Người Cơ Tu đi làm rất sớm, họ mang cơm đi ăn tại nương, rẫy cho đến tận tối mịt mới về nhà. Do đó, mới 6 giờ sáng chúng tôi đã tìm đến nhà anh Trơn nằm ngay ở trung tâm huyện Tây Giang. Lúc này gia đình anh vừa ăn xong bữa sáng, hai người vợ cùng các con chuẩn bị lên nương. Hỏi về chuyện lấy hai vợ, anh Trơn bảo: Đấy là tục nối dây của người Cơ Tu mà, một khi người chị qua đời, được sự đồng ý của gia đình bên vợ thì lấy người em làm vợ thôi.
Anh Biah’ Trơn
Năm 1990, anh Trơn cưới chị Hối Thị Lâm (SN 1974 ở cùng xã) làm vợ. Gia đình anh Trơn có tiền của nên đám cưới làm thịt nhiều trâu, bò, lợn lắm. Họ hàng hai bên và dân làng ăn trong vòng 4 ngày mới hết. Đây được xem là đám cưới hoành tráng nhất của người Cơ Tu nơi đây.
"Tổng cộng đám cưới giết thịt 4 con trâu, 7 con bò, và 20 con lợn, giờ mà bán ra cũng được gần 200 triệu đồng”, anh Trơn nói.
Vợ chồng anh ăn ở với được một năm thì chị Lâm ngã bệnh. Quan niệm của người Cơ Tu, bệnh ấy là do ma bắt. Muốn khỏi bệnh thì phải đuổi con ma đi. Thương vợ, anh Trơn đi khắp nơi mời thầy cúng về để chữa bệnh cho vợ nhưng hết nhờ thầy cúng này đến thầy cúng khác, bệnh của chị Lâm không lành mà con nặng thêm.
Rồi thầy cúng bảo rằng, chị Lâm sẽ khó qua khỏi. Chị Lâm nằm một chỗ nhiều năm liền, người thân của anh Trơn rất lo lắng cho tương lai giống nòi.
Chờ đợi chị Lâm lành bệnh không được, cũng không sinh được đứa con nào, đến năm 1993, ba mẹ anh Trơn như đứng trên đống lửa, rồi bảo Trơn nên cưới vợ hai. Chẳng phải đi xa, chị Lâm có đứa em gái là Hối Thị Linh (SN 1979) cũng chưa có chồng, Trơn bảo với ba mẹ vợ muốn cưới Linh làm vợ và được chấp nhận.
Ngày cưới chị Linh, đám cưới tổ chức ít mâm cỗ hơn, hai gia đình cùng họ hàng chỉ ăn trong một ngày. Thế là từ đây, trong căn nhà của anh Trơn có hai người vợ, họ là chị em ruột với nhau.
Có vợ mới nhưng anh Trơn không quên người vợ cũ đang ốm đau, vẫn thường xuyên chăm sóc. Những lúc anh Trơn đi vắng thì có em gái chăm sóc chu đáo. Cũng trong năm đó, ở vùng cao Tây Giang, người dân nhận thức về ma quỷ đã dần thay đổi. Người Cơ Tu ốm đau đã biết tìm đến bệnh viện, trạm xá...
Biah’ Trơn cùng với hai người vợ chuẩn bị lên nương.
Và rồi, anh Trơn đưa chị Lâm ra TP. Đà Nẵng điều trị. Tại đây, các bác sĩ bảo, chẳng phải do ma quỷ gì hết, chị Lâm bị rối loạn thần kinh. Sau 12 ngày chữa trị, chị Lâm phục hồi sức khỏe và lành bệnh hẳn. Trở về nhà, chị cùng người em gái hằng ngày lên nương làm việc, tối về sống chung trong một mái nhà.
Đến năm 1995, chị Lâm sinh cho anh Trơn một đứa con trai là Biah’ Trứa. Niềm vui được nhân lên khi vào năm 1996, chị Lâm lại sinh tiếp một đứa con gái tên là Riah’ Thị Trớt, và năm 2005 sinh thêm Biah’ Thị Trà. Về phía chị Linh, năm 1997 sinh người con đầu là Biah’ Thị Treo và Biah’ Trọng vào năm 2000. Hai chị em Lâm đã sinh cho chồng 5 người con.
Người Cơ Tu có tục nối dây, đấy là một luật tục trước đây. Theo tục lệ này, khi người vợ qua đời, người chồng muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, có thể là em gái vợ còn rất nhỏ tuổi hay thậm chí là người chị vợ già hơn mình rất nhiều, miễn là người đó chưa có chồng. Nhưng trường hợp như Biah’ Trơn thì quả là có một không hai.
Tôi hỏi anh Trơn: Thế hai người vợ có hay ghen tị không? Anh Trơn cười: “Để hai vợ đánh nhau thì cái nhà này loạn à? Nói thật nhé, ở với nhau mãi, gần nhau suốt ngày tránh sao khỏi những lúc lớn tiếng với nhau. Những khi va chạm thì mình đứng ra làm “trọng tài”, cái gì cũng hòa giải được hết. Đã từng ấy năm chung sống, chưa lúc nào vợ cả, vợ hai của mình đánh nhau. Hai người có tức nhau thì nói qua nói lại một vài câu rồi xong. Hôm sau họ lên nương, lên rẫy với nụ cười vui vẻ”.
Tôi cũng tò mò: Thế đêm xuống anh tính thế nào mà hai người vợ không tranh giành chồng vậy? Anh Trơn cười: “Mình tính cả rồi, khi cưới vợ hai về mình làm cho mỗi vợ một phòng riêng, chẳng ai xâm phạm đến của ai hết”.
Anh Trơn mua gỗ về làm nhà trên 1 tỷ đồng cho vợ hai.
Rồi anh Trơn dẫn chúng tôi vào nhà, thăm chốn phòng the của vợ chồng anh. Anh Trơn chỉ: Đây là căn phòng của vợ hai, đây là của vợ cả. Hai căn phòng chỉ cách nhau bởi những tấm gỗ. Tôi đùa tiếp: Gần vậy, nhỡ đêm có tiếng động thì sao? Anh Trơn vui vẻ: Thì phải nhịp nhàng chứ, không thể đánh thức người bên kia được.
Nói rồi giọng anh lại chững lại: “Nói gì thì nói nhưng cũng phải làm hai ngôi nhà cho hai người vợ thôi. Giờ con cái cũng đã lớn, hai người con của Lâm cũng đã lấy vợ, lấy chồng rồi, sang năm sẽ sinh con. Và, ba đứa còn lại cũng vậy cả, tôi sắp làm căn nhà cho vợ hai hơn 1 tỷ đồng”.
Nghe nói vậy, tôi lấy làm ngạc nhiên. Ở chốn vùng cao nghèo khó này mà làm nhà trên 1 tỷ đồng quả là điều khó tin. Hiểu được ý của tôi, anh Trơn giải thích, năm 2003, huyện Tây Giang được tái lập (huyện Tây Giang và Đông Giang tách ra từ huyện Hiên) khu vườn nhà anh thuộc Trung tâm huyện Tây Giang, đất đai rộng lớn, khi mở rộng trung tâm huyện thì đụng đến đâu cũng thuộc đất gia đình anh.
Theo VTC