Ông Tây từ bỏ ghế giám đốc sang Việt Nam bán xúc xích vỉa hè

Thứ năm, 23/01/2014, 10:16
Chỉ vì muốn giới thiệu đến quê hương của vợ món xúc xích truyền thống của gia đình mà Klaus Rutt (SN 1968), quốc tịch Đức đã không ngại ngần từ bỏ ghế giám đốc để về Việt Nam tự tay làm xúc xích bán ở lề đường.
Ông Tây từ bỏ ghế giám đốc sang Việt Nam bán xúc xích vỉa hè 1

Klaus cùng cậu con trai Leon đứng nướng xúc xích.Ảnh: Tuấn Vương

Tự tay làm xúc xích

Cứ khoảng 3 giờ chiều, người dân đi qua đường Phan Xích Long (thuộc phường 2, quận Phú Nhuận, giáp với đường rẽ qua cầu Hoàng Hoa Thám thuộc phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đều thấy một chàng Tây đội nón cát két, mặc tạp dề và quần áo trắng, lui cui, khệ nệ bày xúc xích ra bán ở vỉa hè cùng tấm biển ghi mấy chữ tiếng Việt nguệch ngoạc: “Xúc xích Đức 35k/cây”. Người qua đường không nhớ tên anh mà thường gọi là “ông Tây xúc xích”.

Klaus cho biết, gia đình anh ở Đức vốn có truyền thống làm xúc xích ngon nổi tiếng, không chỉ trong vùng mà còn lan ra nhiều tỉnh, thành khác. Học làm nghề xúc xích truyền thống gia đình từ năm lên bảy, nhưng khi lớn lên, Klaus không lập nghiệp bằng nghề truyền thống của gia đình, mà trở thành một kỹ sư chuyên về ngành xử lý chất thải môi trường.

Ở Đức, lương của ngành này gần chục ngàn Euro mỗi tháng. Hơn 20 năm trước, Klaus bước vào một nhà hàng Việt có tên Aziaca Garden và đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp Hà Thành của cô gái chủ quán, đó là chị Trần Hoàng Minh Nguyệt (vợ Klaus Rutt bây giờ). Lúc này, Klaus đang là giám đốc một công ty chuyên xử lý, chế biến rác thải. Không lâu sau đó, họ nên nghĩa vợ chồng. Lần lượt các con ra đời, họ sống hạnh phúc cùng gia đình nhà nội.

Chị Minh Nguyệt rất “ghiền” món xúc xích nướng do mẹ chồng làm. Năm 2008, gia đình Klaus Rutt về Việt Nam chơi, đi tham quan nhiều tỉnh, thành. Đi nhiều nơi mà không thấy món ăn của người Đức nên Klaus Rutt “ngứa nghề”, muốn giới thiệu món ăn của quê hương anh sang Việt Nam. Ông cựu giám đốc này rất thích con người Việt Nam tình cảm, hiếu khách và cái nắng hanh vàng của Sài Gòn nên quyết định sang định cư tại TP.HCM, lập ra Công ty Leon King.

Ông Tây từ bỏ ghế giám đốc sang Việt Nam bán xúc xích vỉa hè 2

Ga lăng hết cỡ, dắt xe cho thực khách nữ. Ảnh: Tuấn Vương

Đầu năm 2011, gửi các con cho bà ngoại nuôi, vợ chồng Klaus Rutt vào TP.HCM thuê một căn nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh để chế biến, kinh doanh xúc xích.

Để nhiều người Việt biết rõ hơn về món xúc xích Đức, họ quyết định mua một chiếc xe bán tải để đi bán ở nhiều nơi. Lúc đầu, họ biếu không cho người đi đường rồi mới chuyển về bán cạnh đường Phan Xích Long với xúc xích heo và bò. Nguyên liệu đều nhập từ Đức, ngay cả gia vị cũng vậy. Người Đức vốn kỹ tính và kỷ luật, nên cửa hàng xúc xích di động của Klaus chỉ thuê một vài sinh viên đứng bán phụ, còn nướng và chế biến do tự tay Klaus phục vụ.

Klaus lên lịch làm việc cho mình đó là chiều đứng bán, tối làm xúc xích. Nếu hôm nào bán khuya, mệt thì hôm sau anh nghỉ bán ở nhà chế biến xúc xích. Các loại máy nghiền, trộn thịt đều được nhập từ chính quê hương anh. Xúc xích các loại đều do tự tay anh nêm nếm, làm ra từng khúc, anh mới vừa lòng. Dăm bảy cái bàn ăn cho khách vỉa hè cũng vậy, anh phải tự thiết kế, đặt làm bằng inox loại xịn theo nguyên bản từ quê nhà anh mới chịu.

Ghiền chè và phở của Việt Nam

Cứ mỗi khi có khách đến mua hàng, Klaus Rutt lại hồ hởi rút danh thiếp để giới thiệu về món ăn, về địa chỉ của công ty. Anh niềm nở bắt tay từng người. Gặp khách dắt xe lên vỉa hè không được, Klaus liền buông kẹp nướng, tất tả bước ra với nụ cười niềm mở, ra hiệu cứ để xe máy ở đó, anh sẽ dắt lên vỉa hè.

Khi được hỏi mức thu nhập từ bán xúc xích vỉa hè này có đủ nuôi sống gia đình không, chị Minh Nguyệt cho biết: “Tôi muốn phát khùng với anh ấy. Tôi vẫn còn các nhà hàng bên Đức, con gái lớn bây giờ tự lập vào đại học rồi. Vậy mà anh ấy cứ nằng nặc bỏ hết sự nghiệp ở Đức để về Việt Nam… đứng đường bán xúc xích.

Không ai lay chuyển được, bố mẹ, anh em của anh ấy cũng phải dọa: Nếu quay lại Đức làm lại sự nghiệp thì họ còn nhận là con, là người thân. Còn không, thì coi như… Chị Minh Nguyệt cho biết thêm, xúc xích Đức chính gốc vốn nổi tiếng thế giới, nghe tiếng của anh, một siêu thị đã đánh tiếng mời anh hợp tác để sản xuất xúc xích nhưng Klaus từ chối vì sau khi tìm hiểu dây chuyền sản xuất của nơi này, anh cho là “không chính thống”.

Hiện anh cũng đang dồn sức để xây dựng một dây chuyền sản xuất xúc xích Đức tại Long An. Klaus cũng dạy cho các nhân viên của mình những “bí kíp” và ngón nghề làm xúc xích Đức. Với món ăn Sài Gòn, chị Minh Nguyệt cho biết, ngoài… gặm bánh mì kẹp xúc xích nướng, Klaus có thể ăn phở, ăn chè cả tuần mà không thấy ngán. Đúng là “không giống ai”, chị Nguyệt than thở.

Cái sự… không giống ai của Klaus được vợ anh “minh họa”: “Ai đời nhà mình (thuê tại đường Huỳnh Văn Bánh, phường 12, quận Phú Nhuận) mở một cửa hàng xúc xích Đức, có đầy đủ bàn ghế, nhân viên, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, mà lại “ôm vợ con” lao ra vỉa hè đứng đường, bán xúc xích.

Đội nắng, đội mưa mà thỉnh thoảng còn bị dân phòng đuổi, vì lấn chiếm lòng lề đường. Làm như cái vỉa hè ở đường phố Sài Gòn có ma lực, hút hết tâm hồn của ổng vậy”, chị Minh Nguyệt vừa cười vừa nói về ông chồng Tây của mình.

Theo Gia đình

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích