Vợ Việt phải sống xa chồng Đức suốt 6 năm vì... thi rớt tiếng Đức

Thứ ba, 08/04/2014, 07:30
Một quy định kiểm tra ngôn ngữ dành cho người nhập cư của Chính phủ Đức đã khiến cho một người đàn ông Đức phải sống xa người vợ Việt Nam của mình trong suốt 6 năm ròng rã, hãng tin AP thuật lại ngày 7/4.


Vợ chồng anh Michael Guhle và chị Nguyen Thi An - Ảnh chụp màn hình Yahoo News

Anh Michael Guhle, một nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Berlin (Đức), đã gặp Nguyen Thi An, một cô gái Việt Nam bán ốc và trái cây cho khách du lịch, tại một làng chài nhỏ ở bãi biển Dốc Lết, thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Ngay lập tức họ nhận ra mình là một nửa của nhau và sau đó Guhle đã dùng hết tiền dành dụm, cùng số ngày phép, để sang Việt Nam thăm và cưới An.

Những tưởng hôn nhân sẽ giúp họ được ở bên nhau, nhưng nó lại chính là khởi đầu cho một thách thức kéo dài chia cắt cặp đôi này.

Chính phủ Đức đã không cho An nhập cư vì cô trượt một bài kiểm tra tiếng Đức dành cho người có nguyện vọng nhập cư vào nước này và cả những người kết hôn với người bản xứ.

“Tôi cứ ngỡ kết hôn với người mình yêu và sống chung với nhau là quyền con người. Nhưng rõ ràng tại Đức thì không như vậy”, Guhle bức xúc nói với AP khi đang ngồi trong căn hộ của mình ở ngoại ô Berlin.

Vào năm 2007, Chính phủ Đức đã thông qua các quy định bắt buộc về tiếng Đức dành cho người có dự định nhập cư vào nước này.

Trong khi đó, phần lớn các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) khác như Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Điển, không đòi hỏi người nước ngoài kết hôn với công dân trong nước phải vượt qua được các bài kiểm tra ngoại ngữ bắt buộc trước khi cùng vợ/chồng sang châu Âu sinh sống.

Áo, Anh và Hà Lan cũng nằm trong số các quốc gia yêu cầu người nước ngoài kết hôn với người bản xứ phải thi đậu các bài kiểm tra ngoại ngữ, nhưng các chuyên gia nhận định bài kiểm tra của Đức là khó “nhằn” nhất.

Người có trình độ học vấn tốt có khả năng theo học các lớp ngoại ngữ và những người này không gặp khó khăn gì khi làm bài kiểm tra. Nhưng những người khác thì không được như vậy
Ông Hiltrud Stoecker-Zafari, người đứng đầu Hiệp hội Những cặp đôi và bạn tình hai quốc tịch ở Đức, nói.

Ủy ban châu Âu từng lên tiếng chỉ trích quy định nói trên của Đức, cho rằng nó vi phạm các hiệp ước của EU. Và một đơn kiện đã được gửi đến Tòa án châu Âu, dự kiến sẽ có phiên xét xử trong tháng 4.

Tuy nhiên, trong khi vẫn chưa có gì thay đổi, thì những cặp vợ chồng như anh Guhle và chị An vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức tốn kém và đầy âu lo.

Biện hộ cho quy định về kiểm tra ngoại ngữ, Chính phủ Đức cho rằng đây là một cách để ngăn các vụ kết hôn ép buộc và cũng để giúp người nhập cư hòa nhập nhanh hơn.

Nhưng phía chỉ trích cáo buộc quy định nói trên mang tính phân biệt đối xử với những người nghèo và có trình độ học vấn không cao.

Có nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất người nhập cư vào Đức nên học ngôn ngữ bản xứ, nhưng những người phản đối quy định về bài kiểm tra tiếng Đức dành cho người nhập cư cho rằng chính phủ có thể kiểm tra một cách nhanh hơn, ít tốn kém và dễ dàng hơn.

“Người có trình độ học vấn tốt có khả năng theo học các lớp ngoại ngữ và những người này không gặp khó khăn gì khi làm bài kiểm tra. Nhưng những người khác thì không được như vậy”, AP dẫn lời ông Hiltrud Stoecker-Zafari, người đứng đầu Hiệp hội Những cặp đôi và bạn tình hai quốc tịch ở Đức, nói.

“Vì thế, theo chúng tôi thấy, Đức rõ ràng muốn phát đi thông điệp rằng vợ hoặc chồng yếu về tài chính và trình độ học vấn thấp thì không nên đến nước này”, ông này chỉ trích.

Củng cố cho lập luận nói trên là một số quy định về đối tượng được miễn thi kiểm tra tiếng Đức - đó là những người có bằng đại học và chủ doanh nghiệp, AP cho hay.

Ngoài ra, còn có thêm một quy định gây tranh cãi nữa, đó là nếu một công dân EU không phải là người Đức nhưng sống ở Đức muốn mang vợ hoặc chồng của mình, cũng không phải công dân Đức, đến nước này thì cũng không phải đối mặt với bài kiểm tra ngôn ngữ.

Ví dụ, một người Pháp sống ở Berlin có thể bảo lãnh cho vợ người Việt Nam sang sống với mình ngay lập tức.

“Chúng tôi chỉ muốn được sống chung với nhau”, Guhle nói.

“Làm sao bạn có thể học tiếng Đức khi nhà bạn nghèo, bạn không được học hành đầy đủ và sống ở một làng chài xa xôi hẻo lánh ở Việt Nam”, người đàn ông 43 tuổi có giọng nói nhẹ nhàng phân trần.

Chính phủ Đức cho biết bài kiểm tra tiếng bản xứ nhằm mục đích chỉ yêu cầu người muốn nhập cư vào nước này có vốn từ vựng cơ bản để có thể giao tiếp, cũng như chỉ yêu cầu một vài kỹ năng đọc viết thông thường.

“Khi một người nhập cư phải bắt đầu từ con số 0 nhưng biết giao tiếp (bằng tiếng Đức), thì anh ta sẽ có nhiều động lực hơn để có thể hòa nhập thành công sau khi đã xin được thị thực”, một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Nội vụ Đức cho hay.

Mặc dù Chính phủ Đức không đưa ra thống kê cho thấy quy định kiểm tra ngoại ngữ đã giúp ngăn được bao nhiêu vụ kết hôn do cưỡng ép, nhưng vị phát ngôn viên giấu tên nói trên cho biết nhà chức trách Đức đã nhiều lần được các đại sứ quán ở nước ngoài báo cáo rằng đã có nhiều nạn nhân của các vụ hôn nhân ép buộc dùng bài kiểm tra ngôn ngữ để giải thoát mình khỏi một cuộc hôn nhân ngoài ý muốn.

“Họ liên tục thi trượt bài kiểm tra một cách có chủ đích để đảm bảo là mình không lấy được thị thực Đức”, vị này khẳng định.

Tuy nhiên, không rõ đã có bao nhiêu cặp đôi bị chia rẽ bởi quy định kiểm tra ngôn ngữ của Đức, theo AP.

(Còn tiếp)

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích