Sau các thông tin có phần gây hoang mang trong công chúng của Giám đốc lực lượng cảnh sát Singapore (SPF) Ng Joo Hee, các phóng viên báo Straits Times đã có cuộc “thực địa” ở phố đèn đỏ Geylang vào một buổi tối.
|
“Đúng lúc chập choạng tối, như hoạt động của một chiếc đồng hồ, các cô gái đứng đường trong những bộ áo quần thiếu vải bắt đầu túa ra đường từ các con hẻm nhỏ”.
“Họ lả lơi với những người đàn ông ngoại quốc lẫn địa phương, giữa lúc những tay ma cô chăm chú theo dõi và sẵn sàng báo động khi có sự xuất hiện của cảnh sát”.
“Trong khi đó, những tiệm mát xa ở góc đường và các khách sạn tính phí theo giờ đang nhộn nhịp hoạt động kinh doanh. Cạnh đó, những tay bán thuốc lậu đang mời chào các loại thuốc kích dục với những cái tên như Siêu mầu nhiệm (Super Magic) hay Cuộc sống danh giá của loài hổ (Tiger's Prestigious Life). Còn những kẻ khác thì bán thuốc lá lậu. Đó là Geylang, phố đèn đỏ tai tiếng của Singapore”.
Đó là phần mở đầu trên một loạt bài báo về Geylang, nơi đang trở thành một điểm nóng khác sau điểm nóng Tiểu Ấn với vụ bạo động “lịch sử” đêm 8/12/2013.
Ở nhà cho lành!
Trao đổi với báo Straits Times, người dân nơi đây nói rằng nhiều cửa hàng ở khu Geylang chỉ là mặt tiền che giấu các hoạt động tội phạm.
|
Các ổ cờ bạc chẳng hạn, thường núp trong các căn phòng nhỏ phía sau lưng cửa hàng chính, hoặc trên tầng hai.
Những ngôi nhà phố chật hẹp ở Geylang cũng là nơi nhiều công nhân nhập cư chọn làm nơi ở vì giá thuê thường mềm hơn ở những nơi khác.
Nhiều chủ cửa tiệm và dân cư ở đây không dám tiết lộ tên hay cho phóng viên chụp ảnh vì sợ “làm xúc phạm ai đó”.
Trong khi đó, thợ điện Chai Zhi Yuan, 41 tuổi, từ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc cho hay tình trạng hỗn loạn thường xảy ra ở Geylang vào buổi tối và những ngày cuối tuần.
“Tôi chẳng mấy khi ra đường vì ngoài đó dễ trở thành một mớ hỗn độn. Thay vì ra đường, tôi rủ các bạn đến chỗ tôi thuê nhấm nháp đôi chút”, Chai nói.
Công nhân Bangladesh Sakil Alam, 25 tuổi, thì cho hay: "Tuần nào tôi cũng thấy đánh nhau ngoài đó vì nhậu nhẹt. Đôi khi, người ta cũng đánh nhau vì gái”.
Người đồng hương Tarikul Islam, 20 tuổi, cũng cho biết anh thích ở trong nhà vào ban đêm hơn, vì “ngoài đó rắc rối lắm”.
Một công nhân như Tarikul luôn có thể đối mặt với nguy cơ bị bắt, nếu không may đứng ở một nơi nào đó vào một thời điểm không thích hợp.
“Khi tôi đi ra ngoài mua thức ăn, cảnh sát thường chặn tôi lại và hỏi thẻ làm việc. Có thể tôi ở một chỗ nào đó, chẳng làm điều gì sai hay gây rắc rối gì, nhưng cứ thấy tôi là họ có thể nghĩ tôi cũng là đứa gây chuyện”, Tarikul nói.
Sợ nhồi máu cơ tim vì lo lắng Cách đây 15 năm, kỹ sư John Yeo cưới vợ và đưa nhau về sống ở khu Geylang. Ngày đó, họ chẳng ngại ra đường dù khu này lúc bấy giờ vẫn đầy gái đứng đường, những tay cờ bạc và những người bán băng đĩa lậu. Vợ Yeo khi đó đôi lúc cũng bị khách làng chơi chặn lại hỏi giá. “Cô ấy chỉ quắc mắt với những kẻ đó. Cô ta còn gan hơn cả tôi. Còn tôi cũng chẳng để tâm làm gì”, Yeo kể và cho biết thêm hồi đó họ còn coi chuyện này là điều thú vị, mới mẻ. Nhưng rồi cặp đôi này nhận ra mình không thích hợp ở khu này nữa từ lúc con gái lên 8 tuổi và hỏi bố: “Sao có nhiều phụ nữ đứng vẫy taxi bên đường vậy?”. “Tôi quá sốc và nhận ra rằng khu này không thích hợp cho trẻ con”, Yeo chia sẻ. Nay cô con gái đã 13 tuổi, vợ chồng Yeo họ muốn chuyển khỏi Geylang càng sớm càng tốt để tìm một khu dân cư tốt hơn. “Điều gì sẽ xảy ra nếu con gái tôi bị người ta bắt đi? Geylang không phải là nơi những gia đình có con gái nên ở. Bạn sẽ bị nhồi máu cơ tim một ngày nào đó chỉ vị bạn luôn lo lăng, lo lắng và lo lắng”, Yeo nói với Straits Times. Yeo còn kể rằng ông từng thấy những phụ nữ Singapore đến Geylang ăn tối và bị những người đàn ông ở đây “đánh giá”. Người đàn ông này cũng không dám cho phóng viên chụp hình vì sợ bị “những kẻ bất hảo” quấy nhiễu. |
Theo Thanh Niên