Những “lời phán... cướp mạng người” của thầy bói

Thứ ba, 04/03/2014, 17:06
Mê tín dị đoan lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Mê tín dị đoan vẫn còn nhức nhối. (Ảnh minh họa)

Mê tín dị đoan vẫn còn nhức nhối. (Ảnh minh họa)

Đau lòng hơn khi nhiều người ngu muội dẫn đến quá mù quáng, tin vào lời "thầy bói" để rồi gây ra những cái chết oan uổng, thậm chí ra tay sát hại chính người thân của mình.

Những cái chết đến từ... thầy bói

Sự vụ kinh hoàng xảy ra ở Kom Tum mới đây, khi người dân phát hiện ra một cháu bé 11 tuổi bị bố mẹ mang bỏ ra rìa làng suýt mất mạng vì lời phán... của  thầy cúng. Câu chuyện đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng cuồng tín đến mê muội của người dân hiện nay. Chuyện xảy ra ở làng Đăk Sú, xã Đăk Long, H.Kon Lông (Kon Tum).

Tháng 12/2013, bé gái người Mơ Nâm tên Y Nôn, con của anh A Hành và chị Y Đương bỗng nhiên toàn thân da bị mọng nước, bong ra lở loét, hôi hám nên nghỉ học. Tại trung tâm Y tế huyện, bé Y Nôn được chẩn đoán là viêm da nhiễm trùng toàn thân.

Đến ngày 24/12/2013, bố mẹ bé Y Nôn trốn bệnh viện (BV) đưa con về nhà. Hỏi ra mới hay: Khi điều trị tại BV, người nhà được thầy bói Y Eo trong làng phán: "Con Y Nôn bị ma rừng bắt tội, ăn hết tim, gan rồi nên không chữa trị được mà phải cúng thôi".

Tin theo lời thầy bói, hai vợ chồng A Hành và Y Đương mang con về cúng, dù trung tâm Y tế và trạm Y tế xã Đăk Long cử cán bộ đến vận động nhiều lần nhưng họ vẫn cương quyết không đưa con trở lại BV điều trị. Cúng mãi vẫn không thuyên giảm, bé Y Nôn bị bố mẹ đưa ra rìa làng, cách nhà 1km, dựng một căn lều cho em nằm thoi thóp ở đó.

Mặc dù được chính quyền vận động, nhưng vợ chồng A Hành vẫn cương quyết không đưa cháu Y Nôn đi điều trị, chỉ đến khi Bí thư xã đứng ra hứa cho cán bộ xã vào làm hộ ruộng thay thì mới được A Hành đồng ý đưa xuống BV Đa khoa tỉnh Kom Tum điều trị. Tại đây, bé Y Nôn được chẩn đoán là viêm da nhiễm trùng toàn thân mức độ nặng cộng với hoại tử cơ và suy kiệt cơ thể nặng.

Nhớ lại câu chuyện kinh hoàng về người phụ nữ giết con chỉ vì tin vào lời thầy bói, dù xảy ra đã lâu, nhưng mỗi lần nhắc lại, dư luận không khỏi căm phẫn và xót xa. Người mẹ tội lỗi đó tên là Cao Thị Bình (SN 1985, trú ở thôn 6, xã Hoàng Châu, Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Năm 2006, Bình kết hôn với anh V. (SN 1982) là người cùng xã. Một năm sau, vợ chồng Bình sinh được cháu bé trai tên là H.. Tuy nhiên, cháu H. mắc chứng bệnh bại não dẫn đến 2 chân bị teo, không đi lại được. Tiền vợ chồng làm ra không đủ để chữa trị cho con. Cháu H. đã 2 lần đưa đi phẫu thuật chân nhưng vẫn không khỏi.

Đến tháng 5/2011, Bình lại sinh thêm bé trai D.. Cuộc sống khó khăn, khiến Bình nghĩ quẩn. Nghe nói, ở làng bên có thầy bói nói rất đúng về tương lai, Bình liền sang xem số phận mình thế nào. Bà thầy bói nhìn Bình hồi lâu rồi phán rằng, tương lai của cô rất mờ mịt, chưa biết đến ngày nào mới thoát được cảnh khó khăn.

