Kỳ 2: Bỏ trốn vì không chịu được cảnh bị ngược đãi
Tâm sự với phóng viên, Vừ Già Pó cho biết, những ngày làm lao động chui bên Trung Quốc là những ngày vất vả, tủi nhục nhất trong cuộc hành trình bất đắc dĩ của mình: “Tôi sợ lắm, giờ tôi đã về tới được quê hương rồi, đứa nào còn qua đây rủ rê sang Trung Quốc làm thuê nữa, tôi báo công an bắt luôn!”.
Nhắc đến đó, “thánh phượt” lại khóc. Phải một lúc lâu sau, anh mới có thể bình tĩnh để tiếp tục kể chuyện.
Vừ Già Pó với nét mặt chưa hết thất thần khi kể lại quãng thời gian làm thuê bên Trung Quốc. |
Suốt hai ngày rưỡi trên xe thùng, Pó cùng mấy thanh niên H’Mông mệt lử khi phải trải qua một quãng đường dài hàng ngàn km, lại không được cho ăn uống gì. Xe phóng rất nhanh, đến lúc dừng lại, anh mới nhận ra mình đang đứng giữa một khu rừng rậm. Ở đó, có một căn nhà nhỏ cũ kỹ. Gã chủ dõng dạc tuyên bố: “Đây là chỗ ở của chúng mày, nhớ làm việc chăm chỉ, đứa nào bỏ trốn tao bắn”.
Rồi gã chủ bảo trả công cho mỗi anh em 20 nhân dân tệ/ngày lao động. Pó thất vọng khi ngày trước Vừ Xìa Già rủ rê sang Trung Quốc, Già có bảo là sẽ được 70 nhân dân tệ một ngày. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh Ly Mi Na bị đánh khi kêu đói, anh không dám lên tiếng.
Rất đông phóng viên báo chí cũng tìm lên Mèo Vạc để ghi lại câu chuyện. |
Dắt cả nhóm vào căn nhà xập xệ 30m vuông giữa cánh rừng, gã chủ không thèm nói thêm câu nào, vứt xuống một bọc bánh mỳ. Lát sau, gã khệ nệ bê thêm lu nước đặt xuống giữa gian nhà, lạnh lùng vác cái xích sắt to vật vã khóa chặt cửa. Chưa hết, như muốn trấn áp tinh thần của nhóm lao động mới sang, gã rút súng bắn lên trời thêm mấy phát, rồi cười ha hả.
Mọi người sợ hãi ngồi im thin thít. Mãi một lúc sau tình hình có vẻ yên lặng, ai nấy vồ lấy bọc bánh mỳ ăn lấy ăn để cho đỡ đói, rồi uống sạch nước, xong lăn kềnh ra ngủ.
Đêm đầu tiên giữa khu rừng, riêng Pó cứ thao thức mãi không ngủ được, nhớ tới vợ con ở nhà. Nhìn qua ánh trăng, anh dự đoán lúc đó cũng phải gần 2h sáng. Mãi một lúc sau, anh mới ngả lưng xuống thì đã nghe tiếng lịch xịch mở cửa.
Gã chủ lao động tay lăm lăm khẩu súng cùng mấy thanh niên mặt mũi bặm trợn nhảy vào khua cả nhóm tỉnh giấc, rồi bắt nhóm người H’Mông đi vào rừng khi trời chưa kịp sáng. Suốt gần tiếng đồng hồ, đến một đất vùng cây cối um tùm, có những thân cây cả người ôm không hết, có cả dao, cả cưa tay để sẵn ở đấy. Chúng bắt mọi người đi xẻ gỗ.
Hôm sau thì cả nhóm lại ì ạch kéo gỗ ra khỏi rừng, đến tối mịt mới ra đến điểm tập kết. Hôm sau nữa thì lại đi đào đất, đi trồng cây, rồi lại đi xẻ gỗ...
“Bọn tôi phải làm việc như cu li vậy, ai lười biếng hay có ý phản kháng thì tức khắc bị đánh, đi chậm cũng bị đánh, nói chuyện cũng bị đánh, mệt quá dừng tay chốc lát, bị phát hiện cũng ngay tức khắc ăn roi. Thậm chí, ngồi trông coi nhàm chán, chúng còn dùng đá để ném những lao động làm trò vui”, Vừ Già Pó tâm sự.
Phút hội ngộ đầy xúc động với Ly Mí Tử tại Lũng Lầu, sau khi cả hai trốn thoát và được trở về nhà. |
Thời gian làm việc không tính theo giờ cố định. Hôm nào Pó cùng các bạn cũng chỉ được về nhà khi tay chân rã rời không nhấc nổi lên nữa, chỉ muốn lăn ra ngủ chứ không muốn ăn cơm. Buổi trưa, mặc cho nắng gắt, cả nhóm cũng chỉ được nghỉ 30 phút và ăn cơm trộn với... muối.
Chỉ khoảng một tháng sau, “thánh phượt” đã không còn nhận ra chính bản thân mình nữa, khi mà người đàn ông sức vóc thuở nào giờ đã trở nên còm nhom, ốm yếu, thỉnh thoảng cứ thở dốc. Thậm chí, khi gặp lại một người quen cũ ở cùng thôn Lũng Lầu, phải mãi một lúc sau họ mới nhận ra được anh.
Đó là một ngày cuối tháng 7 năm 2012, Pó cùng mấy anh em thấy gã chủ lao động dắt thêm 5 thanh niên H’Mông đến bảo làm việc cùng. Những người mới cũng vừa được Vừ Xìa Già rủ rê sang Trung Quốc. Nhận ra người quen, anh mừng rỡ chạy lại hỏi chuyện vợ con.
Tuy nhiên, chưa kịp hỏi, gã chủ lao động đã chạy lại hất hàm: “Mày hỏi làm gì? Định tính chuyện bỏ trốn à?”. Rồi ngay tức khắc, chúng lôi xềnh xệch anh ra bìa rừng đánh đập.
“Chúng đánh tôi gãy mấy cây roi, đau quá gần như không còn cảm giác gì nữa. Rồi khi chúng dùng chân đá thẳng vào mặt, tôi ngất xỉu. Tỉnh dậy trong căn nhà thì hóa ra mình đã nằm được hai ngày”, Vừ Già Pó sợ hãi.
Anh đang diễn tả lại cảnh bị đánh đập. |
Gần như tiêu tan hết mọi hy vọng kiếm về khoản tiền 18 triệu cho vợ con sắm sửa, không tin vào lời hứa hão huyền của Vừ Xìa Già, “thánh phượt” cùng Ly Mí Tử, Ly Mi Na, Và Mí Mua và hai người nữa bàn bạc việc bỏ trốn. Mỗi lần đi làm về, ai nấy đều dắt thêm một đoạn dây rừng nhỏ, giấu kỹ trong người.
Nhằm vào đêm không trăng, cả nhóm mang từng đoạn dây rừng ra, rồi hì hục nối thành một sợi dây lớn, vắt lên xà nhà. Ngay trong đêm tối, 6 bóng người dắt thêm một ít cơm nắm đã để dành được, lặng lẽ trèo ra khỏi căn nhà cũ khóa kín cửa, tụt xuống rồi nhanh chóng chạy biến vào trong rừng.
Đi mãi, đi mãi, đến tận trưa hôm sau, mấy thanh niên H’mông mới ra đến một thị tứ nhỏ, dân cư thưa thớt. Gom tất cả bạc lẻ trong túi, cả nhóm lao vào một quán phở, ăn ngấu nghiến. Cả tháng trời, mọi người giờ mới biết đến mùi thịt.
Biết chắc bọn chủ lao động kiểu gì cũng đi lùng bắt, Vừ Già Pó quyết định chia làm hai nhóm đi theo hai hướng khác nhau, vì ít ra trường hợp có bị bắt trở lại thì cũng còn người về nhà báo tin và giải cứu. Vừ Già Pó, Ly Mi Na, Và Mí Mua đi nhóm một, tiến về hướng mặt trời lặn. Ly Mí Tử theo nhóm còn lại đi về hướng Đông.
Ly Mí Tử, Vừ Già Pó: "Chúng tôi sợ phải đi sang Trung Quốc lao động chui lắm rồi". |
Cuối năm 2012, nhóm của Lý Mí Tử kiệt sức, nằm vật vờ ở khu chợ gần biên giới, bị lực lượng công an địa phương bắt và trao trả cho phía Việt Nam theo đường ngoại giao. Vợ Ly Mý Tử phải bán cả hai con bò để có tiền làm lộ phí đưa chồng về Lũng Lầu.
Riêng nhóm của “thánh phượt” Vừa Già Pó, hoàn toàn mất liên lạc. Vừ Già Pó đã trở về sau khi “phượt” sang tận... Pakistan, còn Ly Mi Na, Và Mí Mua vẫn không biết đang lưu lạc ở mãi tận phương trời nào.
(còn nữa)
Theo VTCnews