Mỹ nhân nức tiếng Sài thành và lời nguyền oan nghiệt

Chủ nhật, 16/02/2014, 17:40
Với nhan sắc của một tiểu thư con nhà giàu miền Tây, Sáu Hương không cần nhiều thủ thuật như cô Ba Trà, Tư Nhị cũng thừa sức khiến cho đám mày râu mê sắc.

Sáu Hương vốn là em ruột của một công tử nức tiếng ăn chơi của Trà Vinh thời ấy (khoảng thời gian 1925 - 1935). Công tử Bích là thiếu gia con của một bá hộ giàu nhất đất Trà Vinh lúc bấy giờ, và cũng giống như các công tử Mỹ Tho, công tử Bạc Liêu, vị công tử Trà Vinh này đã từ vùng quê Trà Vinh lên đất Sài Gòn ăn chơi và nghiễm nhiên trở thành một tay thiếu gia được nhiều người biết tiếng. Anh ta có thể sánh ngang hàng với Bạch công tử, Hắc công tử thời đó. Và đã từng là bạn tình khăng khít nhiều năm của cô Ba Trà, hay là Lucie B.

Cô tiểu thư mê tự do bay nhảy

Công tử Trà Vinh không chỉ bước vào thế giới muôn màu sắc của Sài Gòn hoa lệ một thân một mình, mà sau vài năm nổi tiếng, bên cạnh anh ta còn có một người con gái được biết đến cùng xuất thân trong một gia đình đó là cô Sáu Hương.

Đây là một người đẹp, vừa đẹp lại vừa xuất thân là con nhà giàu cho nên sự xuất hiện của cô lập tức gây chú ý cho mọi người bằng một cách khác hơn Ba Trà hay Tư Nhị. Bởi Sáu Hương bước vào con đường ăn chơi, tức vào thế giới phù hoa của Hòn ngọc viễn đông không phải vì ham tiền hay mê danh vọng như số còn lại của bộ tứ mỹ nhân, mà mục đích chính của Sáu Hương khi tham gia là do sở thích riêng. Chính Sáu Hương lúc đã được mọi người biết tiếng từng nói thẳng với những tay chơi bám theo cô rằng cô không mê tiền của họ, mà chỉ mê được tự do bay nhảy: Mê những cuộc khiêu vũ thâu đêm, mê những cuộc chè chén với sự có mặt của các vương tôn công tử. Bởi vậy trong giới phù hoa của Sài Gòn lúc ấy, các tay chơi đều dành cho cô Sáu Hương một sự nể trọng đặc biệt.

Và tất nhiên là với nhan sắc của một tiểu thư con nhà giàu miền Tây thì Sáu Hương không cần nhiều thủ thuật như cô Ba Trà, Tư Nhị cũng thừa sức khiến cho đám mày râu mê sắc, đắm tình xếp hàng sau lưng người đẹp có cái tên quyến rũ là Sáu Hương này đếm không xuể. Nhưng như vậy thì tại sao Sáu Hương lại phải cần tới bùa ngải để phát sinh ra câu chuyện liên quan tới bùa ngải sẽ được nói tới trong bài này?

sáu hương

Ảnh minh họa

Thật ra đây gần như là một quy luật mà cái thế giới phù hoa của Sài Gòn xưa đã đặt ra cho những người tham gia vào nó đều phải vướng vào: Đam mê trác táng và những cuộc tình mê đắm quên thời gian cùng với hai thứ không thể thiếu trong đời sống của họ, đó là á phiện và bùa ngải. Nói như cô Ba Trà trước khi nhắm mắt lìa đời, lúc đã tàn tạ nhan sắc bằng một câu nổi tiếng rằng: Nếu không có bài bạc, á phiện và bùa ngải thì Ba Trà này phải được đàn ông của thời ấy mãi mãi xưng tụng Trà như một thánh nữ!

Chuyện của cô Sáu Hương thì có khác đôi chút, bởi những gì của cô dính líu tới bùa ngải lại không xuất phát từ bản thân cô gái đẹp con nhà giàu này, mà lại xuất phát từ một số đàn ông vây quanh cô thời ấy. Ở đây là một câu chuyện bi thương của hai người đàn ông bên cạnh cuộc đời của Sáu Hương cho nên khi chép lại đoạn bi kịch này, thì riêng tôi (tác giả) cũng không khỏi bùi ngùi, thương xót cho những nhân vật trong câu chuyện. Nhân vật chính ở đây dĩ nhiên là cô Sáu Hương cùng với hai người đàn ông, một người là thủ phạm còn người kia là nạn nhân, nhưng chung quy thì cả hai cũng đều là nạn nhân, nạn nhân của bùa ngải và sắc đẹp nữ nhân!

Tấm danh thiếp định mệnh

Vào thời ấy (tức khoảng năm 1925 - 1930) ở xứ ta, nhất là ở Sài Gòn giá vàng rất rẻ và nổi tiếng nhất là vàng miếng (tức là vàng một lạng một miếng) chỉ có mười chín hai mươi đồng bạc con cò (sở dĩ gọi như vậy là vì trên tờ giấy bạc có in hình con cò, còn gọi là đồng bạc Mể  Tây Cơ (Piaste de Méxican).

Vậy mà muốn có đủ mười chín, hai mươi đồng để mua được một lạng vàng không phải là chuyện dễ, bởi đồng lương của một quan chức hạng trung thời ấy chỉ khoảng sáu tới tám đồng bạc, mà sinh hoạt đắt đỏ với đủ thứ tiền cho sinh hoạt nên không dễ gì một công chức hạng trung dành dụm để mua được một cây vàng, dù đó là khoảng thời gian cho một năm hay hơn thế. Cũng giống như ngày nay đi làm viên chức chân chính lương năm ba triệu đồng mỗi tháng, thì làm sao dành dụm nổi mà mua một cây vàng!

Một hôm khi cô Sáu Hương ngồi xe hơi hiệu Panhage vừa dừng trước nhà hàng sang trọng chợt có một thanh niên từ bên kia đường băng qua, trên tay cầm một bó hoa hồng tươi thắm dừng ngay trước  mặt cô Sáu rồi lịch sự bằng hai tay đưa bó hoa tặng người đẹp với câu nói vắn tắt nhưng đủ ý nghĩa: "Tất cả dành cho Sáu Hương, xin em nhận cho!".

Vừa nói xong và dứt câu nói thì anh chàng biến mất ngay lập tức. Sáu Hương cũng giống như những người đẹp trong bộ tứ, gọi là người đẹp trong tứ đại mỹ nhân thời bấy giờ, mỗi ngày có thể nhận được cả chục bó hoa như vậy cùng những lời nói chẳng đâu vào đâu như thế, cho nên thường thì họ cao lắm là cầm lấy bó hoa rồi sau đó vất trả lại xe trước khi bước vào nhà hàng, bởi bên trong nhà hàng đang có những ông đốc tờ Tây (bác sĩ), ông chánh án Pháp, hoặc Hắc, Bạch công tử đang chờ đợi sẵn, họ bận tâm làm gì với cái kiểu tỏ tình lãng mạn theo kiểu cò con đó!

Tuy nhiên bó hoa hồng bị cô Sáu vất lại trên xe rơi ra một tấm danh thiếp khiến cô phải chú ý, bởi tờ danh thiếp và một cái gói nhỏ hình như là gói vàng miếng, thay vì rơi xuống đất để sẽ bị bỏ lại như một tờ giấy lộn thì nó lại vướng vào cái vạt áo. Nhờ vậy cho nên tờ danh thiếp và gói giấy đó đã được Sáu Hương gỡ lấy rồi cầm trên tay khi bước vô bên trong nhà hàng Continental sang trọng.

Người đang đợi cô Sáu Hương trong nhà hàng là một tay chơi khét tiếng. Hắn rất lịch sự đứng lên đón người đẹp bằng cái cầm tay cô nàng đưa lên môi hôn nhẹ nhàng, lịch sự theo phong cách quý phái, mà trong bàn tay ấy có tấm danh thiếp, chẳng biết là của ai mà Sáu Hương đang cầm chưa kịp vất đi.

Khi hôn tay người đẹp xong thì ngẫu nhiên tay công tử kia cũng cầm luôn tấm danh thiếp vào tay mình với câu hỏi: "Của ai?". Dĩ nhiên là người đẹp chỉ vừa nhún vai vừa đáp hờ hững: Cũng chẳng biết nữa! Tuy người đẹp đáp như thế nhưng tay chơi kia vốn có máu ghen, cho nên sau khi dìu người đẹp ngồi xuống ghế xong, trong lúc người đẹp xin phép đi vào nhà vệ sinh bên trong thì tay này có dịp lật tờ danh thiếp đó lên xem và phát hiện một miếng vàng hiệu Đồng Thạnh nổi tiếng cùng dòng chữ ghi danh tánh: Lục sự Trần Văn T. tòa thượng thẩm Sài Gòn. Vừa đọc xong danh tánh trong tấm danh thiếp gã nọ buột miệng kêu lên: "Thì ra là thằng này!" ...

Rồi khi Sáu Hương đi toilette xong thì tên tình nhân của cô vội hỏi: "Em quen với thằng này?". Thật ra thì Sáu Hương chưa biết cái "thằng này" mà tay nhân tình vừa hỏi là ai, bởi lúc nãy cô nào đã có đọc tấm danh thiếp đâu, nhưng vốn là người không thích bị hạch hỏi kiểu đó, vả lại gã nhân tình lớn tuổi người Pháp này chẳng được cô Sáu thích lắm cho nên cô chau mày hỏi lại một cách khó chịu: "Anh hỏi về ai mà theo kiểu đó? Anh gọi là thằng này thằng kia để ám chỉ ai, phải chăng là người trong danh thiếp đó?". Rồi khi cô chụp lại tấm danh thiếp trên tay của tay nhân tình già thì đọc nhanh cái tên lạ hoắc ấy nhưng vì tự ái nên cô đã đáp nhanh: "Nó là bạn của tôi!".

Nhà văn Người Khăn Trắng

Theo ĐSPL

Các tin cũ hơn