Chim đại bàng có đôi mắt rực sáng, bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc như dao nhọn, có khả năng lao nhanh như tên bắn, là nỗi khiếp đảm của các loài chim trời, rắn và những loài thú nhỏ như chồn, thỏ, chuột, sóc.
Chơi vì mê vẻ hùng dũng của chim săn
Chim săn mồi, trong đó có đại bàng vốn được coi biểu tượng của quyền lực, thú chơi chim săn là môn thể thao đã xuất hiện trên thế giới khoảng 40 năm nay và chỉ mới du nhập vào Việt Nam khoảng vài năm gần đây.
Chơi chim cảnh từ năm lớp 4 và mê chim săn từ khi lên lớp 12, hai anh em sinh đôi Nguyễn Nhật Anh và Nguyễn Việt Anh (Q7, TP.HCM) giờ đã trở thành thủ lĩnh của một câu lạc bộ chơi và huấn luyên chim săn tại TP.HCM - Saigon Falconry Club...
Hai chàng trai sinh năm 1991, hiện đang sở hữu 3 chú đại bàng, gồm một con dòng Đông Hoàng Đế (còn gọi là Đại bàng đầu nâu), một Đại bàng ưng (Changeable Hawk Eagle) và một Đại bàng thảo nguyên (Booted Eagle). Riêng con đại bàng ưng, đã có thể đi săn được, từng là “khách mời” trong MV ca nhạc của nhóm 365 hay nhiều CLB, hội nhóm ô tô, xế hộp khác.
Chia sẻ về thú vui đã trở thành đam mê của mình, Việt Anh cho biết, chơi chim săn quan trọng là đam mê và cái tâm, phải biết yêu động vật, bảo vệ thiên nhiên, tuyệt đối không có chuyện nuôi rồi bán để làm thịt hay để ngâm rượu, làm thuốc.
“Có một điểm đặc biệt ở đây là quan hệ giữa người chơi và đại bàng không phải là quan hệ chủ tớ như chơi chim cảnh hay chó, mèo mà đó là quan hệ đối tác. Đại bàng rất “chảnh”, không phải ai cũng có thể cầm hay tiếp xúc được, hai bên cần phải hiểu nhau hoặc có một sự đồng điệu nhất định nào đấy”, Anh chia sẻ.
Đại bàng thảo nguyên Booted Eagle.
Ngoài theo đuổi đam mê bên cạnh những thú vui bạn bè khác, hai anh em Việt Anh và Nhật Anh cũng tự đi làm thêm rất nhiều nơi, rất nhiều việc khác nhau, từ quán café cho đến khách sạn 5 sao để kiếm tiền.
Để có thể sở hữu một con chim săn, chưa nói đến đại bàng, người chơi cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực nuôi và huấn luyện chim săn, có khả năng tài chính, đủ quỹ thời gian và biết tự tìm hiểu, tự học hỏi. Tuyệt đối không đem chim về nhà trước khi trang bị đủ những phụ kiện tối thiểu, càng không có chuyện mua chim về làm thịt hay trao đổi mang tính chất con buôn.
Nhật Anh nói: “Thực ra thì những người chơi chim săn thường là đã có sự ổn định nhất định về kinh tế. Có rất nhiều bạn trẻ đến với CLB nhưng chỉ một thời gian là tự rút lui vì không đủ đam mê cũng như thời gian và tiền bạc”.
Phần thưởng sau khi bay - Đại bàng ưng Changable.
Thú chơi đầy tốn kém
Khi hỏi về cái mất lớn nhất khi đam mê thú chơi chim săn này, Việt Anh gần như không ngập ngừng trả lời: “Phải gọi là tốn kém mới đúng. Tốn tiền, tốn công, tốn thời gian. Và cái mất cũng là thời gian”.
