“Xin chào Việt Nam”! Nick nói bằng tiếng Việt trong sự hân hoan, vui sướng của hàng ngàn người hâm mộ. Một Nick kỳ diệu bằng xương bằng thịt xuất hiện, truyền cảm hứng bất tận cho người khuyết tật và cả những người bình thường.
Nick Vujicic (Nick James Vujicic) sinh năm 1982 tại Melbourne, Úc. Anh bị khiếm khuyết cả tay lẫn chân do bệnh tetra-amelia, một căn bệnh hiếm gặp. Tuy vậy, Nick đã tốt nghiệp cử nhân thương mại với chuyên môn kế hoạch tài chính và kế toán tại Đại học Griffith ở Logan, Úc. Nick còn có thể chơi golf, chơi banh, bơi lội, lướt sóng và trượt tuyết... Tất cả các hoạt động thường ngày của anh đều được làm bằng bàn chân trái nhỏ xíu.
Nick trong buổi giao lưu |
Năm 17 tuổi anh bắt đầu các bài diễn thuyết của mình về nghị lực sống. Đến nay, Nick đã đi diễn thuyết ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1.600 bài nói chuyện, cho hơn 4 triệu người nghe trực tiếp.
Nick đã viết 3 cuốn sách, làm chủ một công ty lớn và một quỹ từ thiện do mình sáng lập để giúp đỡ người khuyết tật. Cuộc sống riêng của Nick cũng rất viên mãn, anh đã kết hôn cùng Kanae Miyahara, một cô gái bình thường vào năm 2012. Hiện họ đã có một cậu con trai khỏe mạnh.
Có lẽ vì thế mà cái tên Nick Vujicic từ lâu đã trở thành một “cơn sốt” trên toàn thế giới. Với người Việt Nam, anh là cơn sốt của giới trẻ, là sự khâm phục của người bình thường và điểm tựa tinh thần cho hàng triệu người khuyết tật.
Nick bắt đầu câu chuyện tại trung tâm hội nghị White Palace (TP.HCM), giữa hàng ngàn người: “Tôi sinh ra đã không có tay chân. Không có một lý do gì về mặt y khoa giải thích tôi bị như vậy. Và người ta hỏi tôi ý nghĩa của từ khuyết tật là gì? Rất nhiều người nhìn tôi và nói rằng: “Ôi trời, anh ta không có cả chân lẫn tay, chắc là cuộc sống chật vật lắm".
Thế nhưng tôi có một số sức mạnh để vượt qua điều này, đó chính là gia đình tôi. Khiếm khuyết thì luôn luôn là một khiếm khuyết. Mặc dù bạn không phải ngồi trên xe lăn nhưng đôi khi bạn phải trải qua một thời gian khó khăn. Và nhiều khi sự sợ hãi đã níu kéo bạn, khiến bạn không thể nào tiến lên được. Tôi tin rằng bạn có lúc sợ hãi, rằng người ta sẽ nghĩ thế nào về mình? Các bạn sợ hãi về tương lai. Sợ thất bại. Và như vậy người nào có sự sợ hãi trong mình thì đã có sự khuyết tật rồi".
Với Nick, hành trình đi vào cuộc sống của anh cực kỳ gian khổ nhưng không khác gì một câu chuyện cổ tích. Ở đó, tình thương của gia đình cộng với nghị lực phi thường đã giúp anh làm được những điều tưởng chừng không thể. Cậu bé Nick lớn lên trong sự chăm sóc đặc biệt của cha mẹ nhưng ngay từ nhỏ, ý chí tự lực như đã trở thành bản ngã của cậu. Bằng ngón chân bé tí ở cái chân trái cũng bé tí, Nick làm được mọi việc.
