Lực lượng an ninh Trung Quốc trong một đợt tuần tra ở Urumqi - Ảnh: Reuters |
Vụ việc xảy ra tại huyện Shache thuộc châu Kashgar (Tân Cương) vào sáng 28/7 nhưng đến tối hôm sau chỉ được giới chức thông báo vắn tắt là có nhiều người thiệt mạng, không có chi tiết cụ thể. Đến tận ngày 3/8, truyền thông nước này mới đăng tải thông báo chính thức từ nhà chức trách để nói rõ về vụ tấn công.
Cụ thể, vào rạng sáng 28/7, một nhóm lên đến cả trăm người chưa rõ sắc tộc cầm dao và rìu bất ngờ xông vào đâm chém loạn xạ tại đồn cảnh sát và nhiều văn phòng chính quyền ở thị trấn Elixku trước khi một số kẻ tấn công tiếp tục di chuyển đến thị trấn Huangdi gần đó để tiếp tục ra tay. Tân Hoa xã dẫn lời giới chức Tân Cương nói rằng nhóm này đã tấn công dân thường và còn uy hiếp những người khác để buộc họ cầm dao, rìu tham gia đâm chém. Bọn chúng còn lập rào chắn trên đường để chặn xe cộ rồi tấn công loạn xạ vào hành khách. Hậu quả là 35 người Hán, 2 người Duy Ngô Nhĩ thiệt mạng và 36 xe bị hư hỏng.
Khi lực lượng an ninh đến nơi, nhóm tấn công cũng chống trả quyết liệt dẫn đến đụng độ lớn. Cuối cùng, cảnh sát bắn chết 59 “tên khủng bố”, bắt giữ 215 nghi phạm, tịch thu nhiều vũ khí và biểu ngữ với nội dung “ủng hộ thánh chiến”. Sau đó, Bí thư Tân Cương Trương Xuân Hiền tuyên bố “bọn khủng bố” sẽ bị xử theo pháp luật và bất kỳ ai phạm tội cũng sẽ bị đưa ra công lý, theo Tân Hoa xã.
Kẻ chủ mưu
Chính quyền Tân Cương thông báo kết quả điều tra ban đầu cho thấy cuộc tấn công do nhiều “tên khủng bố” cả trong và ngoài Trung Quốc lên kế hoạch trước rồi phối hợp tiến hành. Giới chức xác định đầu não lập kế hoạch và điều phối hành động là Nuramat Sawut, đến từ Elixku và bị cho là có quan hệ với tổ chức Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). ETIM tuyên bố mình đại diện quyền lợi cho những người Duy Ngô Nhĩ bất mãn với chính quyền trung ương trong khi Bắc Kinh liệt nhóm này vào danh sách khủng bố.
Theo Tân Hoa xã, Sawut đã hợp tác với nhiều phần tử Hồi giáo ở nước ngoài để “lan truyền tài liệu nghe nhìn về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa ly khai” từ năm 2013 rồi từ đó phát triển thành một nhóm “khủng bố”. Kể từ khi tháng chay Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu (ngày 29/6), nhóm của Sawut tụ tập tại nhiều vùng hẻo lánh ở Tân Cương để lên kế hoạch và chuẩn bị hung khí, theo Tân Hoa xã. Hãng thông tấn này không nói rõ về tình trạng hiện nay của Sawut.
Vụ tấn công mới xảy ra hai ngày trước khi các phần tử cực đoan ở Tân Cương sát hại thầy tế Jume Tahir của ngôi đền Hồi giáo lớn nhất Trung Quốc là đền Id Kah. Ông Jume Tahir, 71 tuổi, được cho là người có quan điểm ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Trong quá trình điều tra vụ này, cảnh sát đã bắn chết hai nghi phạm và bắt giữ một người khác.
Gần như cùng lúc với vụ tấn công đẫm máu nói trên, cảnh sát Tân Cương tiếp tục bắn chết 9 nghi phạm “khủng bố” và bắt giữ một người tại châu Hotan, theo Tân Hoa xã. Đây được xem là một phần trong chiến dịch chống “khủng bố” kéo dài một năm mà chính quyền Tân Cương đã phát động hồi cuối tháng 5, sau vụ đánh bom, tấn công bằng dao tại nhà ga ở thủ phủ Urumqi ngày 22/5, khiến 39 người chết và 94 người bị thương.
“Khủng bố” lan rộng
Trong thời gian gần đây, các cuộc “tấn công khủng bố” bị cho là liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ đã vượt ra ngoài phạm vi Tân Cương, lan sang các khu vực khác của Trung Quốc, theo Tân Hoa xã. Hãng thông tấn này chỉ ra vụ đâm xe tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 28/10/2013, khiến 5 người chết; và vụ tấn công bằng dao tại nhà ga ở Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam ngày 1/3, với 29 người chết và 143 người bị thương. Đến ngày 6/5, một vụ tấn công bằng dao cũng đã xảy ra ở nhà ga tại Quảng Châu, khiến 6 người bị thương.
Ngoài ra, tờ Văn Hối (Hồng Kông) dẫn một báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược quốc tế thuộc Đại học Quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh cảnh báo các nhóm hồi giáo cực đoan gia tăng hoạt động ở nước này kể từ năm 2013.
Còn theo AFP, những vụ tấn công hàng loạt ít khi xảy ra ở Trung Quốc nhưng có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Điều này chứng tỏ căng thẳng về tôn giáo, sắc tộc và chủ nghĩa ly khai ở khu vực phía Tây Trung Quốc sẽ tiếp tục khiến chính quyền Bắc Kinh đau đầu.
Tăng cường đặc nhiệm chống khủng bố Nhằm ngăn chặn các vụ tấn công, chính quyền nhiều thành phố ở Trung Quốc như Quảng Châu, Vũ Hán, Thượng Hải đã đồng loạt lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chuyên chống khủng bố, theo Tân Hoa xã. Giới chức Trung Quốc còn ra lệnh tăng cường an ninh tại các khu vực trọng điểm, trong đó có Thiên An Môn, diễn tập chống khủng bố, hướng dẫn tài xế xe buýt các kỹ năng chống lại kẻ tấn công... Thậm chí ĐH Công an nhân dân Trung Quốc đang có kế hoạch mời các chuyên gia chống khủng bố hàng đầu từ Mỹ, Israel, Pakistan và Úc đến huấn luyện cho các lực chống khủng bố, theo tờ China Daily. |
Theo Thanh Niên