Gala gặp gỡ Nick Vujicic: Xúc động người mẹ cõng hai con đến trường suốt 11 năm

Thứ năm, 22/05/2014, 17:30
Trong đêm gala gặp gỡ Nick Vujicic câu chuyện một bà mẹ ở Tiền Giang cõng hai cậu con trai bị khuyết tật đến trường suốt 11 năm qua đã khiến mọi người vô cùng xúc động.

Tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ 11 năm cõng hai con tới trường

Lặn lội từ Tiền Giang xa xôi lên TP.HCM chỉ để được gặp Nick Vujicic bằng xương bằng thịt trong chương trình gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” tại TP.HCM vào tối ngày 21/5, chị Chung Thị Do vô cùng xúc động. Bởi chính bản thân chị và con trai cũng có một nghị lực phi thường như Nick trong suốt nhiều năm qua.

Sinh ra ở một ngôi làng xa xôi, hẻo lánh thuộc ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, Chợ Gạo, cậu bé Nguyễn Chung Tú, sinh năm 1992 sớm phải đối mặt với bất hạnh từ khi mới chào đời. Tú mắc phải một căn bệnh nhược cơ, đi lại rất yếu ớt, khó khăn.

Năm lớp 1, lúc nào Tú cũng phải đi nhón nhón chân. Đến năm lớp 4, em phải đi bằng hai tay. Rồi vào một ngày hè năm lớp 5, sau khi ngủ dậy, Tú vừa bước xuống giường thì bị té và hai chân không thể nhấc lên được nữa.  “Lúc đó em hoảng hốt lắm và òa khóc lên khi thấy chân mình không thể nhúc nhích được…”, Tú nói.

nguoi me, cong con den truong, con bi khuyet tat, Nick Vujicic

Tú mắc phải một căn bệnh nhược cơ, đi lại rất yếu ớt, khó khăn.

Chị Do, mẹ của Tú, đã gần như suy sụp khi nghĩ tới điều kiện sức khỏe quá xấu của con. Nhưng cha Tú đã động viên, dù có như thế nào đi chăng nữa cũng không được bỏ con giữa chừng. Chính động lực ấy đã giúp chị Do quyết tâm bằng mọi giá sẽ cho con được tiếp tục đến trường như bao đứa trẻ khác.

Hằng ngày, việc cõng cậu bé đã trở thành một nhiệm vụ hàng đầu của chị. Mỗi ngày chị phải mất hơn một tiếng để cõng cậu con trai đi đoạn đường gần 2km để tới trường. Không ít lần hai mẹ con đến lớp muộn, chị phải nghỉ từng quãng để lấy sức, cậu bé òa khóc bảo: “Thôi mẹ bỏ con đi!”. Chị lại nhẹ nhàng nói:  “Mẹ là mẹ của con, mẹ sẽ không bỏ con đâu…”.Theo thời gian, Tú lớn lên và chị Do phải dùng đến dây vải để buộc con vào người.

Những ngày trời nắng đã mệt, trời đổ mưa còn mệt hơn. Hai mẹ con lụp xụp trong chiếc áo mưa, bùn đất bắn đầy áo quần, mặt mũi. Thế nhưng, suốt những năm Tú học lên cấp 2, cấp 3, chưa buổi học nào chị Do cùng con trai vắng mặt. Nhiều bạn bè của Tú thấy vậy cũng xung phong làm “đôi chân” cho Tú cho mẹ Tú đỡ vất vả. Song do sức yếu, Tú lại không thể tự bám chặt vào lưng cậu bạn nên bị té. Bởi vậy mà chị Do là đôi chân duy nhất của em.

Bi kịch hơn khi chị Do sinh đứa con thứ hai với hy vọng, sau này mình già yếu, em sẽ thay mẹ làm đôi chân cho anh. Ai ngờ, khi Nguyễn Chung Thảo sinh ra cũng có những dấu hiệu giống như người anh của mình. Năm lớp 1, Thảo cũng bước đi nhón nhón chân giống như Tú khiến người mẹ như chết điếng một lần nữa.

“Khó đi mẹ cõng con đi…”

Thêm một lần nữa, đôi vai người mẹ lại cõng thêm một cậu con trai tới trường. Điều ấy khiến chị Do mắc đủ thứ bệnh như viêm xoang, mỡ trong máu cao… “Có những hôm mệt quá, cái lưng như muốn rớt ra, tui đành bỏ đói con. Cậu con trai thấy mẹ mệt, xót xa nói: Mẹ ơi, mẹ bỏ con đi!", chị lại an ủi: "Khó đi mẹ cõng con đi”, chị Do bùi ngùi nói.

Cứ như vậy, cha hai cậu bé đi làm tích cóp từng đồng một để đưa con đi điều trị, còn bà mẹ thì thay nhau cõng hai cậu bé tới trường. Đến khi Tú đỗ vào đại học, cha cậu phải nghỉ hẳn để đưa Thảo tới lớp. Mẹ theo Tú lên học trên Sài Gòn.

nguoi me, cong con den truong, con bi khuyet tat, Nick Vujicic

Nick Vujicic giao lưu với một em bé khuyết tật trong đêm gala.

“Ngày đầu lên Sài Gòn, hai mẹ con tìm mãi phòng trọ mà không nơi nào thích hợp với điều kiện của Tú. Đến khi tìm được một chỗ ưng ý thì họ bắt phải đóng tiền một năm là 10 triệu. Mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, làm gì có tiền. Thế là hai mẹ con trở lại Tiền Giang. Cũng may có một ông giáo biết chuyện đã cho hai mẹ con ở nhờ một căn chòi lá ở bên Q.9”, chị Do nhớ lại.

Vừa làm đôi chân cho con tới trường, chị Do vừa tranh thủ làm thêm những nghề móc len, bán hủ tiếu… để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Không phụ lòng gia đình, nhất là người mẹ đã hy sinh cho em bao nhiêu công sức, Tú học rất tốt. Cậu bé cho biết mình rất thích đến trường vì ở đó, em học được rất nhiều điều mới lạ, bổ ích.

Hiện Tú đã tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và đang trong quá trình xin việc làm. Khoảng thời gian này, chị Do vẫn sẽ là đôi chân của con trai, đưa Tú đến mọi nẻo đường mà em muốn bằng tấm lưng gầy gò nhưng đầy tình thương và nghị lực của mình.

Chị luôn quan niệm rằng: “Các ông bố, bà mẹ có con bị khuyết tật đừng bao giờ nói: "Ôi, mày như vậy thì sẽ làm được cái gì. Nói câu đó, tội nghiệp các con lắm, vì các con đâu muốn như vậy. Chỉ cần hai vợ chồng luôn đồng lòng nắm tay nhau thì con cái sẽ có động lực để sống tốt”.

Chị Do cũng cho biết thêm, những đứa trẻ khuyết tật không hề đơn độc. Bởi qua những câu chuyện mà anh Nick chia sẻ, chị Do tin rằng không chỉ con trai mình mà những trẻ em khuyết tật khác cũng sẽ sống nghị lực và cố gắng nhiều hơn.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn