Hàng ngày, bé B.A phải dậy từ 5h sáng để theo ông bà đi đánh giày.
Theo ông bà đi đánh giày từ khi chín tháng tuổi
Tại một quán cafe trên đường Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội), một bé gái khoảng chừng hơn hai tuổi trắng trẻo xinh xắn chạy lon ton tới từng bàn nơi các vị khách ngồi uống cafe nheo nheo mắt bập bẹ hỏi: "Đánh giày, đánh giày hông?".
Cô bé dễ thương ấy là Lê Ngọc B. A sinh năm 2011, cháu ngoại của anh Hoàng Bá Mai (sinh năm 1973) và chị Nguyễn Thị Lắng (sinh năm 1972) làm nghề đánh giày ở khu vực Hào Nam gần chục năm nay.
Khuôn mặt thơ ngây, đáng yêu của bé B.A.
Theo như anh Mai cho biết thì vợ chồng anh chị đã đưa cháu ngoại mình theo hành nghề từ khi cô bé mới chín tháng tuổi. Hàng ngày ba người họ thường có mặt ở góc quán cafe từ rất sớm để đánh giày cho khách vào quán uống cafe.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi trước việc cho cháu bé đi đánh giày khi cháu còn quá nhỏ, chị Nguyễn Thị Lắng nói: "Chúng tôi quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Cả hai vợ chồng đã làm nghề đánh giày hơn hai chục năm. Ba đứa con tôi hiện cũng đi đánh giày. Mẹ cháu B. A cũng đi đánh giày nhưng đi xa không mang con theo được. Chồng tôi mấy năm nay bị bệnh viêm khớp háng, chân ngày càng thọt không di chuyển được xa, chỉ có thể quanh quẩn ở gần nên vợ chồng tôi cho cháu theo. Cũng định cho cháu đi nhà trẻ nhưng nghĩ mất đi một khoản tiền hàng tháng nên thôi, với lại giờ cháu còn bé, đã biết gì đâu mà học cho tốn tiền".
Được biết ba người con của anh Mai và chị Lắng là: Hoàng Thị Huyền ( sinh năm 1992), Hoàng Bá Hùng (sinh năm 1994), Hoàng Thị Ngọc (sinh năm 1997). Cả ba đều nghỉ học từ rất sớm để phụ giúp bố mẹ đi đánh giày.
Hoàng Thị Huyền (mẹ của cháu Bảo Anh) lấy chồng từ năm 18 tuổi. Khi mang thai bé B. A vợ chồng mỗi người một nơi, Huyền bế con đến ở với bố mẹ đẻ. Hàng ngày để con gái đi làm cùng với ông bà ở mấy tuyến phố gần nhà, còn cô xách đồ nghề bươn trải ở mọi ngõ ngách trên địa bàn thành phố.
Khi được hỏi về thu nhập bình quân hàng ngày anh Mai chia sẻ: "Mỗi đôi giày đánh cho khách chúng tôi được trả mười nghìn đồng. Nếu dán hoặc khâu thêm đế thì sẽ được thêm hai đến ba chục nghìn. Hai vợ chồng tôi vừa làm vừa trông cháu nên chỉ kiếm được khoảng hai ba trăm nghìn trên một ngày. Mẹ bé B. A và các cậu, dì của cháu thì có thu nhập nhỉnh hơn một chút."
Theo như lời anh Mai nói thì với năm người đi đánh giày, bình quân thu nhập một tháng của gia đình họ sẽ thu về khoảng trên ba mươi triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt và các khoản chi tiêu khác phù hợp với mức sống tiết kiệm của người dân lao động, ước tính họ sẽ còn để dư ra trên hai mươi triệu đồng mỗi tháng. Với số tiền tương đối ổn định mà gia đình anh Mai chị Lắng kiếm được hàng tháng thì việc họ tiếc "một khoản tiền" khoảng hai triệu cho việc gửi bé B.A đi nhà trẻ quả thật đáng phải suy nghĩ.
"Có xinh như Hoa hậu, giỏi như Giáo sư cũng phải nối nghiệp đánh giày"
Đó là lời nói của anh Hoàng Bá Mai khi chúng tôi tỏ ý khen cháu thông minh xinh xắn. Với lí do cả ông bà, bố mẹ và cậu dì đều hành nghề đánh giày nên việc sau này bé B.A nối nghiệp gia đình, theo anh đó là điều tất yếu.
