'Thần đồng' Nguyễn Bình.
Sau khi xuất bản ba tập đầu bộ sách văn học giả tưởng “Cuộc chiến với hành tinh Fatom”, cậu bé Nguyễn Bình đã được nhiều người gọi là “thần đồng văn học” của Việt Nam hiện đại. Hai năm sau ngày in sách, Nguyễn Bình vẫn tiếp tục công việc viết lách, nhưng vừa qua, cậu lại rẽ ngang tự mình xây dựng bộ phim dài hơn 16 phút để lý giải hiện tượng “ngôi nhà ma” ở 300 Kim Mã (Hà Nội). Bộ phim hoàn thành trong thời gian hai tháng và chỉ với chi phí… 30 nghìn đồng!
Từ “thần đồng văn học” đến… “đạo diễn phim”
Cuối năm 2011, cậu bé 10 tuổi đã trở thành một sự kiện trong làng văn Việt Nam khi ra mắt tập đầu tiên của bộ sách “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”. Lấy bối cảnh nước Mỹ ở tương lai, bộ tiểu thuyết kể về chuyến phiêu lưu của nhóm bạn Earth ở thành phố Philadelphia (Hoa Kỳ) chống lại những kẻ xâm lược xấu xa đến từ hành tinh Fantom. Bình đã khéo léo dẫn dắt người đọc vào một chuyến phiêu lưu đầy kịch tính đến những miền đất rộng lớn với những nền văn minh xa lạ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Chu Lai, nhà văn Bão Vũ… đã không khỏi kinh ngạc khi đọc cuốn tiểu thuyết do chính cậu bé viết, tự trình bày, lên trang. Với “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”, người đọc có thể thấy vốn ngôn từ của Bình rất phong phú, như của người trưởng thành. Nhưng ngạc nhiên lớn nhất là khối lượng thông tin đông - tây - kim - cổ và kiến thức của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khoa học vũ trụ, các môn khoa học xã hội… dày đặc trong các trang viết của Bình. Điều đó cho thấy tư duy vượt trội của người viết so với lứa tuổi. Cậu bé dùng các thuật ngữ chính xác, mô tả chi tiết các công trình kiến trúc, các đồ vật, các hiện tượng vốn có trong lịch sử, đồng thời lại tỏ ra có một trí tưởng tượng phong phú…
Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì văn của Nguyễn Bình là văn hiện đại. Kiểu văn điện tín. Sắc gọn và mạch lạc. Bối cảnh và xã hội đó chỉ có trong trí tưởng tượng của người viết nhưng lại rất chân thật, sống động. Những câu chuyện liên quan tới đĩa bay, chiến hạm hay âm nhạc cổ điển, rồi các vùng văn hóa trên thế giới... đòi hỏi người viết phải có một kiến thức rất sâu rộng. Ngay cả một nhà văn lão luyện, việc “hóa thân” được như vậy cũng không phải dễ.
Dường như ham thích chinh phục “miền đất mới” luôn thôi thúc cậu bé này. Hai năm qua, Bình vẫn tiếp tục hoàn thành các trang cuối trong bộ sách của mình. Đồng thời chuyển “kênh”, để từ “tiểu thuyết gia” sang “đạo diễn nhí”. Và bộ phim do cậu “tự biên, tự diễn” mang tên “I wouldn’t go in there” (tạm dịch: “Tôi không muốn đến đó”) "made in Việt Nam" đã ra đời. Cậu bé đưa lên mạng Youtube vào ngày 16/12/2013, ngày sinh nhật của mình.
Trong thời gian 16 phút, cậu bé dẫn dắt người đọc khám phá điều bí ẩn quanh “ngôi nhà ma” nổi tiếng ở 300 Kim Mã (Hà Nội). Ngôi nhà ấy khiến bao người đi qua phải nổi “gai ốc” nếu biết về những câu chuyện ma mị, liêu trai mà người đời đồn thổi. Trong bộ phim có nhân vật “thám hiểm” và hai “giáo sư nhí” cùng Bình giải mã sự băn khoăn: “Một nỗi ám ảnh hay tai họa thực sự xảy ra ở đó, bị chôn vùi đâu đó trong quá khứ? Liệu có một bi kịch gia đình xảy ra trong ngôi nhà”?.
Bộ phim được Bình trực tiếp quay tại ngôi nhà bỏ hoang ở 300 Kim Mã và một số địa danh khác ở Hà Nội để lý giải về lời đồn đại. Qua những thước phim, cậu bé đưa người xem trở về ký ức đau buồn có hàng triệu người tử trận và chết đói và “nhà thám hiểm nhí” “chốt” lại: “Các chuyện ma có lẽ là do có quá nhiều người chết”.
Căn nhà 'dính' tin đồn có ma 300 Kim Mã.
