Nhóm nhà điều tra quốc tế tìm kiếm tại hiện trường MH17. Ảnh: Reuters. |
Nhóm điều tra quốc tế, gồm 38 chuyên gia Hà Lan, 12 chuyên gia Australia cùng các quan sát viên từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), từng nhiều lần phải từ bỏ nỗ lực tiếp cận hiện trường MH17.
Phe ly khai ủng hộ Nga kiểm soát miền Đông Ukraine, khu vực phi cơ của Malaysia Airlines rơi xuống hôm 17/7. Năm ngày sau đó, họ chuyển giao các hộp đen của phi cơ cho chuyên gia Malaysia.
Lực lượng này cũng bàn giao những thi thể tìm thấy tại hiện trường. Tính đến hôm 28/7, 227 quan tài đã được chuyển tới Hà Lan để chuyên gia pháp y nhận dạng. Chuyến bay MH17 chở theo 298 người trên khoang. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu thi thể nguyên vẹn trong số quan tài trên. Nhóm điều tra quốc tế hôm 1/8 tiếp cận được hiện trường và thu hồi được thêm nhiều phần thi thể cùng đồ dùng cá nhân.
Truyền thông Mỹ đưa ra thêm những câu hỏi xuất hiện trong quá trình điều tra thảm họa MH17.
Điều gì cản trở nhà điều tra tiếp hiện trường?
Quân đội Ukraine hôm 28/7 thông báo tổ chức cuộc tấn công nhằm vào nhiều thị trấn chính trên tuyến đường tới hiện trường MH17. Cuộc giao tranh này dường như đã ngăn cản nhà điều tra của OSCE, Ivan Watson, phóng viên của CNN, cho biết.
Những người phát ngôn của quân đội Ukraine đều bác bỏ thông tin lực lượng chính phủ kiểm soát khu vực có mảnh vỡ. Họ nói Ukraine tôn trọng khu vực không chiến sự có bán kính 40km tính từ hiện trường.
Tuy nhiên, Andrey Lisenko, người phát ngôn chính của quân đội Ukraine, cho biết lực lượng chính phủ đã tiến "rất gần" khu vực MH17 gặp nạn và đang cố giành lại nơi này từ phe ly khai. "Ngay khi họ rời đi, các chuyên gia có thể bắt đầu công việc của mình", ông Lisenko hôm 29/7 phát biểu trước phóng viên.
Cần làm những gì để tiếp cận hiện trường MH17?
Liên Hợp Quốc cùng các quốc gia nhiều lần kêu gọi một lệnh ngừng bắn, cho phép nhà điều tra có môi trường làm việc an toàn. Chính phủ Malaysia đạt được thỏa thuận với phe ly khai, cho phép cảnh sát quốc tế không mang theo vũ khí bảo vệ hiện trường. Tuy nhiên, tình hình giao tranh đã khiến điều này trở thành không thể.
Phái đoàn Giám sát Đặc biệt của OSCE tại Ukraine tiến hành một "kế hoạch" để có thể tiếp cận hiện trường "ngay khi đủ an toàn". Michael Bociurkiw, phát ngôn viên phái đoàn, nói họ sẽ tìm cách tiếp cận "hằng ngày".
Ai đã tới hiện trường từ khi MH17 gặp nạn?
Sau khoảng thời gian khá thù địch với quan sát viên của OSCE trong ngày đầu tiên từ khi xảy ra thảm họa MH17, phe ly khai đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho phái đoàn các nước và nhà báo. Cuối cùng, hàng trăm nhân viên cứu hộ khẩn cấp Ukraine và thợ mỏ được điều động tới hiện trường, thu thập được hơn 100 thi thể nạn nhân và đưa tới một nhà ga để chuyển họ về quê hương.
Trong lần tới hiện trường hôm 25/7, phóng viên CNN nói rằng "khu vực các mảnh vỡ dường như bị bỏ quên". Không có bảo vệ hay nhà điều tra nào ở đó. Phần lớn mảnh vỡ đã được di chuyển trong 48 giờ trước đó. Lực lượng duy nhất quan sát hiện trường là cư dân ở những ngôi làng gần đó và giờ họ đã quay trở lại với công việc đồng áng thường ngày, phóng viên Watson cho biết.
Việc thiếu vắng binh sĩ chính phủ Ukraine hoặc lực lượng quốc tế bảo vệ hiện trường làm xuất hiện lo ngại về khả năng làm giả bằng chứng hoặc đánh cắp đồ đạc.
"Đó là một trong những hiện trường tội phạm rộng nhất thế giới, và nó không được bảo vệ. Không có vành đai an ninh nào xung quanh khu vực rộng 30 hoặc 35km2 này", phát ngôn viên Bociurkiw nói.
Những con bò ăn cỏ gần vị trí một mảnh vỡ của phi cơ Boeing 777. Ảnh: Reuters. |
Quy trình điều tra thông thường như thế nào nếu MH17 không rơi trong vùng chiến sự?
"Thông thường, lính cứu hỏa, các cơ quan khẩn cấp và có thể có thêm nhà điều tra, chuyên gia bệnh học, sẽ lập tức tiếp cận hiện trường", Matthew Greaves, người đứng đầu Trung tâm An toàn và Điều tra Tai nạn thuộc Đại học Cranfield, Anh, nói. "Các dịch vụ khẩn cấp sẽ thu thập thi thể nhanh nhất có thể, còn nhà điều tra không phải can thiệp quá nhiều vào hoạt động này. Họ giữ hai vai trò rất khác biệt".
