Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm hỏi nạn nhân vụ lật cầu.
Mấy ngày qua, báo chí tràn ngập thông tin về vụ lật cầu Chu Va 6, khiến 8 người chết, 38 người bị thương. Thảm họa thế báo chí quan tâm cũng là lẽ thường. Trong dòng thông tin đó, kẻ khen Bộ trưởng Đinh La Thăng không ít, nhưng không phải không có lời chê.
Nhưng ít ai biết Bộ trưởng Thăng đã giải quyết thảm họa ấy như thế nào?
Xin bác sĩ, xin máy bay
Trưa 24/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng gọi tôi cùng đi Lai Châu cứu nạn vụ sập cầu.
Chuyến bay của Vietnam Airlines cất cánh lúc 2 giờ 25, tôi không kịp về lấy quần áo, máy tính xách tay, chỉ kịp mượn đồng nghiệp túi máy ảnh và lên đường.
Đoàn công tác của Bộ GTVT ngoài Bộ trưởng Thăng còn có Cục trưởng Quản lý chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh, vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ phó kết cấu hạ tầng Trần Quốc Toản và tôi.
Lên máy bay tôi mới biết, Bộ trưởng Thăng đã phải hủy kế hoạch thị sát tiến độ và chất lượng cầu Vĩnh Thịnh và Đông Trù vào buổi chiều. Tôi hỏi: “Bộ trưởng cũng có thể cử thứ trưởng đi mà?”. Ông nói: “Cứu người như cứu hỏa, thảm khốc thế mình phải đi”.
Máy bay hạ cánh tại Điện Biên lúc 3 giờ, xe của Sở GTVT đã chờ sẵn, không một phút gián đoạn, tức tốc lên đường. Chặng đường từ Điện Biên đi Lai Châu hơn 200 km, nhưng phải hơn 5 tiếng sau đoàn mới đến được BV tỉnh Lai Châu, bởi QL 12 đang sửa chữa, lại ngoằn nghèo khó đi.
Chủ tịch tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử và Giám đốc BV tỉnh Đỗ Văn Giang lập tức đưa Bộ trưởng Thăng đến từng giường bệnh thăm hỏi và trao quà. Các bệnh nhân phần lớn bị đa chấn thương, nhiều người nguy kịch.
Còn chưa kịp vào phòng họp để nghe bác sĩ Giang báo cáo tình hình, Bộ trưởng Thăng gọi điện luôn cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Xin chị điều giúp ngay các bác sĩ giỏi nhất của BV Lào Cai lên đêm nay hỗ trợ Lai Châu, đồng thời điều thêm bác sĩ của Bạch Mai, Việt Đức, vì số người bị thương rất đông (38 người) và nặng. Tình hình nguy kịch lắm”.
Ngay sau đó, ông gọi báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc, xin điều trực thăng đưa các bác sĩ từ Hà Nội lên cho kịp. Chỉ vài phút sau, Bộ trưởng Thăng nhận được điện thoại trả lời của Phó Thủ tướng, không chỉ điều một mà tới hai trực thăng vào sớm ngày hôm sau. Bác sĩ Giang thở phào: “Cám ơn anh, nếu không được tăng cường tôi sợ sẽ có thêm người chết”.
Đêm đó, trước khi đi ngủ, Bộ trưởng dặn cả đoàn 6 giờ sáng mai dậy đi Tam Đường, trực tiếp thị sát hiện trường cầu sập. Khi đến nơi, trời còn chưa sáng hẳn, sương mù dày. Bộ trưởng Thăng quan sát vị trí cầu sập, kiểm tra kỹ vị trí óc neo bị đứt.
Ông nói với Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng: “Đề nghị anh chỉ đạo công an điều tra rõ nguyên nhân đứt óc neo. Không nên làm cầu tại vị trí khác, trước mắt đề nghị địa phương làm đường tạm để dân đi, sau đó nghiên cứu làm lại cầu mới tại vị trí cầu sập”.
