Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần 5 dù đã kết thúc thế nhưng nhiều đoàn đến từ các nước Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ... còn lưu lại vài ngày để tìm hiểu, nghiên cứu thêm võ cổ truyền Bình Định và luyện võ thuật trên bãi biển TP Quy Nhơn.
Nữ võ sư Helene biểu diễn thế võ "Thân thiên hoàng cước" bên bãi biển Quy Nhơn. "Tôi thích môn phái Tráng sĩ đạo, võ cổ truyền Việt Nam vì nó sinh động, uyển chuyển linh hoạt mang lại sức khỏe, niềm lạc quan yêu đời, hiếm có môn phái nào có được", nữ võ sư nói.
Võ sư Pierre (Bỉ) biểu diễn thế ngũ trảo của môn phái Tráng sĩ đạo.
Võ sinh Leon bay lộn trên bãi biển Quy Nhơn. "Trở về nước không chỉ giới thiệu bạn bè về hình ảnh Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, em còn kể cho mọi người ở Bỉ về những giây phút nhào lộn thoải mái trên bãi biển Quy Nhơn xinh đẹp, về vị tổ sư Hoàng đế Quang Trung...", Leon thổ lộ.
Võ sư Đồng Văn Hùng biểu diễn thế võ "Thăng Long cước" xé toạc sóng biển. Học võ từ cổ truyền Tây Sơn Bình Định từ nhỏ, đến năm 18 tuổi ông Hùng sang Bỉ sinh sống, bắt đầu hành trình giới thiệu võ đạo Việt Nam. Hiện tại môn phái Tráng sĩ đạo của ông đã mở rộng 12 chi nhánh các nước Bỉ, Pháp, Hà Lan đào tạo hàng nghìn võ sư, võ sinh về môn võ cổ truyền Việt Nam. Hiện tại hai con trai của ông là Đồng Nam Linh (27 tuổi) và Đồng Minh Giang (24 tuổi) đã trở thành võ sư nối nghiệp truyền dạy võ cổ truyền dân tộc tại các trường đại học, trung tâm huấn luyện ở Bỉ.
Các võ sinh quốc tế nhào lộn đẹp mắt trên bãi biển Quy Nhơn. Theo võ sư Hùng, về bái tổ Hoàng đế Quang Trung, giao lưu võ thuật tại các võ đường tại Bình Định, bạn bè quốc tế càng thấu hiểu sâu sắc, thán phục võ cổ truyền Việt Nam có sức sống mạnh mẽ, hàm chứa giá trị nhân văn cao đẹp của một dân tộc thượng võ.
Võ sư Hà Trọng Vỹ biểu diễn thế võ Trường đại đao độc đáo của môn phái Việt Nam võ đạo Tây Sơn Bình Định. Hiện tại Trung tâm UNESSCO phát triển Văn hóa và Thể thao tại TP.HCM đã lập Ban Nghiên cứu bảo tồn và phát triển võ dân tộc Bình Định Việt Nam.
Hai võ sinh song luyện binh khí giao đấu trường đại đao và ô long kích. Ông Hà Trọng Khánh, Chưởng môn phái Việt Nam võ đạo Tây Sơn Bình Định cho hay, ông đang tập hợp các tư liệu, hình ảnh về phân thế, các bài quyền,video,clip những bài quyền đặc thù, bí kíp võ học của từng môn phái võ cổ truyền Bình Định nhằm phục vụ nghiên cứu, bảo tồn truyền lại cho thế hệ mai sau. Võ sư Khánh ao ước, trong tương lai gần, võ cổ truyền Bình Định trở thành di sản văn hóa võ học phi vật thể của nhân loại.
Các võ sư thuộc môn phái Tinh võ đạo (Pháp) biểu diễn. Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ, Chưởng môn phái Tinh võ đạo trăn trở, mặc dù bạn bè khắp nơi trên thế giới thán phục, mê mẩn, theo học từ lâu thế nhưng hiện nay võ cổ truyền Việt Nam mới dừng lại là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chứ chưa trở thành "quốc võ". Đây là điều mà Chính phủ, các bộ ngành Việt Nam cần lưu tâm bàn bạc thời gian tới.
Cậu bé Emannel (5 tuổi, Bỉ) hồn nhiên trong một thế võ cổ truyền Việt Nam. Cố nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Liễn từng nhận định, võ thuật Bình Định không chỉ đơn thuần là một môn phái, một cái nôi của võ thuật, mà là tinh hoa của một nền văn hóa. Ngày xưa, người Bình Định học võ để thông qua đó học chữ, học làm người. Cứ đêm đêm sáng trăng những ngôi làng ven sông đều đầy người luyện võ. Để đạt đến đẳng cấp thượng thừa, võ sinh phải nghiên cứu sách thánh hiền, những bí kíp võ công được gìn giữ trong từng ngôi làng... Chính điều này đã hấp dẫn bạn bè khắp năm châu theo đuổi, mê võ cổ truyền dân tộc Việt Nam. |
Theo Seatimes