Xem bói về, Bình buồn rầu, lo lắng chẳng thiết sống nữa. Nhìn những đứa con thơ ngây, Bình càng đau khổ hơn. Bình thức suốt đêm, nhìn ngắm 2 con, rồi lại nghĩ đến lời thầy bói, lòng cô ta đau quặn thắt. Cầm tay con trai thứ hai là D., nghĩ đến lời thầy bói phán, Bình càng lo lắng hơn, cô ta sợ sau này bé lớn lên rồi sẽ tật nguyền, rồi cũng không biết đi, chẳng biết nói như con trai lớn.

Cảnh nợ nần chồng chất, rồi chồng đi làm xa không quan tâm vợ con càng khiến đầu óc Bình như mê muội đi. Trong lúc quẫn trí, bế tắc, Bình đã dùng chăn bông trùm lên người bé D. rồi chèn chắc hai tay để bé không thể cựa quẫy. Sau đó, người mẹ tội lỗi đã dùng vỏ chăn bông khác trùm kín mặt con... Khi thấy bé D. nằm im, Bình vớ con dao đầu giường cắt vào cổ tay tự tử, nhưng không chết. 12 năm tù giam là cái giá mà người mẹ trẻ ấy phải trả cho sự ngu muội của mình. Song "bản án lương tâm" mới nặng nề đối với Bình.

Tiếp theo, vừa qua, TAND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa, xét xử lưu động vụ án hành nghề mê tín dị đoan gây chấn động dư luận vùng quê. Theo cáo trạng, vì mê tín dị đoan mà 3 bị cáo gồm: Lưu Văn Hoàng cùng vợ Lê Thị Bảy và em vợ Lê Thanh Tú (cùng ấp Hồi Xuân- Xuân Hiệp) dựng lên cách trị bệnh rất dã man, cho nạn nhân uống dầu ăn, xông dầu dừa, tỏi, bông gòn và còn giẫm chân lên người, đánh gãy nhiều xương sườn, chấn thương dẫn đến cái chết tức tưởi của nạn nhân.

Đáng trách hơn, chính cha mẹ của nạn nhân tiếp sức cho những tay lang băm mê tín dị đoan giết chết con trước mặt mình. Ông Đoàn Văn Sanh và bà Phan Thị Hằng- cha mẹ của bị hại cho rằng: Con đang mạnh khỏe, bỗng dưng nói chuyện lảm nhảm, có biểu hiện như bệnh tâm thần. Sau khi đến gặp Hoàng và nghe phán, phải điều trị bằng cách đuổi con ma ra khỏi người thì mới khỏi, thế là gửi con cho Hoàng "chữa".

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Hoàng đã liên tục đốt nhang quanh người, quanh miệng rồi đổ dầu ăn vào miệng nạn nhân, thậm chí các thầy còn tát, đạp chân lên người nạn nhân để con ma chịu đau mà đi ra. Mặc dù thấy con quằn quại trong đau đớn, nhưng vì muốn con hết bệnh nên ông Sanh và bà Hằng cắn răng nài nỉ yêu cầu các thầy tiếp tục điều trị. Đến lúc quá yếu, khi chưa kịp gọi xe đưa con đi cấp cứu thì con đã chết.

Lợi dụng sự cả tin

Lý giải về tình trạng loạn xem bói và nhiều người tin lời thầy bói đến mức mù quáng như vậy, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, một chuyên gia trong lĩnh vực xã hội học cho biết, bói toán xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu. Có không ít người đi xem bói để giải trí, nhưng cũng có không ít người tin lời thầy bói, thậm chí đặt hết niềm tin vào thầy bói.

