Thiếu phụ… “thiêng” khó tính
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 180km theo hướng Nam, chúng tôi tìm đến ngôi miếu được khẳng định là chỉ chuyên “túm gáy” những đàn ông - đó là một ngôi miếu nhỏ nằm ngay sát đường tỉnh lộ 794, đoạn qua ấp 3, thuộc xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Hai bên vệ đường là nông trường cao su của xã Suối Ngô.
Giữa những hàng cây cao su thẳng hàng vẫn có một vài công nhân làm việc miệt mài. Lại gần một công nhân đang chăm chú cầm con dao rạch những đường vân trên thân cây cao su, chị là Nguyễn Thị H. (32 tuổi), quê gốc Thanh Hóa, vào làm thuê cho nông trường cao su này đã được hai năm, nhưng hỏi về chuyện ngôi miếu đã có từ rất lâu này chị gần như nắm khá rõ.
Chị kể: “Ngôi miếu này đã có từ rất lâu rồi! Nghe nói ngôi miếu đó được lập sau khi có một cô gái bị tử nạn vì tai nạn giao thông tại chỗ đó, cô gái bị tử nạn đó nghe nói tên Thanh, trẻ đẹp, mà lại còn đang mang thai nữa…
Có một điều đặc biệt về ngôi miếu này là rất “thiêng” với những người phụ nữ, còn với những người đàn ông thì lại rất khắc nghiệt. Có lẽ, hai tài xế xe tải lúc đó đâm vào cô nên giờ mới như vậy… Tôi nghe mọi người kể lại rằng: Hai tài xế xe tải này hình như là bằng tuổi nhau, cỡ gần 40 tuổi. Chính vì vậy, những người đàn ông sau này mà lảng vảng quanh ngôi miếu rất dễ bị cô hớp hồn”.
“Từ khi ngôi miếu được lập và được cho rằng đặc biệt linh thiêng với phụ nữ. Tiếng lành đồn xa, nhiều người phụ nữ ở tứ xứ tìm tới bà Thanh để cầu may mắn cho mình và cho người thân. Những phụ nữ mà đã nghe nói là ngôi miếu này linh thiêng thì chỉ đi ngang qua cũng muốn dừng lại để cầu khấn. Họ cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, thậm chí nhiều chị mê tín còn đến để “xin”... số đánh đề. Chính vì thế, vào những ngày Rằm và ngày mùng Một âm lịch hàng tháng có rất nhiều quý cô, quý bà ở khắp nơi tìm đến để xin số, cầu may…” - chị H. cho biết thêm.
Chia tay với chị H, chúng tôi tiến đến gần ngôi miếu và quan sát kỹ. Thực sự ngôi miếu không quá cũ như chúng tôi nghĩ, ngôi miếu được xây bằng xi măng bên trong còn có lọ hoa vẫn còn tươi, vài bó nhang dựng ngay bên cạnh. Bình cắm hương được đặt ở ngay chính giữa với đầy ắp những chân nhang, bên là 3 ly nước được đặt ở đằng trước và có thờ hai tấm hình, một là Quan âm bồ tát và một tấm thờ vị thần linh nào đó đã bị phai màu. Quan sát khắp ngôi miếu chúng tôi mới nhận thấy ngôi miếu đúng là không hề ghi tên tuổi hoặc ngày, tháng, năm mất của chủ nhân.
