Tía tô nấu kinh giới
Nguyên liệu: Lá tía tô, lá kinh giới tươi - mỗi loại 20 gr (nếu lá khô thì chỉ lấy một nửa), lá trà (chè) xanh 5-10 gr, một ít gừng tươi và đường cát trắng.
Cách làm: Cho tất cả vào nồi nấu lấy nước, cho đường vào uống thay trà trong ngày giúp ấm cơ thể, trị phong hàn cảm mạo, đau họng do trời lạnh.
|
Vỏ quít nấu đường phèn
Nguyên liệu: 20 gr vỏ quít (chọn trái quít đẹp), 100 gr đường phèn.
Cách làm: Lấy cả hai đem nấu với 1-1,5 lít nước trong 2 giờ đồng hồ lấy xuống dùng. Bài thuốc này có công dụng tốt đối với các chứng ho táo trong mùa đông giá lạnh, làm ấm phổi.
Cam thảo nấu gừng
Nguyên liệu: Gừng tươi 15 gr, cam thảo bắc 5 gr.
Cách làm: Gừng tươi rửa sạch, cắt dạng miếng mỏng. Cam thảo thái phiến. Cho cả hai vào ấm với 2 chén nước, nấu còn lại 1 chén, chia làm hai lần dùng (lúc nóng ấm) trong ngày. Có thể cho vào một ít đường để dùng.
Quít nấu cà rốt
Nguyên liệu: Một ít cà rốt và củ năng, một ít trái chà là, vỏ quít, 15g nhân hạt mơ, khoảng 2 lít nước.
Cách làm: Nấu chín mềm các nguyên liệu. Bài thuốc này giúp chữa tình trạng môi khô, nứt do thời tiết lạnh.
Cháo gừng
Nguyên liệu: 10 gr gừng tươi và một ít gạo tẻ loại ngon.
Cách làm: Gừng tươi rửa sạch, thái phiến. Gạo tẻ vo sạch, rồi cho cả hai vào nồi nấu cháo, nấu thật lỏng, dùng khi cháo còn nóng ấm. Có thể gia thêm một ít đường khi dùng.
Gừng nấu tía tô
Nguyên liệu: 25 gr lá tía tô tươi, 10 gr gừng tươi và một ít đường cát trắng.
Cách làm: Lá tía tô và gừng rửa sạch, thái phiến, rồi cho vào nồi với 4 chén nước, nấu còn lại khoảng 1,5 chén, gạn lấy nước bỏ bã, rồi cho đường vào để dùng trong ngày.
Quất chưng đường phèn
Những người hay bị ho khi mùa đông lạnh (ho do thời tiết) thì có thể dùng quả quất cứa làm đôi rồi cho vào chén cùng với đường phèn (hoặc đường phổi) đem chưng cách thủy cho ra nước, lấy nước này dùng nhiều lần trong ngày chữa ho rất hay. Hoặc có thể làm như trên nhưng thay quất bằng chanh (nhưng với chanh thì nên cắt lát mỏng).
Theo Thanhnien.