Nga bác tin về tối hậu thư đối với Ukraina

Thứ ba, 04/03/2014, 07:29
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ không yêu cầu lực lượng vũ trang Ukraina trên bán đảo Crimea đầu hàng trước 5h sáng hôm 4/3.

Một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng ông Alexander Vitko, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, là người ra tối hậu thư cho lực lượng Ukraina ở Crimea.

"Cuộc tấn công nhằm vào tất cả lực lượng quân sự trên khắp bán đảo Crimea sẽ nổ ra nếu họ không buông súng trước 5h sáng hôm 4/3 (10h sáng cùng ngày theo giờ Việt Nam)", Interfax dẫn lời nguồn tin.

Loa phóng thanh trên một tàu thuộc Hạm đội Biển Đen phát yêu cầu của ông Vitko, Kyiv Post cho biết.

Song một quan chức trong Bộ Quốc phòng Nga nói với RT rằng Bộ Quốc phòng không hề biết bất kỳ tối hậu thư nào dành cho Ukraina.

"Nga muốn quan hệ thân thiện với nhân dân Ukraina để duy trì sự ổn định trong khu vực", vị quan chức giấu tên nhấn mạnh.

Hạm đội Biển Đen cũng khẳng định điều tương tự.

"Chúng tôi đã quen với việc giới truyền thông Ukraina cáo buộc Nga thực hiện hành động quân sự nào đó đối với những người lính Ukraina. Những kẻ muốn người Nga và người Ukraina chống lẫn nhau tại Crimea sẽ không thành công", người phát ngôn của Hạm đội Biển Đen khẳng định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe tướng Ivan Buvaltsev khi hai ông theo dõi cuộc tập trận gần thành phố St. Petersburg hôm 3/3. Ảnh: RIA Novosti

Giới chức Ukraina thông báo lực lượng Nga tại Crimea yêu cầu thủy thủ trên hai tàu chiến của Ukraina tại cảng Sevastopol, Crimea phải đầu hàng hôm 3/3.

"Bốn chiến hạm Nga đang chặn tàu chống ngầm Ternopil và soái hạm Slavutych tại cảng Sevastopol. Người Nga yêu cầu thủy thủ trên hai tàu phải đầu hàng trong vài giờ tới. Nếu họ không đầu hàng, lính Nga sẽ tấn công và chiếm tàu", Maksim Prauta, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ukraina, nói.

Trước đó, theo AFP, lực lượng biên phòng Ukraina thông báo 10 trực thăng chiến đấu, 8 máy bay vận tải quân sự Nga đã tiến vào Crimea trong ngày 3/3. Từ hôm 1/3, người dân thành phố Sevastopol thuộc Crimea thấy 4 tàu chiến Nga ngoài khơi.

Người phát ngôn của lực lượng biên phòng Ukraina cho hay quân đội Nga phá sóng điện thoại di động ở một số khu vực thuộc Crimea.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông báo Moscow có ý định xây một cầu để nối liền Nga với bán đảo Crimea, Reuters đưa tin. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden gọi điện thoại tới ông Medvedev hôm 3/3 để kêu gọi Nga rút quân ra khỏi Crimea, chấp nhận lực lượng quan sát quốc tế và đối thoại với chính phủ lâm thời Ukraina.

Ông Putin di chuyển bằng trực thăng để theo dõi cuộc tập trận của quân đội Nga hôm 3/3. Ảnh: RIA Novosti

Điện Kremlin vừa công bố những hình ảnh về việc Tổng thống Vladimir Putin thị sát một cuộc tập trận của Quân khu Trung tâm và Quân khu Tây hôm 3/3.

Các ngoại trưởng châu Âu họp khẩn về tình hình Ukraina tại Brussels hôm 3/3. Trong cuộc họp các ngoại trưởng đều lên án việc Nga triển khai quân tại Crimea, đồng thời khẳng định châu Âu có thể trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ông Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Đức, cho rằng châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Radoslaw Sikorski, Ngoại trưởng Ba Lan, nói với  BBC: "Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là giới cầm quyền Nga tin vào chiến dịch tuyên truyền của họ và gây nên những sai lầm tai hại. Những sai lầm ấy sẽ mở những cánh cổng của địa ngục".

Ông John Boehner, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nói Washington nên "chống lại Putin". Ông nói với báo Cincinnati Inquirer rằng sự chịu đựng của nước Mỹ đã tới mức giới hạn.

William Hague, Ngoại trưởng Anh, nhận định rằng châu Âu đang đối diện cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thế kỷ 21.

Người phát ngôn của Catherine Ashton, quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu, thông báo bà sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Madrid vào ngày 4/3 để thảo luận về Ukraina.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy, kêu gọi một cuộc họp của các Tổng thống và Thủ tướng châu Âu để xoa dịu căng thẳng tại Ukraina.

Andrei Klimov, một nghị sĩ thuộc Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện), khẳng định truyền thông phương Tây và Ukraina đang xuyên tạc những hành động của Nga để dư luận nghĩ rằng Moscow muốn lấy lại Crimea.

"Quân đội Nga không hề gây hấn. Đó chỉ là kết quả tuyên truyền của giới truyền thông. Nga không hề muốn mở rộng lãnh thổ. Chúng tôi không phải là những người Nga tồi, mà chỉ là những người châu Âu bình thường", Klimov bình luận.

Theo Zing

Các tin cũ hơn