Rời ngôi miếu, chúng tôi tìm đến anh Hồ Khắc N. (41 tuổi) qua lời giới thiệu của bác tài tên Hồ. Anh N. cũng từng làm một thời gian ở nông trường cao su Suối Ngô, anh kể cho chúng tôi nghe cái ngày mà đã lâu lắm rồi anh hoàn toàn bị mất kiểm soát khi đi ngang qua miếu bà Thanh: “Cách đây 4 năm, vào một ngày cuối tuần, giữa tháng 7, ngày đó tiết trời khá là âm u, mưa rơi lất phất. Ngày đó tôi vẫn thường đi làm bằng chiếc xe máy Cup 81, trên đường đi làm về, đến đoạn có ngôi miếu, chiếc xe tự nhiên chết máy, tôi xuống dắt xe đi mà không sao dắt được, tôi có cảm giác như ai đó muốn níu kéo mình lại… Lúc đó, không có một bóng người, tôi cảm thấy người lạnh toát…
Trong khoảng thời gian 5 đến 10 phút gì đó, tôi không có nhớ gì trong khoảng thời gian đó… Thẫn thờ một lúc, tôi bừng tỉnh thì tôi với chiếc xe đã đứng ngay cạnh ngôi miếu, tôi sợ quá liền nhảy lên chiếc xe máy chạy hộc tốc được một đoạn thì chiếc xe máy nổ được, tôi không còn do dự gì, vít ga phóng thục mạng liền một mạch về tới nhà. Về tới nhà tôi vẫn không khỏi sợ hãi, ngay cả cho tới tận bây giờ khi nhắc đến cái ngày đó tôi vẫn còn sợ. Vẫn biết miếu bà Thanh là rất linh thiêng, nhưng sự việc xảy đến với mình mới thật sự tin vào điều mà bấy lâu mọi người khẳng định bà Thanh rất ghét đàn ông. Quả là một thiếu phụ khó tính!”.
Chỉ thích “bắt” đàn ông?
Anh N. cho biết thêm: “Trước đây, ngôi miếu nằm sâu bên trong và không được khang trang như bây giờ, nó cách đường quốc lộ cũng vài chục mét, đặc biệt ngôi miếu được dựng lên bằng những tấm gỗ trông rất thô sơ. Sau này, do mở rộng đường sá nên ngôi miếu mới nằm sắt đường quốc lộ và cũng chính người nhà nạn nhân đã di chuyển ngôi miếu ra chỗ khác và xây cất lên cách đây cũng đến gần 10 năm nay. Nhưng có một điều tối kị đối với ngôi miếu này là những người đàn ông lạ đi ngang qua sẽ bị giữ lại, hoặc sẽ bị tai nạn mà chết. Và sự thật là có rất nhiều nam giới bị tai nạn khi lưu thông qua đoạn đường gần khu vực ngôi miếu”.
Từ khi ngôi miếu bà Thanh được cho là linh thiêng, tiếng lành đồn xa, nhiều người dân mê tín ở tứ xứ tìm đến bà Thanh để lậy lục, xin xỏ. Họ mang rất nhiều cống phẩm như: thịt thà, hoa quả, vàng mã… đến xin lộc. Nhiều người còn chăm đến mức là hay đến quét dọn ngôi miếu để bà có thể động lòng mà cho vận may đến với họ. Thậm chí, có người còn tới đây cúng để xin số đề nữa.
Qua những lời đồn thổi, thêm thắt vô căn cứ, ngôi miếu đã trở thành một đề tài, một giai thoại cho những ai có lòng tin vào thế giới tâm linh. Đặc biệt, như chị Đặng Thị H. (45 tuổi), trú tại xã Suối Ngô khẳng định: “Phụ nữ mang thai chết là thiêng lắm. Khi bà Thanh bị tai nạn dẫn đến tử vong nhiều người dân ở xung quanh đây sợ đến nỗi chẳng ai dám đi qua nông trường cao su cả.
Qua những lời kể và chứng thực được một chuyện là một vụ tai nạn chết cũng chỉ xảy đến vì một người đàn ông nên tôi cho rằng bà Thanh chỉ thích bắt đàn ông. Có nhiều lần nhiều anh thanh niên vô tình đi ngang qua, sau một thời gian có người bị bệnh, có người bị tai nạn đến tử vong, họ cứ tưởng đi đông là bà không thể làm gì được, nhưng thật không ngờ… Nhiều năm qua, thực tế là đã có không ít nam thanh niên chết vì tai nạn giao thông ở đoạn đường gần nông trường cao su Suối Ngô.
Nhưng thực tế cho thấy, khi chúng tôi đi dọc đoạn đường có ngôi miếu đã có không ít những ổ voi, ổ gà được hình thành. Trong khi đó các loại xe ra vào đường tỉnh lộ 794 chạy với tốc độ rất nhanh mà lòng đường lại khá hẹp, nếu người đi đường chỉ cần lơ là tay lái có thể dễ gây ra tai nạn.