Anh cũng cho biết, ở Mỹ, muốn nuôi một con chim săn, người chơi cần ít nhất hai năm được đào tạo về chăm sóc và huấn luyện chim. Chỉ những người có bằng Master về huấn luyện chim mới có quyền được sở hữu một con chim đại bàng. Ở Việt Nam không có những quy định như thế về nuôi chim săn, vì thế cho nên, câu lạc bộ là tự phát nhưng vẫn có những quy định bất thành văn cho thành viên muốn gia nhập.
Đại bàng ưng một năm tuổi của anh em Việt Anh.
Để có thể nuôi và thực hiện huấn luyện cho một con chim săn, người chơi cần trang bị rất nhiều dụng cụ. Sơ lược có khoảng 12 món đồ cho một tay chơi chuyên nghiệp, có thể kể đến như: Găng tay da 3 lớp, bộ dây buộc chân, bộ chụp móng vuốt chim, mồi giả, cân điện tử, còi, thiết bị định vị… Giá mỗi món cũng dao động trong khoảng vài trăm đến vài triệu đồng.
Đắt đỏ nhất có lẽ là thiết bị định vị GPS, dụng cụ này giúp người chơi xác định được vị trí bay của đại bàng ở trên không trong khi đang huấn luyện hoặc thả chim đi săn và để phát tín hiệu cho chim bay về. Khoảng cách để định vị của thiết bị này có bán kính độ 80km. Do ở Việt Nam không sản xuất nên hầu hết người chơi phải mua hàng từ nước ngoài, giá mỗi sản phẩm lên đến 16 triệu đồng.
Nhiều người đam mê loài chim săn mồi này luôn mang theo "thú cưng" đi bất cứ đâu.
Phần thưởng cho chú chim sau một ngày huấn luyện.
Giá của một con đại bàng cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như chủng loại, số tuổi, những con đại bàng già tuổi, có dáng đẹp, màu lông chuẩn thì có thể lên tới hàng chục triệu đồng một con. Những chú đại bàng con 1 - 2 tuần tuổi thường có giá 1,2 - 1,5 triệu/con. Dòng đại bàng ưng trên dưới một năm tuổi có giá từ 3,5 - 10 triệu đồng.
Ngoài ra, đại bàng trống bao giờ cũng đắt và quý hơn những con đại bàng mái, bởi lí do người ta mê thú chơi này cũng vì cái dáng to lớn, oai vệ, hùng dũng của đại bàng, về điểm này, con trống bao giờ cũng vượt trội hơn. Một con đại bàng trưởng thành có thể đạt từ 4 - 5kg, sải cánh có thể rộng đến 1m.
Đối với loài chim bay lượn nhiều, việc bổ sung canxi để tạo khung xương và đôi cánh vững chắc là vô cùng quan trọng. Thức ăn của những loại chim săn này thường là thịt, đặc biệt là những loại thịt có xương như chim cút, bồ câu, chim sẻ, thỏ, chuột đồng… Tuy nhiên lại hạn chế các loại thịt nhiều mỡ, đạm như thịt heo, không được cho đại bàng ăn đồ lạnh hay đồ ôi thiu vì chim sẽ bị tiêu chảy.
Đại bàng ưng.
Mối lo lớn nhất của dân chơi đại bàng là căn bệnh lở miệng bởi khi vết lở ăn sâu vào trong xương, chim sẽ chết vì đói. Trong khi đó, ở Việt Nam gần như không có bác sĩ thú y chuyên trị bệnh cho chim. Theo kinh nghiệm của Việt Anh, để ngăn tình trạng đại bàng lở miệng thì khi đại bàng ăn xong, phải nhanh chóng dùng bình xịt rửa sạch miệng và chân cho chúng.
Khi được hỏi về vấn đề pháp luật trong chơi chim săn, 2 anh em cũng chia sẻ: “Nhiều người vẫn cho rằng, chơi đại bàng là trái pháp luật. Vì khi nghĩ đến đại bàng là trong đầu đã nghĩ ngay đến cụm từ “động vật quý hiếm”. Thực tế thì những loại chim săn hay đại bàng mà anh em trong câu lạc bộ sở hữu cũng chỉ là đại bàng loại thường".
Theo Trí thức trẻ