Nhìn bé B. A đang thiêm thiếp ngủ trên chiếc xe nôi với ánh mắt trìu mến, anh Nguyễn Văn Tùng hành nghề lái xe ôm ở đấy cho biết: "Con bé rất ngoan và khôn đáo để. Nó cứ tha thẩn chơi cho ông bà làm việc, đôi khi còn đi mời khách ngồi uống cafe trong quán đánh giày. Nhiều vị khách thấy cô bé kháu khỉnh đã không ngần ngại cởi đôi giầy còn sạch bóng ra nhờ vợ chồng anh Mai, chị Lắng đánh cho mình."
Khi chúng tôi thắc mắc về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cháu bé, chị Lắng phân trần: "Do đặc thù công việc nên cháu phải dậy từ lúc hơn 5h sáng để chuẩn bị theo chúng tôi đi làm. 6h chúng tôi bắt đầu đi, đến đây khoảng 6h30, nếu có khách thì vợ chồng tôi bắt tay vào công việc luôn. Con bé cứ chơi quanh quẩn thôi. Hồi chưa cháu chưa tròn một tuổi, mỗi ngày mẹ cháu tạt qua cho bú hai lần, giờ sáng cháu ăn bánh bao hoặc bánh mì, tôi có mua thêm cho cháu một hộp sữa. Trưa cháu ăn cơm hoặc ăn bún đậu, nói chung cứ ông bà ăn gì cháu ăn đấy. Nếu buồn ngủ thì trèo lên xe nôi ngủ, chờ đến chiều lại theo ông bà về."
Không hiểu do dạn dày sương gió từ lúc sinh ra hay do tự biết hoàn cảnh khác biệt của mình mà theo như lời chị Lắng nói thì bé có một sức đề kháng rất tốt. Dù thời tiết trở trời mưa nắng rất khắc nghiệt cũng ít khi Bảo Anh bị hắt hơi sổ mũi phải cần đến thuốc thang.
Niềm hạnh phúc của con trẻ sau cánh cửa trường mầm non
Đối diện nơi anh Mai chị Lắng đánh giày là trường mầm non Mầm xanh. Chúng tôi ái ngại nhìn khuôn mặt thơ ngây của Bảo Anh khi cháu đăm đăm hướng về phía ngôi trường nơi các bạn cùng trang lứa với mình đang nô đùa cùng những hàng loạt con thú nhún, đồ chơi trong sân.
Được sự đồng ý của ông bà ngoại cháu, chúng tôi dẫn cháu sang trường mầm non Mầm xanh để xin phép bảo vệ cho cháu vào chơi trong sân trường cùng các bạn. Trái với suy nghĩ của chúng tôi rằng bé sẽ e ngại sợ sệt khi lần đầu tiên làm quen với các bạn ở một nơi mới mẻ lạ lẫm, thì bé lại tỏ ra vô cùng phấn khích và thích thú. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của cô bé trong lúc chơi đùa cùng các bạn, lại nghĩ đến cuộc sống hiện tại của cô bé khiến chúng tôi không khỏi thấy chạnh lòng.
Bé vô cùng thích thú khi lần đầu được chơi những trò chơi của các bạn đồng trang lứa.
Khi được hỏi về dự định của gia đình đối với việc học hành của bé B. A, chị Lắng tâm sự: "Chúng tôi vừa dồn tiền mua một mảnh đất nên kinh tế bây giờ khá khó khăn. Gia đình sẽ cố gắng tiết kiệm tiền để khi cháu được bốn, năm tuổi sẽ cho cháu đi học mẫu giáo như các bạn cùng trang lứa. Nhưng do tất cả thành viên trong gia đình đều lên thành phố mưu sinh bằng nghề đánh giày nên việc cho cháu về quê học là điều không thể. Còn như xin cho cháu học ở Thành phố thì với thân phận là dân lao động nhập cư và hoàn cảnh kinh tế khó khăn như thế này xem ra việc học hành của con bé sẽ rất nan giải".
Cô bé B.A ngoái nhìn các bạn đang nô đùa trên những con thú nhún một cách tiếc nuối và buồn bã khi chúng tôi đưa bé quay lại nơi ông bà ngoại cháu. Như vậy, nếu may mắn đúng theo dự định của người thân thì B.A sẽ có cơ hội hàng ngày được đến lớp cùng các bạn nơi mái trường mầm non trong vòng hai năm nữa.
Theo Soha