Theo ông Bình, việc cuồng tín đến mức mù quáng của nhiều người dân hiện nay thể hiện niềm tin trong xã hội đang mất dần đi. "Ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín quá mong manh. Tôi khẳng định, bây giờ có mê tín dị đoan vì người ta mất lòng tin ở cuộc đời thực. Càng mất lòng tin vào thế giới này bao nhiêu, họ càng thêm tin thế giới siêu thực kia bấy nhiêu. Tin quá mức thành mê tín, thế thôi. Khi người ta "uống" lấy từng lời, từng chữ của thầy bói, tự nhiên trở thành dị đoan", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, nếu xem bói để mua vui, giải trí thì không có gì xấu, thậm chí nó còn có điểm tốt, vì ít nhất giúp con người chùn bước trước khi chạm tay vào điều xấu. Tuy nhiên, với những người lợi dụng điều đó để truyền bá mê tín dị đoan và những người tin lời thầy bói đến mức mù quáng như trên thì cần lên án mạnh mẽ.

Theo một sư thầy, trụ trì ở chùa Lâm Du, quận Long Biên, Hà Nội thì việc đi lễ chùa đầu năm, làm từ thiện... là điều nên làm để tâm mọi người được thanh thản, nhẹ nhõm, từ đó công việc làm ăn, học hành, sức khỏe được cải thiện hơn. Người có khả năng xem bói, tướng số thực sự là rất hiếm. Hầu hết các thầy bói hiện nay chỉ nói chung chung, chẳng may thì trúng chứ không hề có cơ sở khoa học. Không ít "thầy", lợi dụng sự cả tin, mê tín của người xem chỉ để hù dọa, kiếm tiền bằng những câu chuyện thiếu căn cứ.

Nhìn dưới góc độ luật pháp, trao đổi với PV, luật sư Dương Minh Kiên, đoàn Luật sư Bắc Giang cho biết:"Theo tôi được biết, những người được gọi hoặc tự xưng danh là thầy cúng, thầy bói đều hoạt động bất hợp pháp, nếu không muốn nói là hoạt động chui lủi. Họ luôn đề phòng và chuẩn bị sẵn cách thức để ứng, đối phó khi cơ quan quản lý Nhà nước đến kiểm tra. Mặt khác, pháp luật của nước ta cũng chưa quy định cụ thể cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực này. Thực tế đã có một số vụ án được đưa ra xét xử về tội hành nghề mê tín, dị đoan. Tuy nhiên ngoài những đối tượng hành nghề bị đưa ra xét xử thì chưa cơ quan có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền nào bị xem xét, kiểm điểm vì thiếu trách nhiệm đã để cho những người hành nghề mê tín, dị đoan hoạt động dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".

Cần giao trách nhiệm cụ thể cho một cơ quan chức năng

Đề xuất phương án để giảm nạn mê tín dị đoan, theo luật sư Dương Minh Kiên thì ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thì vấn đề quan trọng nhất là cần phải có chế tài quy định và giao trách nhiệm cụ thể cho một cơ quan hoặc cán bộ có chức danh chuyên trách có đủ thẩm quyền trực tiếp theo dõi, giám sát, quản lý việc hành nghề mê tín, dị đoan. Đi đôi với thẩm quyền thì cần phải quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm nếu như để xảy ra việc hành nghề mê tín dị đoan trên địa bàn mình quản lý.

"Phán" dại, thầy bói cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự!

Trong trường hợp Thầy bói, thầy cúng phán khiến ngưới khác phạm tội thì thầy bói, thầy cúng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi xúi giục, kích động người khác thực hiện tội phạm. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 của Bộ luật Hình sự, người xúi giục là những người đồng phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào hậu quả, mức độ nguy hiểm của tội phạm người xúi giục sẽ bị áp dụng khung hình phạt tương ứng. Tùy từng trường hợp hành vi xúi giục người khác được quy định thành một tội riêng hay là một tình tiết tăng nặng. Ví dụ như hành vi xúi giục người khác tự sát được quy định thành một tội tại một điều luật riêng . Điều 101, Bộ luật Hình sự quy định  Người nào xúi giục hoặc làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Hành vi Xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng không được qui định riêng thành một tội tại một điều riêng trong Bộ luật Hình sự. Việc xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng là một trong những tình tiết tăng nặng định khung được qui định tại khoản 2, điều 245 - Bộ luật Hình sự đối với tội gây rối trật tự công cộng.

(Luật sư Lê Văn Vinh, Đoàn Luật sư Hà Nội)

Theo Đời sống Pháp luật

Các tin cũ hơn