Tự đọc lời bình, làm phụ đề tiếng Anh, chui vào chăn lồng tiếng
Điều đáng nói là với chiếc máy ảnh mượn của bố, cậu bé đã cùng bạn học đi xe đạp rong ruổi quay phim ở các địa danh: Bảo tàng không quân, Bảo tàng Lịch sử, nhà số 300 Kim Mã, ngôi mộ tập thể người chết đói… Không chỉ tự nghĩ ra đề tài, từ cấu đến bố cục của bộ phim, tự quay và dựng phim, tự mình lồng tiếng, Bình còn tự viết và đọc lời bình bằng tiếng Anh, soạn phụ đề bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cậu bé sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh một cách khá thành thục. Bộ phim súc tích, hình ảnh sống động, rất dễ làm người xem không tin đây là sản phẩm của một đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”. Hơn nữa xem bộ phim, người xem sẽ ngạc nhiên nếu biết Bình tự học tiếng Anh chứ chưa qua một trường lớp cơ bản nào.
Riêng khâu thu âm thì Nguyễn Bình lại gặp khó khăn. Gia đình làm sao có phòng thu âm để phục vụ công việc của Bình. Rồi cậu bé đã nghĩ ra một diệu kế là… đóng chặt cửa buồng, rồi chui vào chăn bông, bật đèn pin đọc lời bình vào máy ghi âm mượn của chị. Sau đó lấy file âm thanh ghép vào hình.
Đối với cậu bé, làm phim không phải để thể hiện bản thân mà chỉ là cuộc dạo chơi, cuộc khám phá “vùng đất mới”, thỏa nỗi đam mê làm phim mà theo cậu là “bỗng dưng bùng phát”. Cậu bé bảo: “Em đưa bộ phim lên youtube để tặng tất cả mọi người và là món quà bất ngờ dành cho bố mẹ”!
Một học sinh đang ngồi ghế nhà trường lấy đâu kinh phí để làm phim? Nghe hỏi vậy, Bình cười: “Làm phim xong, chị em hỏi chi phí thế nào, lúc ấy em mới hạch toán, tính ra em chỉ chi tiêu có… 30 nghìn đồng”. Số tiền ấy cậu bé xin từ bố mẹ để chi phí vào việc gửi xe tại các địa danh lịch sử và tiền mua nước khoáng đãi hai “diễn viên nhí” đóng vai “giáo sư”.
Rất hiếm khi Bình mang bài tập về nhà làm. Cậu thường tranh thủ làm bài trên lớp. Còn các môn học thuộc lòng, thầy giảng tới đâu Bình nhớ ngay đến đó. Từ lớp 1 đến lớp 7, Bình chưa phải đi học thêm một môn học nào. Cậu bé luôn đạt học sinh giỏi.
Các buổi chiều, trong khi các bạn “mải miết” đi học thêm hay “bò” ra làm bài tập, Bình lại “nhởn nhơ vui đùa” với máy tính, chơi cờ và đọc sách. Cậu bé thích đọc sách văn minh Ai Cập, văn minh phương Tây, truyện “Harry Potter”, “Animorphs”, “Percy Jackson”… và thích xem phim hoạt hình, phim phiêu lưu. Vốn hiểu biết, vốn tự vựng, vốn tiếng Anh, trình độ sử dụng vi tính của cậu bé tăng lên từng ngày, hiếm đứa trẻ cùng lứa sánh kịp.
“Em thích nhiều thứ lắm: thích làm các mô hình, origami (gấp giấy của Nhật Bản), vẽ. Ghét nhất là đang chơi dở mà bị nhắc làm việc gì đấy”, cậu bé cười hồn nhiên, vô tư.
Mẹ của Bình nói: “Viết tiểu thuyết, làm phim, chúng tôi chỉ coi đó chỉ là trò chơi của cháu, đó là say mê hồn nhiên cần khuyến khích, không nên làm rùm beng. Mà say mê của con trẻ thì luôn có thể thay đổi. Tới khi biết cháu viết văn, làm phim, tôi thấy vui vui. Nhưng về hình thức, vì tôn trọng sở thích của con, tôi coi như không biết. Gia đình luôn âm thầm dõi theo hành trình phát triển của cháu”.
Về định hướng phát triển của “thần đồng”, người mẹ nhẹ nhàng: “Tôi mong Bình là đứa trẻ bình thường như những đứa trẻ khác và học tập thật tốt. Gia đình không muốn tạo áp lực lên con. Hãy để cháu làm những gì cháu thích. Người lớn chỉ định hướng chứ chẳng thể bắt cháu làm những gì mà người lớn thích”.
Từ nhỏ, Nguyễn Bình đã bộc lộ một vài khả năng và say mê tìm tòi. Từ lúc 2 - 3 tuổi, Bình đã đọc thông viết thạo, 4 tuổi nhờ bố mua Từ điển Hán - Việt, Việt - Anh rồi tải phần mềm dạy chữ Hán, tiếng Anh về học, 5 tuổi đã tự tạo hộp thư điện tử riêng. Cậu bé còn dịch phim trên mạng về những di tích trên thế giới được cho là do người ngoài hành tinh tạo tác. Từ năm 6 tuổi đến nay, Bình đã tạo được khoảng 100 khái niệm trên từ điển mở Wikipedia, chủ yếu về nền văn minh Ai Cập và các nền văn minh cổ đại khác. Năm 10 tuổi, Bình ra mắt ba tập đầu với gần 1000 trang của bộ tiểu thuyết dự kiến 8 tập, 12 tuổi làm bộ phim đầu tay… |
Theo Xa lộ Pháp luật