Trung Quốc đã kéo một giàn khoan biển sâu có tên là Hải Dương-981 đến ngoài khơi bờ biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam.
Giàn khoan được hơn 70 tàu, thuyền các loại hộ tống, trong đó có cả tàu chiến của hải quân. Đoàn thuyền này đã tấn công tàu của Việt Nam, đồng thời phun vòi rồng, khiến cho các tàu chấp pháp của Việt Nam bị thiệt hại khá nặng nề.
Giàn khoan trái phép Hải Dương-981 của Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển Việt Nam. |
Tại sao Trung Quốc lại làm điều này?
Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Hiện quốc gia này bắt đầu lên kế hoạch “hiện thực hoá” các công bố của mình bằng cách đưa giàn khoan vào tiến hành khoan dầu trong khu vực được cho là giàu tài nguyên khí đốt.
Bài báo của AP nhận định, động thái này của Trung Quốc “có thể là một thử nghiệm về khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình”. Đồng thời, Trung Quốc cũng có ý định "kiểm tra" những phản ứng và khẳng định của Washington về tự do hàng hải trong khu vực.
Giàn khoan được đặt ở đâu?
Trung Quốc đã đặt giàn khoan dầu cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 180 hải lý, trong vùng biển Việt Nam xác định sẽ thăm dò và khai thác nhưng chưa tiến hành và rõ ràng là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (200 hải lý) của Việt Nam. Trong khi đó, phía Trung Quốc lập luận rằng quốc gia này có chủ quyền với hầu hết Biển Đông và họ “có quyền” đưa giàn khoan tới khu vực này.
Căn cứ pháp lý nào?
Động thái của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố chung của các bên trên Biển Đông (DOC) đã từng ký kết với các quốc gia Đông Nam Á năm 2002.
Theo DOC, khi xảy ra tranh chấp, các quốc gia liên quan không đơn phương tham gia vào các hành vi leo thang gây tranh chấp hoặc gây nguy hiểm mà phải tìm giải pháp cho các tranh chấp về chủ quyền thông qua đàm phán hoặc các giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên, đến nay, thoả thuận DOC là mơ hồ và không được thực hiện. Trung Quốc đã chối bỏ chính mình khi đơn phương phá vỡ cam kết trong quá khứ, từ chối lời kêu gọi hoà giải quốc tế.
Thời điểm đặt giàn khoan?
Phía Trung Quốc cho biết giàn khoan là một kết quả tự nhiên của chương trình thăm dò dầu phát triển kéo dài của nước này.
Tuy nhiên, việc triển khai trên vùng biển chủ quyền Việt Nam xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm châu Á hồi cuối tháng Tư. Trong chuyến đi của mình, ông Obama chỉ trích thái độ của Trung Quốc về những tuyên bố của mình ở Biển Đông và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh Nhật Bản.
Nhật Bản và Trung Quốc đang mắc kẹt trong tranh chấp quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông. Chuyến đi của ông Obama nằm trong kế hoạch tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ ở châu Á, việc này khiến Trung Quốc tức giận.
Thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam cũng đồng thời với Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Myanmar hồi cuối tuần qua. Việt Nam và Philippines, thành viên của ASEAN, là hai quốc gia đang có mối quan hệ căng thẳng nhất với Trung Quốc trong các vấn đề chủ quyền biển đảo.
Philippines đã khiếu kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế Liên Hợp Quốc vì đã xâm chiếm bãi cạn Scarborough của nước này. Bắc Kinh bị cáo buộc can thiệp vào nội bộ của hiệp hội, chủ yếu là thực hiện chiến lược phòng ngừa việc khối đưa ra được một mặt trận thống nhất chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là gì?
Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là muốn thay thế Mỹ trở thành cường quốc quân sự chiếm ưu thế trong khu vực, đưa các nước láng giềng vào quỹ đạo kinh tế và văn hoá của họ. Các biện pháp mạnh mẽ khẳng định chủ quyền Biển Đông của Trung giúp nước này xây dựng sức mạnh. Có vẻ như Trung Quốc sẽ không chấp nhận lùi bước trước các khiếu nại quốc tế cũng như chịu nhượng bộ về các vấn đề lãnh thổ.
Lựa chọn của Việt Nam là gì?
Việt Nam đã tăng đáng kể chi tiêu quân sự trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa thể so được với Trung Quốc. Việt Nam đang cố gắng tìm sự ủng hộ quốc tế nhằm phản đối Trung Quốc trước hành động ngang ngược của họ, điều cộng hưởng từ các quốc gia trong khu vực cũng đang phải đối mặt.
Việt Nam có thể sẽ làm giống như Philippines, đưa Trung Quốc ra Trọng tài quốc tế, chống lại các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, không chắc Trung Quốc sẽ từ bỏ âm mưu thôn tính Biển Đông của mình khi bị kiện lên Toà án quốc tế Liên Hợp Quốc.
Theo Infonet