Cậu di chuyển bằng ván trượt đi khắp nơi. Sáu tuổi, cũng bằng cái chân bé tí ấy, cậu mày mò học vi tính, đến trường cùng chúng bạn. Khi trưởng thành, cũng bằng những ngón chân bé xíu ấy, Nick tự sinh hoạt, biết đá bóng, bơi lội, chơi tenis, chơi golf, thậm chí là nhảy dù. 21 tuổi, Nick tốt nghiệp đại học.
Bây giờ, ở tuổi 31, Nick là một người thành đạt và nổi tiếng trên toàn thế giới. Nick tự hào kể: Dù không chân không tay nhưng anh đã đi 47 nước, gặp gỡ 8 nguyên thủ quốc gia và trò chuyện với hàng triệu người. "Phải chăng tôi là người có sức ảnh hưởng nhất thế giới? Không phải như vậy.
Phải chăng tôi là người mạnh mẽ nhất trên thế giới? Không phải như vậy. Nhưng tôi biết một điều. Đó là dù chúng ta có vấn đề gì chăng nữa thì các bạn ở đây, đều tồn tại vì một lý do nào đó. Trong tình yêu thương, niềm tin, nỗ lực mong muốn có được sự khuyến khích, sự sẻ chia. Vì thế, tôi muốn nói với các bạn, không bao giờ đầu hàng" - Nick nói.
Nick không bao giờ đầu hàng, không bao giờ sợ hãi dù có lúc thất bại. Anh luôn xem mình là người bình thường. Thậm chí, có lúc còn hơn vậy. “Bạn đi máy bay thì bị vướng víu và rất mỏi chân. Tôi thì khác. Tôi thu mình gọn gàng trên ghế cực kỳ thoải mái”-Nick hài hước nói. Quan trọng nhất là anh luôn giữ sự lạc quan. Ở đâu có anh, ở đó có tình yêu và những tiếng cười. Có lúc, anh nhờ người cho mình vào... ngăn để đồ trên máy bay. Sau đó, thò mặt ra để dọa hành khách. Hoặc đặc biệt hơn, anh hóa trang làm phi công và trêu chọc mọi người.
Anh cũng không ngần ngại kể về một... cô gái. "Tôi đang ngồi trong xe, và chỉ lộ khuôn mặt của mình. Qua cửa kính, một cô gái nhìn thấy tôi. Tôi cũng nhìn lại cô ấy. Sau đó, tôi làm thế này (anh xoay một vòng trên bàn diễn thuyết), cô ấy kinh ngạc khi thấy cả người tôi quay đúng... 360 độ".
Nói về những cuốn sách của mình, Nick chia sẻ, thông điệp lớn nhất của chúng cũng chính là không bao giờ đầu hàng số phận, không bao giờ từ bỏ ước mơ. Bằng tình thương yêu của mọi người và tinh thần sống lạc quan, chúng ta có thể làm được tất cả.
Nick nói: “Nhiều người trong số các bạn sẽ nói rằng: Anh ta đến từ Úc, chắc chắn là được trợ giúp rất nhiều thứ. Tôi xin nói với các bạn rằng điều duy nhất chính phủ can thiệp là giúp tôi được vào trường học bình thường”. Anh kể: Ở Úc có rất nhiều tổ chức của người khuyết tật giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. “Ở Việt Nam cũng vậy, các bạn hãy dựa lưng vào nhau để đi tới. Sự đoàn kết cho chúng ta sức mạnh phi thường”.
“Nếu không có phép mầu, hãy trở thành phép mầu”
Nick kể tiếp, cũng như những người khiếm khuyết khác, cậu hay bị chọc ghẹo khi đến trường. 10 tuổi, cậu nhiều lần mơ ước sẽ có điều mầu nhiệm đến thay đổi cơ thể mình. Khi biết phép mầu sẽ không bao giờ đến, cậu bé đã rất chán nản, muốn buông xuôi tất cả. “Tôi đã từng nghĩ ngày mai sẽ không có gì đón đợi mình.
Nhưng bây giờ bạn thấy đó, tôi đã làm cha của một đứa trẻ khỏe mạnh. Bạn tôi thường hỏi, tôi mong ước con tôi lớn lên sẽ làm gì? Tôi trả lời tôi chỉ muốn nó hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho người khác. Đó chính là phép mầu của cuộc sống” - Nick nói trong sự xúc động.
Khán phòng hàng ngàn con người im lặng trong những câu chuyện cảm động của Nick, nhiều người rơi lệ. Nick vẫn vậy, rất linh hoạt, anh làm khán giả khóc, cười theo từng câu chuyện. Thi thoảng, hai ngón chân nhỏ xíu khoắng xuống bàn rất dẻo để kêu gọi mọi người vỗ tay ủng hộ hoặc lướt trên chiếc điện thoại di động trong sự tán thưởng. Sự có mặt của Nick biến buổi diễn thuyết của anh thành ngày hội thật sự.
Từ sáng sớm, đã có hàng trăm người tập trung chờ đợi bên ngoài Trung tâm hội nghị White Palace để mong được tận mắt thấy Nick. Nhiều người dặn nhau nếu gặp được thì ôm Nick thay cho những người không thể đến. Nick xuất hiện trong tiếng reo hò tán thưởng, và cả những giọt nước mắt hạnh phúc.
Trong số hàng ngàn người ấy, rất nhiều người tìm đến bằng xe lăn, bằng những chiếc nạng hoặc trên lưng người khác. “Chỉ cần được chạm vào Nick, tôi sẽ biết anh có thật, tôi sẽ sống thật có ích như anh” - Minh Ngọc, một cậu thanh niên nói với chúng tôi.
Ngọc đến bằng chiếc đầu cạo trọc còn nguyên những vết may nhằng nhịt, di chứng một lần ngã xe sau khi nhậu. Nằm viện, cậu nghĩ cuộc đời đã hết. Nhưng cũng trong những ngày tháng ấy, cậu biết đến Nick, đã khóc rất nhiều. Nick như một liều thuốc giúp cậu dám sống, sống có ý nghĩa.
Cảm động hơn với cô gái Nguyễn Thị Nhung, 25 tuổi, đến từ Q.10, TP.HCM. Dù bị bại liệt từ năm 1 tuổi nhưng cô vẫn sống bằng tất cả nghị lực. Cô đã là cử nhân Anh văn và đang theo học một bằng đại học khác của ngành kinh tế. Không cần người đỡ, cô đến một mình bằng đôi nạng gỗ. “Em đến để nói với Nick rằng chính anh ấy đã truyền cho em nghị lực sống”-Nhung vừa khóc vừa nói.
Khán giả của Nick hôm ấy có thể là một cậu bé khóc bên ngoài trung tâm vì không có vé vào nhìn anh. Có thể là một người không nhìn thấy gì nhưng chỉ có một khát khao là được nghe anh nói. Là dịch giả Bích Lan, người bại liệt từ năm 13 tuổi, đã tự học tiếng Anh và dịch 3 cuốn sách của Nick. Còn nhiều, rất nhiều người khác mong được thấy, được chạm vào Nick, chàng “Sọ Dừa phương Tây” dù không thay đổi được hình hài nhưng đã thay đổi được cả cuộc sống.
Anh chính là hiện thân cho câu châm ngôn của chính mình “If you cant get a miracle, become one” - “Nếu bạn không thể có một phép mầu, hãy trở thành chính nó”. Có lẽ chính Nick cũng không thể tưởng tượng được anh là thần tượng của hàng triệu người Việt. Nơi nào anh xuất hiện ở đó lập tức có niềm hân hoan. Và Nick, với sự xúc động của mình nói rằng đây là lần đầu tiên nhưng sẽ không phải lần cuối cùng anh đến Việt Nam. Lần tới anh sẽ mang theo cả vợ và con mình.
Theo Dongdoi