Quyết tại hiện trường
Quay về hội trường Tỉnh ủy, Bộ trưởng Thăng làm việc với lãnh đạo địa phương. Sau khi trao đổi với tỉnh và nghe các thành viên trong đoàn báo cáo, ông chỉ đạo: “Từ vụ tai nạn này, tới đây, những cầu treo dân sinh vẫn phải có cơ quan chức năng của ngành giao thông thẩm tra thiết kế, khi xong phải có nghiệm thu và hướng dẫn sử dụng. Chứ không để tình trạng như chiếc cầu sập, huyện làm chủ đầu tư, nhưng do phân cấp nên Sở GTVT đứng ngoài cuộc, không thẩm định thiết kế cũng không có kiểm tra chất lượng”.
Xem xét vị trí đứt ốc neo.
Trước khi ông Thăng lên, những bản tin ban đầu dẫn lời cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, đều khẳng định nguyên nhân lật cầu do người dân đi đưa đám tang qua cầu cùng lúc quá đông, dẫn tới quá tải, lật cầu. Nhưng sau khi thị sát hiện trường, Bộ trưởng đã phát hiện sự thật là cầu lật vì óc neo đứt, do không được đúc liền khối.
Ông nói: “Chúng ta không thể đổ lỗi cho dân. Vì sức chịu đựng của dây cáp gần 80 tấn. Cầu lật do sức chịu lực của óc neo quá thấp, không đồng bộ với cáp. Chưa kể khi làm cầu, ta phải tính đến các sinh hoạt cộng đồng của dân, đừng đếm dân của một bản để thiết kế cầu”.
Cũng từ đây, ông Thăng đề nghị tỉnh Lai Châu kiểm tra ngay chất lượng các cầu treo tại địa bàn, nhất là cầu Chu Va 8 - cây cầu có cùng đơn vị thiết kế thi công với cầu vừa xảy ra tai nạn.
“Tôi thực sự cảm kích trước tấm lòng và sự quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc giúp tỉnh giải quyết thảm họa lật cầu này. Sự quyết liệt ấy đã phần nào hạn chế được những thiệt hại về người của vụ tai nạn”, ông Lê Xuân Phùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết.
Bộ trưởng Thăng cũng phê bình Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT Lai Châu chậm báo cáo các sự việc nghiêm trọng. “Tôi chỉ biết thông tin khi xem bản tin truyền hình buổi trưa trong khi tai nạn xảy ra từ hơn 8 giờ, như vậy là quá chậm”, Bộ trưởng nói. Ông nói với tôi, nếu biết sớm hơn, ông đã có thể bay lên từ buổi sáng.
Hồi mới nhậm chức Bộ trưởng, không ít người nhận xét ông Thăng làm đốc công hợp hơn với việc làm chính trị gia, một tư lệnh ngành. Nay chứng kiến ông giải quyết hậu quả của một thảm họa, tôi thấy ông vừa có cái chất của một đốc công tại công trường, vừa có cái uy của một tư lệnh ngành thực thụ.
Cái chất đốc công giúp ông quan sát và xử lý vấn đề nhanh gọn. Còn cái uy của tư lệnh ngành, của một chính trị gia chính là sự nhìn nhận, đánh giá vấn đề ở tầm vĩ mô của một chính khách: Không phải cái gì không tốt xảy ra là đổ lỗi cho dân.
Bởi thế, chỉ sau cuộc họp 30 phút, cán bộ tham mưu đi cùng đoàn công tác đã dự thảo xong Công điện mà Bộ trưởng chỉ đạo, yêu cầu rà soát chất lượng cầu treo dân sinh trên toàn quốc. Sau đó, ông Thăng đọc qua và ký luôn tại hiện trường.
Suốt chặng đường đi theo Bộ trưởng Thăng, tôi chỉ kịp đi và chụp ảnh, thậm chí muốn hỏi han nạn nhân lấy tư liệu viết bài cũng khó. Ông đi quá nhanh, và quyết cũng nhanh, sợ rời ông có khi lại mất tin quan trọng vì ông vừa đi vừa quyết.
Theo VTCnews