Theo Greaves, điều tra viên sẽ đánh dấu mảnh vỡ, kiểm tra sơ bộ chúng tại hiện trường, sau đó đưa tới một địa điểm an toàn để nghiên cứu cẩn thận hơn. Quy trình điều tra tốt nhất áp dụng đối với tai nạn hàng không đã được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), thuộc Liên Hợp Quốc, ban hành.
Những quy định này xác định những bên nào sẽ liên quan trong cuộc điều tra. Đó là quốc gia nơi tai nạn xảy ra, nhà sản xuất phi cơ và động cơ máy bay, quốc gia nơi phi cơ đăng ký, nơi có trụ sở đơn vị vận hành máy bay, cùng với các nước có hành khách đi trên chuyến bay gặp nạn.
"Tất cả các bên đều giúp ích cho quá trình điều tra bởi họ cùng có thông tin cung cấp", Greaves nói.
Các nhà điều tra đang tìm kiếm chứng cứ gì ở hiện trường?
Trong thông báo hôm 28/7, người đứng đầu đội hồi hương do Hà Lan thiết lập cho biết ưu tiên lớn nhất của họ lúc này là tìm kiếm nạn nhân. Những phần thi thể còn sót lại sẽ được thu hồi ngay khi tìm thấy", người này nói. "Động lực của chúng tôi đến từ niềm tin sâu sắc rằng các thân nhân phải được nhận người thân cùng đồ đạc của họ".
Greaves cho rằng phần thi thể nạn nhân còn sót lại có thể chứa đựng thông tin hữu ích cho các nhà điều tra. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được thông tin này từ kết quả công việc của các chuyên gia bệnh học.
Nếu chuyên gia bệnh học tìm thấy mảnh đạn găm vào các thi thể thì sẽ giúp củng cố giả thiết tên lửa bắn hạ MH17, chuyên gia này nhận định. "Nhưng tôi nghĩ rằng các mảnh vỡ máy bay sẽ cung cấp thông tin nhiều hơn so với những thi thể". Nhà điều tra cố gắng tránh chỉ phụ thuộc vào một phần chứng cứ và "muốn tất cả bằng chứng phải hỗ trợ cho giả thiết của họ".
Thông tin từ hộp đen đã đủ chưa?
Độ hữu ích của các thiết bị ghi dữ liệu còn phụ thuộc vào loại tai nạn. "Nếu không có hộp đen thì sẽ rất khó xác định điều gì đã xảy ra với chuyến bay 447 của Air France", Greaves nói. Nhà chức trách đã công bố phi cơ lao xuống biển nhưng họ cần phải hiểu tại sao. Trường hợp chuyến bay số hiệu 103 của Pan Am bị đánh bom trên bầu trời Lockerbie, các hộp đen ghi lại được một đoạn âm thanh ngắn của vụ nổ.
Theo Greaves, trong trường hợp MH17, nếu các dữ liệu thực sự được trích xuất từ hộp đen, điều tra viên có thể tiếp tục xem xét hiện trường dựa trên những thông tin đó.
Một thanh niên giơ tấm biển đòi công lý cho MH17 trong cuộc biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Kuala Lumpur hôm 23/7. Ảnh: Reuters. |
Gần hai tuần chậm trễ cản trở quá trình điều tra như thế nào?
Các nhà điều tra không thể tới hiện trường để "đọc" những mảnh vỡ, Greaves nói, đồng thời cho biết thông thường, việc tiếp cận diễn ra càng nhanh càng tốt bởi "có những 'bằng chứng dễ hư hại' và chúng cần phải được thu thập đầu tiên".
Ảnh hưởng từ tình trạng hôi của tại hiện trường?
Các nhà điều tra sẽ có lợi hơn nếu họ biết trước về sự di chuyển mảnh vỡ hoặc hôi của tại hiện trường, Greaves nhận định. Điều tra viên sẽ đảm bảo họ có tất cả những bộ phận quan trọng của phi cơ và sẽ là một vấn đề lớn nếu như phần đuôi nằm cách xa những mảnh vỡ còn lại. "Điều tra viên luôn phải ghi nhớ trong đầu rằng có thể nó đã bị dịch chuyển", ông nói.
Các nhà điều tra có di dời mảnh vỡ để điều tra không?
Trong vụ đánh bom trên bầu trời Lockerbie, làm 270 thiệt mạng, nhà điều tra đưa tất cả mảnh vỡ về nhà chứa máy bay. "Trong điều kiện lý tưởng, họ có thể làm tương tự với vụ MH17", Greaves nhận định. "Nhưng theo tình hình an ninh, kích cỡ và khối lượng mảnh vỡ, khả năng cao là họ sẽ không chuyển tất cả".
Nếu điều tra viên có thể chắc chắn một trong các động cơ trước đó còn hoạt động (Boeing 777 có thể bay với chỉ một động cơ), họ có thể loại trừ đem chúng về. Những phần nguyên vẹn hơn cũng không quá quan trọng vì nó bị tổn hại do tác động thông thường.
Ngoài ra, những mảnh vỡ sẽ được chuyển tới các chuyên gia nếu họ nghi ngờ chúng có những lỗ thủng như bị mảnh đạn găm vào. Họ cũng có thể lấy mẫu thử tại hiện trường nếu được chuyên gia chất nổ đề nghị.
Theo VNE