Tiếng ồn cũng là một dạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hồng Thái
Những nạn nhân bất đắc dĩ
Nhà bác Năm ở mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM. Khoảng một năm nay, giấc ngủ của bác không còn được đầy đủ như trước.
Lúc đầu bác chỉ bị đánh thức quá sớm (có hôm mới 3 giờ 30 sáng) do tiếng quét của chổi tre, tiếng xe chở bàn ghế, bếp, nồi niêu, chưa kể sáng nào cũng hít phải hơi than khi hẻm sau nhà xuất hiện một hàng phở. Mấy tháng gần đây, một gia đình khác ở hẻm này cho thuê làm trạm trung chuyển đá lạnh cục. Ôtô chở đá chuyến cuối cùng khoảng 12 giờ đêm, nên đêm nào cũng có tiếng động cơ, tiếng ném bao đá bình bịch, tiếng người nói chuyện…
Trước kia tiếng ồn của hàng phở đã làm cho bác Năm rất khó chịu, giờ tiếng ồn của nhà trung chuyển đá còn khủng khiếp hơn nhiều. Mới 4 giờ sáng tiếng xe máy chở đá đi các nơi thi nhau rồ máy. Như vậy, một đêm bác chỉ còn ngủ được bốn tiếng. Không chỉ bác Năm là nạn nhân. Nhiều người, nhất là trẻ nhỏ, người già, bị tiếng ồn từ xe cộ, tiếng nhạc ầm ĩ của láng giềng… tra tấn. Già thì trằn trọc không ngủ được, trẻ có lúc giật mình khóc thét.
Tác hại của tiếng ồn
Tiếng ồn gây ra nhiều tác hại như đau tai, nghe kém, ù tai; khó chịu bực bội trong lòng; rối loạn hành vi xã hội như gây gổ, chống đối, cảm thấy bất lực; khó khăn khi giao tiếp; rối loạn giấc ngủ với hậu quả lâu dài; tác hại tim mạch; tăng sản xuất hormone, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, sự tiêu hoá và ngay cả việc học của trẻ em, việc làm của người lớn. Các ảnh hưởng này có thể xảy ra âm thầm, từ từ hoặc tức thì, tuỳ theo cường độ tiếng ồn và thời gian tiếp xúc.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngưỡng tiếng ồn cho phép là: trong môi trường nghỉ ngơi, độ ồn thường xuyên (âm nền) không quá 40dB; trong môi trường sinh hoạt, âm nền không quá 60dB; môi trường sản xuất, âm nền không quá 80dB. Nếu độ ồn cao hơn, thời gian tiếp xúc phải giảm.
Trên trang web của viện Quốc gia về điếc và những rối loạn trong giao tiếp của Mỹ có viết: “Mọi người ở mọi lứa tuổi, bao gồm trẻ nhỏ, thiếu niên, thanh niên và người già đều có thể bị điếc do tiếng ồn. Khoảng 15% người Mỹ từ 20 - 69 tuổi (26 triệu người Mỹ) bị mất thính giác tần số cao có thể do tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc tiếng ồn tại nơi làm việc hoặc trong các hoạt động lúc rảnh rang.
Các hoạt động lặp đi lặp lại có nguy cơ gây điếc do tiếng ồn, bao gồm săn bắn, lái xe trượt tuyết có động cơ, nghề mộc và các trò yêu thích khác như chơi bóng, tham dự các buổi nhạc rock. Các tiếng ồn gây hại ở nhà có thể từ máy giặt, máy cắt cỏ và các dụng cụ cửa hàng”. Mới đây, liên đoàn Thuỵ Sĩ về chống tiếng ồn và hiệp hội Các bác sĩ bảo vệ môi trường Thuỵ Sĩ (Cercle Bruit) cũng cảnh báo những người thường xuyên nghe nhạc trong thời gian dài mỗi ngày có nguy cơ mất khả năng giao tiếp với xã hội.
Làm sao tránh tiếng ồn?
Điếc do tiếng ồn hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tất cả mọi người cần phải hiểu các mối nguy hiểm từ tiếng ồn và làm sao để có thể nghe tốt mỗi ngày
Để bảo vệ sức nghe của bạn, nên tuân theo những chỉ dẫn sau đây: nhận thức được những tiếng ồn có thể gây tổn hại (những âm thanh ≥ 85dB). Mang nút tai chống tiếng ồn hoặc những phương tiện bảo vệ sức nghe khác khi tham gia hoạt động trong môi trường có tiếng nổ lớn (có thể mua nút tai, hoặc chụp tai chống tiếng ồn ở cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động, cửa hàng thể thao).
Hãy báo động đối với những tiếng ồn gây hại trong môi trường. Hãy bảo vệ tai của trẻ em, bởi trẻ quá nhỏ không biết tự bảo vệ tai mình.
Hãy cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp biết về những mối nguy của tiếng ồn.
Nếu bạn nghi ngờ bị mất sức nghe, hãy đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng kiểm tra và làm các test nghe bởi một nhà thính học. Người dân trong khu phố mà trước hết các hội, đoàn thể, cần nhắc nhở mọi người giữ yên lặng để không làm phiền người khác.
Nhà nước cũng cần ban hành những quy định nghiêm ngặt khi cấp phép kinh doanh, sản xuất để tránh làm ảnh hưởng người dân sống gần đó.
Theo Dantri