Khai báo y tế với hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch - Ảnh: Thúy Anh |
Tuyên bố này được đưa ra sau hai ngày triệu tập đặc biệt ủy ban của WHO về Quy định tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ). Tính đến nay, dịch Ebola đã làm gần 1.000 người tử vong tại khu vực Tây Phi. WHO đánh giá đây là nạn dịch nghiêm trọng nhất trong vòng 4 thập niên qua trên thế giới. Tổ chức này cũng khẳng định cần phải lập kế hoạch phối hợp chống dịch quy mô quốc tế để tránh nguy cơ vi rút Ebola tiếp tục lây lan.
Theo Tổng giám đốc WHO Maragaret Chang, 4 quốc gia đang bị dịch là Libera, Sierra Leone, Guinea và Nigeria không đủ khả năng tự đối phó mà cần sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế. Hiện WHO vẫn chưa ra khuyến cáo hạn chế du lịch, giao thương với 4 quốc gia nói trên nhưng cảnh báo chính phủ các nước phải chuẩn bị sẵn sàng để phát hiện và xử lý các ca nhiễm vi rút Ebola.
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, trong những ngày qua, Liberia và Sierra Leone đã lần lượt tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hôm qua, quân đội Liberia đã nhận lệnh hạn chế giao thông và kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ vào thủ đô Monrovia. Nhiều biện pháp phòng dịch cũng được áp dụng tại Sierra Leone như: đóng cửa các hộp đêm, rạp chiếu phim…
Ngày 8/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã nới lỏng một phần quyết định tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng đối với huyết thanh trị Ebola có tên TKM-Ebola của hãng dược Tekmira (Canada), theo AFP.
Theo thông cáo của hãng Tekmira, huyết thanh này chưa từng được thử nghiệm trên người nhưng các thí nghiệm trên khỉ cho thấy hiệu quả 100%. Quyết định của FDA có thể giúp hãng này cung cấp TKM-Ebola để điều trị cho một số bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola ở Tây Phi. Tuy nhiên, việc sử dụng dược phẩm còn trong quá trình nghiên cứu cũng đang là vấn đề gây tranh cãi trong chiến dịch phòng chống dịch Ebola.
Ngày 8/8, Cục Hàng không VN đã ban hành chỉ thị tăng cường giám sát, phòng chống dịch Ebola qua đường hàng không. Cục trưởng Cục Hàng không VN yêu cầu các đơn vị, các cảng vụ hàng không, cảng hàng không quốc tế và các hãng hàng không phối hợp chặt chẽ với kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh lây nhiễm qua đường hàng không. Giám sát chặt chẽ hành khách từ vùng có dịch vào VN, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi vấn để cách ly, theo dõi gửi bệnh viện điều trị…
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao hạn chế cử cán bộ đi đến các quốc gia đang có dịch Ebola; thông tin kịp thời cho Bộ Y tế về khách nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch bệnh để có các biện pháp chủ động phòng dịch bệnh.
Theo tờ The Philippine Star, Bộ Y tế Philippines khẳng định 7 công nhân nước này trở về từ Sierra Leone trong thời gian 26/6 - 15/7 vẫn khỏe và chưa thể hiện bất kỳ triệu chứng nào của vi rút Ebola. Tuy nhiên, giới chức Philippines vẫn đang theo dõi 7 người này liên tục do Ebola thường có thời gian ủ bệnh là 30 ngày. Bênh cạnh đó, linh mục Miguel Pajares, 75 tuổi, trở thành người châu Âu đầu tiên nhiễm Ebola trong lúc hoạt động điều trị tình nguyện cho các bệnh nhân ở Liberia, theo tờ The Telegraph. Hiện ông Pajares đã được đưa trở về Tây Ban Nha để chữa trị. |
Theo Thanh Niên