Chị Đặng Thị L. một người dân trú tại xã Suối Ngô chia sẻ: “Mỗi lần đi làm, đi qua đoạn đường có ngôi miếu đó tôi rất cẩn trọng, tôi không dám chạy nhanh. Vì, các tài xế xe tải, xe container chở xi măng từ nhà máy xi măng FiCo Tây Ninh chạy qua chạy lại suốt ngày mà lại chạy với tốc độ rất cao. Ngoài những xe container trên còn có rất nhiều các loại xe khác khi chạy trên đường tỉnh lộ này đều chạy với tốc độ rất lớn. Xe cộ chạy như vậy mình chạy chậm còn thấy ghê ghê huống chi là chạy nhanh, huống chi là mấy anh là đã có chút “men” trong người. Có một đoạn đường thôi không chỉ có mỗi miếu bà Thanh mà có đến hàng chục ngôi miếu được dựng lên để thờ những người bị tai nạn giao thông trên đoạn đường này. Tất cả các ngôi miếu đều được người nhà dựng lên để bày tỏ sự nhớ thương, tiếc nuối đối với những người đã khuất”.
Có lẽ, chính những điều ngẫu nhiên là hầu hết tài xế là nam, mà nhất là những người đủ tuổi mới được lái xe. Cho nên, những vụ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong tại khu vực gần miếu bà Thanh phần đa là nam. Nhưng nhiều người dân vẫn tin và khẳng định rằng miếu bà Thanh chỉ “túm gáy” những người sống là đàn ông.
Sự thật không như lời đồn thổi
Nói về những vụ tai nạn thường xảy ra trên đoạn đường từ cuối ấp 3 tới nông trường cao su Suối Ngô, ông Nguyễn Minh Sáng, Trưởng ấp 3, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: “Từ nhiều năm nay, đường tỉnh lộ 794 đoạn đi qua ấp 3 gần nông trường cao su Suối Ngô thi thoảng lại có tai nạn xảy ra. Cũng chính những vụ xảy ra trên đoạn đường có ngôi miếu bà Thanh là do hầu hết tài xế là nam nên người dân nơi đây luôn cho rằng nguyên nhân chính là do ngôi miếu thiêng chỉ bắt đàn ông. Nhưng thực tế thì những vụ tai nạn xảy ra nguyên nhân một phần đường sá chật hẹp, xấu, cộng với nguyên nhân chính là do tài xế hay uống rượu bia khi chạy xe và thường chạy với tốc độ rất nhanh nên xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc không đáng có, để lại những vết đau lòng cho người thân và gia đình”.
Theo ông Sáng, miếu bà Thanh thực tế không linh thiêng đến mức như nhiều người đồn đoán và nhất là có thể chỉ “sờ gáy” những người nam giới mà nhất là những người đã trưởng thành. Ông khẳng định, những người đã trưởng thành cơ bản là những người có đủ tuổi cầm lái, còn ngoài những vụ tai nạn xảy ra dẫn đến tử vong thì tôi chưa thấy những trường hợp nào khác xảy ra xung quanh đó. Cho nên, miếu bà Thanh không linh thiêng hay biết bắt người này, người nọ như lời đồn đoán của một số người.
Hiện nay, người dân khắp nơi dù là nam hay nữ vẫn có thể qua lại đoạn đường gần ngôi miếu bình thường mà chẳng có chuyện gì. Có thể do chủ nhân của ngôi miếu chết lúc còn trẻ tuổi nên nhiều người họ động lòng thương trước cái chết bi thảm, quanh năm hương lạnh khói tàn, không người chăm sóc nên người dân địa phương mới họp bàn với nhau thay nhau chăm nom quét dọn thắp hương cho ngôi miếu. Tất cả những việc làm của người dân cũng xuất phát từ cái tâm là chính.
Cũng chính vì thế mà miếu bà Thanh vẫn có nhiều câu chuyện hoang đường khiến cho nhiều người nhẹ dạ cả tin vẫn tìm về đây để thắp hương, cúng vái.
Theo ANTĐ