn là những cú đấm cú đá, thậm chí không cần phải là một câu chửi bậy. Nó có thể tinh tế hơn thế rất nhiều, gây tổn thương sâu sắc hơn rất nhiều.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; phòng chống bạo lực gia đình, hay được dân gian nhớ đến là nghị định “chửi vợ thì phạt tiền”, mong muốn bao quát hết các hành vi bạo hành tinh thần và thể chất như thế.
Nhưng nhiều người thấy không ổn: cái gọi là hành vi “lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình” rất khó xác định.
Những câu nói và hành vi bình thản cũng có thể đẩy con người ta đến chỗ quẫn bách. Trong khi đó, bây giờ ra ngoài chợ, một cặp vợ chồng bán quán, vì một viên than tổ ong quên không gắp, một hai nghìn tính nhầm, có thể chửi nhau những câu rất thô tục. Hỏi họ rằng đấy có phải là “xúc phạm danh dự” hay không thì chắc câu trả lời là không – đó đơn giản là cách đối thoại, so sánh vui thì như là các nghệ sĩ nhạc rap Mỹ đối thoại với khán giả của họ, đầy các từ thô tục, nhưng không thể coi là xúc phạm nhau.
Cặp vợ chồng bán quán hay chửi nhau có thể hạnh phúc hơn nhiều so với một cặp vợ chồng khác, ăn học tử tế, ở cái nhà to, hàng ngày không quên nói với nhau những câu rất chân tình thủ thỉ, kiểu gia đình anh chịu ơn bố mẹ tôi thì cũng sống làm sao đừng để người khác họ nói là ăn cháo đá bát, vân vân... Nhưng nếu cơ quan chức năng xộc tới hiện trường, lập biên bản, thì mấy bà ngồi chợ bị phạt trước.
Còn một điểm nữa mà nghị định gây khó hiểu, về cái mức phạt dành cho hành vi “từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ”. Mức phạt ở đây là 100.000 đến 300.000 đồng.
Dư luận đang phẫn uất vì câu chuyện của cụ Quý và cụ Chén, cặp vợ chồng đã ngoài 80 ở Thạch Thất, Hà Nội, có 7 người con nhưng bị chúng đẩy ra đường đã mấy năm nay, lang thang không nơi nương tựa, mò cua bắt ốc kiếm ăn qua ngày.
Hai vợ chồng cụ Quý và cụ Chén
Thật ra thì nếu độc giả là người có trí nhớ tốt, thì cụ Quý và cụ Chén, những con người khốn khổ ấy không phải lần đầu tiên lên báo. Hai cụ đã được báo chí nhắc tới từ mấy năm trước. Và sự phẫn nộ của dư luận cũng chẳng cứu được sự khốn cùng trong lương tâm của những đứa con. Tất nhiên, bây giờ có thêm mức phạt 300.000 đồng, chắc cũng vậy. Con số ấy, đặt cạnh cái tư cách của những đứa con sẵn sàng ném bố mẹ chúng ra đường, nghe bi hài.
Những câu chuyện về ứng xử, và lại là ứng xử sau cánh cửa mỗi gia đình, can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính nghe cứ “vô duyên” như thế nào. Không thể triệt để cho dù mức phạt là bao nhiêu,
Vấn đề vẫn phải là một nền giáo dục nhân cách con người đủ tốt mới giải quyết được những chuyện ấy. Và nếu phải có sự can thiệp của chính quyền, thì điều đó phải rộng và mạnh tới mức có thể giúp các cụ no ấm đến lúc nhắm mắt kia.
Theo Depplus