PV trò chuyện cùng TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Trịnh Ngọc Thạch nói: Thi công chức hình thức có vẻ công khai với xã hội, nhưng bên trong vẫn có chuyện muốn tuyển ai thì tuyển. Vừa rồi Bộ Công Thương và mấy nơi chưa thi đã biết ai đỗ rồi. Thậm chí, ứng viên vào dự thi còn biết trước đề, vào thi cứ thế chép ra thôi.
Đừng quá chú trọng lý lịch, bằng cấp
Những kỳ thi tuyển công chức có tiêu cực như thế đã gây bức xúc dư luận. Có lần một cán bộ TP Hà Nội còn nói rằng “chạy” công chức 100 triệu đồng là xong?
Vì người ta không cần tuyển đúng người, đúng việc. Lẽ ra phải mô tả vị trí công việc, tiêu chuẩn tuyển dụng, rồi tìm ứng viên phù hợp. Phải công khai những nội dung đó, nhưng họ lại không công khai.
Thi công chức hiện nay rất bất cập. Nhiều nơi ưu tiên hồ sơ, bằng cấp cao, điều kiện nọ kia. Phải đổi mới từ gốc, nếu không thì dù có công khai minh bạch đến mấy cũng không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
Thi đỗ nhưng vào không làm được việc. Đổi mới là phải tìm người đáp ứng được yêu cầu công việc, làm được việc chứ không phải lý lịch đẹp, bằng cấp đẹp, tuyển cho đủ chỉ tiêu biên chế.
Nhưng tôi thấy ngạc nhiên, các nơi đều làm đúng theo quy định về thi tuyển công chức hiện nay của Chính phủ. Tức là họ làm đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ, nhưng vẫn không tuyển được cán bộ tốt.
Chắc những nơi đó chưa thực sự vì công việc chung mà vì việc khác, vì người thân; vì chỗ ngồi làm việc chứ không vì công việc. Tư tưởng chọn người như vậy là sai, phải thay đổi cái đó mạnh hơn.
Lâu nay nhiều ĐBQH cũng phàn nàn là thi tuyển công chức có nhiều tiêu cực: Tuyển thân quen, con ông cháu cha, vấn nạn chạy chọt vẫn xảy ra và ngày càng nhiều hơn?
Phải bắt đầu ngay từ người tuyển dụng - từ ông thủ trưởng đơn vị ấy. Cũng thủ trưởng, có ông lấy người tốt, làm được việc và người ta công khai, minh bạch. Nhưng có người thì không làm như vậy.
Vấn đề là do nhận thức của người được nhà nước ủy quyền, ông ấy có cần người làm được việc không hay là cần cái khác? Anh vì cơ quan hay vì cá nhân anh - Đấy mới là cái quan trọng, còn quy chế nào cũng có kẽ hở, lách được hết.
Có thanh tra vẫn tiêu cực
Để kỳ thi tuyển công chức công bằng khách quan, bên cạnh hội đồng tuyển dụng tốt, cần có một cơ chế giám sát tốt, thưa ông?
Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TTN và NĐ Quốc hội
Hội đồng đã có rồi, giám sát cũng có, có cả lực lượng thanh tra, kiểm tra. Nhưng nếu mà họ cùng một cánh với nhau thì tiêu cực vẫn hoàn tiêu cực. Vì ông cao nhất ông ấy chỉ đạo thì thanh tra sẽ bị vô hiệu hóa, sẽ nghe theo ông ấy hết.
Vừa rồi, tiêu cực ở Bộ Công Thương là do báo chí phát hiện, phanh phui, chứ bên trong người ta còn muốn giấu đi. Thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan có đủ ban bệ, nhưng không làm được mà cần đến giám sát của báo chí, truyền thông.
Có nơi ông thủ trưởng to lắm, bảo cái gì thanh tra phải nghe cái ấy vì quyền ông ấy nắm hết. Các đơn vị sự nghiệp công lập đỡ hơn, vì người ta phải tự lo, tự đảm bảo kinh phí, vị trí việc làm, cho nên phải tuyển người tốt. Nhưng các cơ quan hành chính nhà nước, các bộ ngành, địa phương vì còn bao cấp nên còn tình trạng ấy.
