Một tuần trước ngày Tết Nguyên đán, trong khi người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tắc đường triền miên trong đợt cao điểm đi lại hàng năm, một thành phố ở nước này đã có một dịch vụ vô cùng sáng tạo và đắt khách, đó là “chuyển phát” trẻ em về quê ăn Tết.
Thành phố Thanh Đảo ở phía Đông Trung Quốc đang xây dựng dịch vụ “chuyển phát trẻ em” này để hộ tống con em lao động nhập cư trở về quê nhà đón Tết cùng người thân.
Dịch vụ này chủ yếu dành cho những gia đình muốn đưa con em mình về quê trước khi bố mẹ có điều kiện trở về sum họp gia đình dịp Tết. Nhiều trường học ở Trung Quốc đã cho nghỉ Tết ngay sau ngày cúng ông Công ông Táo, trong khi phần lớn công nhân, viên chức ở nước này tới tận ngày 31/1 mới được nghỉ Tết. Quy định nghỉ Tết khắt khe này khiến nhiều gia đình không biết phải làm sao để trông nom, quản lý con em mình khi chúng được nghỉ Tết sớm.
Người dân Trung Quốc đang hối hả cho những hành trình về quê ăn Tết.
Nắm bắt được nhu cầu này, thành phố Thanh Đảo đã nhận “chuyển phát” con em các gia đình về quê ăn Tết bằng xe khách dưới sự chăm sóc của tài xế và bố mẹ có thể theo dõi tình hình của con cái thông qua camera giám sát. Người thân ở quê nhà đến đón con cháu mình sẽ phải thông báo với nhân viên nhà xe một mã đặc biệt được quy định từ trước để tránh kẻ xấu lợi dụng bắt cóc trẻ em.
Hiện nay nhiều người trong số hơn 260 lao động nhập cư ở Trung Quốc phải để con cái ở quê nhà cho ông bà hoặc họ hàng chăm sóc, bởi hệ thống đăng ký hộ khẩu nghiêm ngặt của Trung Quốc quy định quyền lợi xã hội của mỗi người phải gắn liền với nơi cư trú. Bởi vậy con em của các gia đình nhập cư chưa có hộ khẩu thường không được đến học tại các trường công hoặc được chăm sóc tại các bệnh viện công nơi bố mẹ làm việc.
Một số thành phố đã bắt đầu thử nghiệm cơ chế cấp hộ khẩu cho lao động nhập cư và con cái của họ để họ có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ công ích.
Hồi tháng 11, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các thành phố nhỏ được nới lỏng các yêu cầu về cư trú để cho phép con cái được đoàn tụ cùng bố mẹ của mình tại nơi họ làm việc. Tuy nhiên chính sách này đang vấp phải nhiều rào cản về quy định cũng như ngân sách, đặc biệt là ở những khu vực đông dân nhập cư.
Theo thống kê chưa chính thức, khoảng 61 triệu trẻ em Trung Quốc, chiếm 20% trẻ em toàn quốc không được gặp bố mẹ trong ít nhất 3 tháng trời, và nhiều người đang gọi những trẻ em này là “thế hệ bị bỏ rơi”.
Một số lao động nhập cư ở Thanh Đảo cho biết họ coi dịch vụ “chuyển phát trẻ em” này rất hữu ích. Anh Trần Hồng Quý, một người bán cá cho biết anh đã đăng ký gửi đứa con trai 12 tuổi của mình về Tế Nam bằng dịch vụ này vì hiện nay anh quá bận rộn với công việc trước Tết nên không thể tự mình đưa con về quê.
Các học sinh chuẩn bị được "chuyển phát" về quê ăn Tết.
Anh Trần nói: “Trước đây, mỗi khi Tết sắp đến, con trai tôi lại phải ở nhà và không ai có thời gian để nấu nướng hay chăm sóc cho nó.”
Dịch vụ “chuyển phát trẻ em” ở Thanh Đảo có tổng cộng 14 tuyến xe bus đường dài. Đây không phải là thành phố đầu tiên cung cấp dịch vụ độc đáo này, bởi nó cũng đã xuất hiện ở Vũ Hán, Hàng Châu và một số thành phố khác.
Cứ đến những ngày giáp Tết hàng năm, hàng trăm triệu lao động nhập cư Trung Quốc ồ ạt lên đường về quê để đón Tết Nguyên đán cùng với bà con họ hàng. Chính phủ Trung Quốc ước tính năm nay sẽ có khoảng 3,6 tỉ lượt người đi bằng đường không, đường bộ và đường sắt để về quê ăn Tết trong dịp cao điểm đi lại kéo dài suốt 40 ngày.
Tuy nhiên, một số người trên các mạng xã hội lại tỏ ra nghi ngờ về dịch vụ “chuyển phát trẻ em” này và cho rằng việc giao con em mình cho những người lạ là quá nguy hiểm.
Một người dùng trên mạng Weibo cho biết: “Bến xe Thanh Đảo từng gửi ba kiện hành lý của tôi tới nhầm địa điểm, thế nên hãy cẩn thận.” Trong khi đó, nhiều người dân lại bày tỏ mong muốn chính quyền tiếp tục mở rộng chương trình này để giúp lao động nhập cư có thể dễ dàng về quê ăn Tết.
Một người dân Trung Quốc bày tỏ: “Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu họ cũng chuyển phát cả người lớn. Nhiều lao động nhập cư nghèo đến mức không có tiền để trang trải chi phí tàu xe về quê ăn Tết.”
Theo Khampha