Bộ trưởng Y tế: Bộ gọi điện xuống, trẻ được tiêm ngay

Thứ hai, 03/03/2014, 10:12
“Một cháu ở địa phương đi tiêm chủng, nhưng không có vaccine cho về. Qua đường dây nóng, Bộ Y tế gọi điện ngay xuống và cháu bé được tiêm ngay”.

Đó là thông tin từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” phát trên VTV và Cổng thông tin Chính phủ tối 2/3.

BTV : Người dân chúng tôi rất vui mừng khi biết vừa qua, Bộ Y tế đã lập đường dây nóng tại các tuyến bệnh viện, sở và Bộ. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết hiệu quả của đường dây nóng đó như thế nào? Có bao nhiêu phần trăm các ý kiến gọi đến phản ánh về y đức? Và với các trường hợp phản ánh tiêu cực đúng thì Bộ trưởng đã có biện pháp xử lý thế nào? Bộ trưởng có thể kể ra một số trường hợp xử lý cụ thể?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đường dây nóng là một giải pháp mà Bộ Y tế đã làm rất quyết liệt, để giải tỏa ngay bức xúc của người dân khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế nhận cuộc gọi Sở không giải quyết, Sở Y tế nhận cuộc gọi bệnh viện không giải quyết, tại bệnh viện có đường dây nóng của Giám đốc bệnh viện và trưởng khoa điều trị.

Chúng tôi đã sơ kết hai tháng thực hiện đường dây nóng, trong đó khoảng 50% cuộc gọi không đúng nội dung hoặc họ chỉ thử xem có đường dây nóng hay không. Còn lại 50% đúng nội dung chúng tôi cần biết là phản ánh thái độ và quy trình, nếu có cán bộ làm việc tốt thì khen ngợi.

Bo truong Y Te

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Người lao động)

Trong số những cuộc gọi đúng nội dung thì có đến 40% phàn nàn về thái độ không hướng dẫn tỉ mỉ hoặc cáu gắt. Ở đây tất cả các trường hợp ở dưới bệnh viện thì bệnh viện xử, Sở Y tế thì Sở xử ngay, nếu đến Bộ Y tế hoặc chúng tôi gọi điện trực tiếp xử lý, không thì có công văn để Sở Y tế xử lý.

Ví dụ như trường hợp một cháu ở địa phương đi tiêm chủng, nhưng không có vaccine cho về. Qua đường dây nóng trực trên Bộ, Bộ Y tế gọi điện ngay xuống và cháu bé được tiêm ngay.

Hoặc trường hợp một cụ già ở bệnh viện phàn nàn, sau đó Cục quản lý khám chữa bệnh có công văn đến Sở Y tế của tỉnh, Sở Y tế truy ngay được bác sỹ đó. Kết quả xử lý, bác sỹ bị cảnh cáo và chuyển công tác.

Một trường hợp nữa là ở Bạc Liêu, sau hai lần phản ánh qua đường dây nóng hộ lý có nhận tiền của người bệnh đưa thì bị cho thôi việc.

Thời gian tới, Bộ trưởng có biện pháp gì quyết liệt hơn hoặc làm thế nào để phát triển mạnh hơn đường dây nóng?

- Bộ vừa phát cho mỗi giám đốc bệnh viện một điện thoại di động để thay phiên nhau trực. Đồng thời kết hợp với công ty viễn thông để trong cùng lúc có hàng trăm cuộc điện thoại đến vẫn có thể tiếp nhận và trả  lời.

Với các quy định khen thưởng, kỷ luật trừ tiền lương, tiền thưởng, thậm chí là buộc thôi việc... chúng tôi hy vọng có tác dụng răn đe tốt.

Người dân chúng tôi rất ngại mỗi khi đi khám tại các bệnh viện, vì phải chen chúc, chờ đợi rất lâu, có khi mất cả ngày vẫn chưa được khám. Tôi nghĩ tình trạng quá tải tại các bệnh viện cũng là một phần nguyên nhân khiến một số y tá, bác sỹ mệt mỏi nên có thái độ không được ân cần. Vậy, với cương vị người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng có kế hoạch cụ thể như thế nào để khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện?

- Để khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, Bộ Y tế đã trình đề án và được Chính phủ phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện với nhiều giải pháp tổng hợp, cùng với đó cũng cần cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Theo đó, phải tăng thêm số giường bệnh. Thứ hai chúng tôi đã xây dựng và triển khai Đề án vệ tinh. Tức là các bệnh viện trên Trung ương chuyển giao kỹ thuật hiện đại cho 45 bệnh viện ở 32 tỉnh. Có nghĩa là sau thời gian 2 - 3 năm, 45 bệnh viện tỉnh này sẽ tự triển khai kỹ thuật đó và bệnh nhân vào không phải chuyển lên tuyến trên nữa.

Hiện tại đối với những chỗ chờ lâu, đúng là đi khám bệnh ngại thật. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313 cải thiện và mở rộng phòng khám, kê thêm khoa phòng khám bệnh, tăng cường bác sỹ khám sớm hơn, bớt các thủ tục...

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Khampha

Các tin cũ hơn