|
Vào năm 2007, chính phủ Đức đã thông qua các quy định bắt buộc về tiếng Đức dành cho người có dự định nhập cư vào nước này.
Theo thống kê chính thức mới nhất, có khoảng 40.000 người thực hiện bài kiểm tra tại các trường học thuộc Học viện Goethe tọa lạc khắp nơi trên thế giới vào năm 2012, AP cho hay. Học viện Goethe là một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận của Đức, được chính phủ nước này tài trợ một phần.
Trong số 40.000 người thực hiện bài kiểm tra tiếng Đức, có khoảng 14.000 thi trượt và sẽ không được cấp thị thực.
Khi Guhle đến Tòa thị chính Berlin lần đầu tiên vào mùa thu năm 2006 để thông báo rằng anh muốn tổ chức cưới bạn gái người Việt Nam tại Đức, một quan chức tại đây nói đây là điều không thể, mà không đưa ra bất kỳ giải thích nào.
Cặp vợ chồng Đức - Việt này sau đó đã quyết định làm đám cưới ở làng chài quê nhà của cô dâu vào mùa hè năm 2007, với 300 khách mời.
Sau đám cưới, họ dự định sẽ sang Đức ngay, mà không hề hay biết rằng Đức đã ban hành quy định kiểm tra ngôn ngữ.
Thế là cuộc hôn nhân của họ sớm trở thành một câu chuyện về những ngày tháng cô đơn dài dằng dạc và tiêu tốn hàng ngàn EUR cho các chi phí.
Vốn chỉ là trợ lý của một điều dưỡng với thu nhập ít ỏi, Guhle đã phải xin làm thêm nghề thứ hai là người dọn dẹp vệ sinh đường phố vào ban đêm mới có thể có đủ tiền cho vợ đóng học phí học tiếng Đức tại một trung tâm ngoại ngữ tư thục ở Nha Trang.
Ngoài ra, anh cũng phải trả tiền khách sạn cho An trong 9 tháng trời cô học ngoại ngữ, cũng như chi phí cho chuyến đi lên TP.HCM để thi.
“Những lớp học như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với người mù chữ hoặc xuất thân từ vùng quê xa xôi hẻo lánh. Có nhiều cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi gánh nặng này”, ông Sevim Dagdelen, một nghị sĩ Đức đang vận động hủy bỏ quy định kiểm tra ngôn ngữ, cho hay.
An cuối cùng đã thi trượt và không được cấp thị thực. Cô vẫn tiếp tục cố học tiếng Đức, nhưng vẫn không đáp ứng nổi yêu cầu của chính phủ Đức.
Nhà chức trách Đức thậm chí đã từ chối cấp thị thực du lịch để An đi thăm chồng mình ở Berlin.
“Tôi đã chỉ sống để làm việc và để đi thăm vợ mình trong dịp nghỉ phép. Tôi gọi cho cô ấy mỗi sáng và mỗi buổi tối. Chuyện này cũng không dễ chịu gì cho cô ấy. Những người trong làng đã xầm xì, thắc mắc rằng tại sao gã nhà giàu người Đức không quay lại để bảo lãnh cô ấy đi”, Guhle cho hay.
Cặp vợ chồng này đã đưa trường hợp của mình ra một tòa án ở Đức. Sau khi chứng minh An đã liên tục cố gắng học tiếng Đức trong hơn 1 năm trời, cô cuối cùng cũng đã được nhập cư vào Đức.
Cô đã đến Berlin vào tháng 9/2013, AP cho biết.
Ngồi trong căn hộ của mình, hai vợ chồng nắm tay nhau và trao đổi bằng một thứ ngôn ngữ hỗn độn vừa tiếng Anh vừa tiếng Đức và cả tiếng Việt Nam. Họ liên tục gọi nhau là “anh yêu, em yêu”.
“Cuối cùng thì tôi đã có thể ở bên Đức với chồng”, An nói. Cô gái 27 tuổi này đã đăng ký theo học một lớp tiếng Đức chuyên sâu và đã sẵn sàng để đi tìm việc làm tại các nhà hàng Việt Nam tại Đức.
“Người ta thường cưới nhau nhằm ngày tốt hoặc xấu. Tôi nghĩ chúng tôi lấy nhau nhằm ngày xấu”, Guhle kết luận cho câu chuyện của mình.
Theo Thanh Niên