Vậy một hội đồng thi tuyển độc lập bao gồm các nhà khoa học, nhà chuyên môn không dính dáng đến cơ quan tuyển dụng - có hạn chế được tiêu cực?
Độc lập cũng có cái khó, vì chỉ người tuyển dụng mới biết được ai là người làm được việc cho họ. Cho nên cần phải có một cơ chế độc lập giám sát sự khách quan trong thi cử.
Còn nội dung chuyên môn thì anh khó mà nắm được. Vấn đề vẫn là ở hội đồng tuyển dụng của cơ quan/bộ ngành ấy thôi. Nhưng anh phải thực sự công tâm, thực sự vì công việc chung, chứ không vì cá nhân anh.
Hiện nay thi công chức còn rất hình thức, bao nhiêu vị trí mà thi gần như nhau (Ngoại ngữ, Tin học, Luật Cán bộ công chức). Như vậy sẽ khó tuyển được người phù hợp với chức danh cụ thể?
Đúng là bây giờ tuyển dụng còn rất hình thức, bao nhiêu vị trí mà chỉ có một cái đề chung. Vì vậy, cán bộ trúng tuyển phải đào tạo từ đầu đến cuối, rất lãng phí.
Có người bằng cấp không sử dụng đến, học một đằng làm một nẻo. Vì chỗ nào có biên chế là nhảy vào thi rồi sau mới đi đào tạo lại. Thi tuyển như thế chỉ cần đáp ứng đúng yêu cầu, thân quen là đỗ; cho nên không bao giờ tuyển được người cần cho công việc, người có tài thực sự.
Điện thoại, thư tay chi phối
Có ý kiến cho rằng thi tuyển công chức không chỉ có chạy chọt mà còn bị thư tay, điện thoại chi phối, thậm chí cho trợ lý xuống gây sức ép?
Vấn đề là do nhận thức của người được nhà nước ủy quyền, ông ấy có cần người làm được việc không hay là cần cái khác? Anh vì cơ quan hay vì cá nhân anh - Đấy mới là cái quan trọng, còn quy chế nào cũng có kẽ hở, lách được hết. Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TTN và NĐ Quốc hội |
Cái này thì ở đâu cũng có. Nộp đơn công khai, nhưng khi tuyển có những kênh khác là thư tay, điện thoại và bao nhiêu tiêu cực chi phối.
Đây đang là vấn đề bức xúc, rất khó khắc phục. Cơ chế bao cấp, cho người ta một khoản kinh phí, một quỹ lương, để người ta muốn tuyển ai cũng được thì chết. Phải thay đổi, khoán người, khoán tiền, khoán việc. Tuyển người không làm được anh phải chịu trách nhiệm.
Lúc ấy người ta mới chịu tuyển người tốt. Bao cấp xin - cho còn nặng nề thì còn tiêu cực. Giao quyền quá lớn, giao biên chế quá lớn, người ta sẽ lộng quyền, lạm quyền. Của chùa xin được cứ xin. Vì xin được nên cho ai là quyền của người ta.
Nhưng đã là thi tuyển thì phải công bằng, phải có giám sát. Không lẽ chúng ta bó tay với tiêu cực trong thi tuyển công chức, thưa ông?
Nhiều nước cũng thi tuyển công chức, nhưng mà tiêu cực ít lắm. Họ có bộ trắc nghiệm rất khách quan, họ tuyển người thông qua máy móc chứ không phải chỉ có hội đồng. Hội đồng tuyển dụng của người ta hoàn toàn khách quan, vì công việc. Không làm việc được là loại ngay.
Khâu tuyển dụng phải chuẩn từ đầu còn mình thì tuyển vào biên chế rồi sẽ rất khó loại ra.
Chúng ta phải nhìn nhận lại cách làm để đổi mới tư duy quản lý. Khâu giám sát phải thực chất hơn, chứ hiện nay lực lượng này chưa có phát hiện gì để đảm bảo khách quan trong thi cử. Các thiết chế giám sát của ta chưa phát hiện được tiêu cực, vi phạm, mà chủ yếu là “bảo vệ” cho kỳ thi tuyển ấy thôi.
Cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong