Đặc biệt mê lông, tóc…của mình
Tôi vừa gặp, lão đã giới thiệu lão là Phật sống, nếu có viết phải viết cho cẩn thận. Lão bảo với tôi, "rất ít người có thể bước chân vào nhà tôi, cậu có thể làm đệ tử của tôi". Vừa nói lão vừa chỉ cho tôi thấy sợi lông trắng giữa chặng mày và bảo chỉ Phật mới có. "Nói có sách mách có chứng" lão với cuốn kinh Phật đã được gạch chân cẩn thận bằng bút mực đỏ, tướng thứ 31 ghi: "Giữa chặng hai mày có lông trắng mềm nhuyễn như bông".
Còn mái tóc của lão có giống Phật hay không lão lại tiếp tục giở một quyển kinh khác nói về 80 tướng đẹp của Phật và nói tóc của Phật phải dài xoắn đẹp giống như mái tóc của lão.
Một mình ông Long sống trong ngôi nhà cũ cỏ mọc um tùm
Nhắc đến mái tóc đặc biệt, lão Long vui ra mặt. Suốt hai thập kỉ qua lão không hề động dao kéo và ngày càng quý trọng mái tóc mình. Lão nhận ra từ khi để tóc dài, cơ thể lão như có nguồn sinh lực siêu nhiên nào đó giúp lão thông kinh thuộc sử và khả năng hơn người? Có người khuyên lão nên cắt tóc nhưng lão bảo cắt tóc là chuyện vớ vẩn. Mái tóc của lão cứ ngày một dài ra và bết lại dính kết vào nhau tạo thành búi trên đỉnh đầu.
Lão Long khoe mái tóc của lão biến hóa thành những hình thù khác nhau từ trước đến nay, mới đầu thì hình con sư tử, sau lại biến thành con đại bàng, sau lại biến thành con rồng có mắt. Lão bảo lão không như người thường, búi tóc của lão biến thành những hình thù chỉ Phật mới có và ngay cả bộ râu của lão cũng vậy.
Lão bảo: "Cậu đã thấy ta mang nhiều tướng của Phật rồi đấy. Màu da của ta cũng giống Phật có sắc vàng diêm phù đàn. Đơn giản nhất muốn biết ai là Phật chỉ cần nhìn vào giữa chặng hai lông mày có sợi lông màu trắng thì người đó là Phật. Như ta giới thiệu ban đầu ta chính là Phật". Nói đoạn lão lại vang lên vài tiếng chuông mõ đồng để bên cạnh.
Ông Long đang thể hiện khả năng "siêu nhật nguyệt quang" nhìn mặt trời
Bốn năm không tắm
Khi tôi hỏi lão cơ duyên nào khiến lão đọc nhiều loại kinh và thuộc làu như vậy. Lão chậm rãi kể về cuộc đời mình, lão sinh ra giống như bao người khác, con của người thợ xây. Rồi lão khoe, cả làng ngày xưa mù chữ duy chỉ có cụ thân sinh ra lão học cao nhất làng và có bằng tiếng Tây nhưng từ chối danh lợi.
Bản thân lão chỉ học đến khi biết đọc biết viết thì nghỉ đi làm thợ xây theo nghiệp bố. Lão tự hào về gia đình mình bởi gia đình nhà lão không ham danh lợi, cõi trần thì cho đó là ngu, còn đạo Phật cho rằng đó là khôn vì thế mà ông cụ thân sinh ra lão thọ 93 tuổi.
Đến tuổi nhập ngũ, lão cũng lên đường bảo vệ tổ quốc, lão nhớ lúc đó mới 21 tuổi, hết ba năm nghĩa vụ lão về quê chưa được bao lâu lại có lệnh tái ngũ, lão tiếp tục khoác ba lô lên đường. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, lão nhất định đòi xuất ngũ về nhà với vợ sau gần 14 năm trong quân ngũ. Trở về lão làm đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình.
Rồi lão mới kể về con đường, cơ duyên đưa lão đến với kinh Phật cách đây cũng 20 năm có lẻ. Chuyện rằng, một ngày vợ lão đi xem bói, bà bói phán rằng chồng bà có căn, về mở phủ mà hưởng lộc. Lão nghe lời bà bói về mở phủ.
Một thời gian sau lão lên động Hương Tích (Mỹ Đức, Hà Nội) nằm trong động thiếp đi lúc nào không biết, trong giấc mơ lão thấy Bồ Tát khuyên nên tránh xa "con ma già" kẻo mất mạng (bà xem bói, đồng bóng - PV), khuyên lão về nhà, ắt kinh sẽ chuyển đến.
Sau đó lão về nhà, có người lạ đến tặng lão bộ kinh 4 cuốn mà như lão nói năm đó mà mua phải mất ngót nghét một chỉ vàng. Một năm sau đó lão lại được một người biếu cuốn "Kinh Diệu pháp liên hoa". Rồi lần lượt lão khoe từng cuốn lão được tặng ra sao, ý nghĩa như thế nào.
Kể từ ngày lão thấy mình có duyên với kinh Phật cũng từ đó mà lão bỏ bê, không quan tâm đến "cõi trần". Lão bắt đầu đi chùa, lên động, lên núi nhiều hơn. Một lần lão đang xuống chân ngọn núi thiêng có tiếng vọng nói vào tai lão rằng "không tu thì thôi mà đã tu phải tu thật cao và thành Phật".
Hôm đó về nhà, lão không thể ăn bất cứ thứ gì, chỉ cần ngửi mùi bát có dính tí mỡ cũng khiến lão nôn thốc nôn tháo. Sau đó, chuyện ăn uống không còn quan trọng với lão và "hội chứng sợ nước" ở lão xuất hiện.
Bốn năm sau lão không hề tắm, một lần lão đi gần bờ ao bỗng có một thế lực nào đó đẩy xuống ao bảo lão tắm đi, từ đấy lão mới không sợ nước. Hiện, lão Long vẫn đi chùa, đi đền và đến các lễ hội hễ có cuốn kinh gì hay lão lại mua về đọc và "kiếm tiền" bằng mái tóc búi rồng của mình.
Năm vợ nhưng không ai ở được
Từ lâu người cùng thôn đã đặt cho lão cái biệt danh "Long tiên" bởi chòm râu trắng muốt và mái tóc "hốt bạc" của lão. Thực ra trong những câu chuyện lão kể, rất ít khi lão nhắc đến chuyện gia đình. Qua tìm hiểu các cụ sinh cùng thời với lão, tôi mới câu chuyện buồn về gia đình của lão. Lão lấy đến 5 vợ nhưng mỗi người chỉ sống với lão được một thời gian rồi không chịu được lại bỏ đi. Lão sống một mình, bữa nấu ăn, bữa ăn quán. Trong 5 người vợ của lão thì 4 bà vợ đầu ít nhiều có con với lão nhưng đều không thể ở với lão. Nhiều người bảo, lão ngoài 70 nhưng vẫn "phong độ" lắm, vì thế mà lão "cưa" được nhiều vợ mà toàn người có nhan sắc. Nhờ mái tóc búi rồng, búi phượng giúp lão "hái ra tiền" vào các mùa lễ hội. Như lễ hội Lim vừa rồi, riêng ngày 12 tháng giêng, lão kiếm được tới 16 triệu đồng, còn ngày 13 tháng giêng (là ngày hội chính) thì lão kiếm không biết bao nhiều tiền. Lão chỉ việc đứng chụp ảnh cùng với du khách về trẩy hội là được người ta cho tiền. |
Theo Nguoiduatin