Ly kỳ chuyện thần linh trao năng lực… đốt lưỡi? - Kỳ 2: Thần linh truyền dạy thuật đốt lưỡi

Thứ sáu, 14/11/2014, 07:17
Theo cụ Ngán, việc chọn truyền nhân thuật liếm lưỡi cày nung đỏ là bởi… thần linh.

Lần thứ 3 vào bản Phìn Sư của người Cờ Lao trên lưng đỉnh Tây Côn Lĩnh (Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang), chúng tôi mới gặp được thầy cúng Min Phà Xoàn, người có công năng đặc dị, với chiếc lưỡi kỳ lạ, mà theo lời đồn thì… đốt không cháy.

Thầy cúng Min Phà Xoàn khá trẻ, mới 38 tuổi. Vợ hơn Xoàn 2 tuổi. Vợ chồng thầy cúng đã có 4 người con. Cô con gái cả đã lấy chồng năm ngoái và Xoàn đã lên chức ông ngoại.

Thầy cúng Min Phà Xoàn đang đun nước pha trà, thì có một cụ già, quắt queo, lụ khụ đi vào trong nhà. Ông cụ rụng hết răng, móm mém, không nói được tiếng Kinh, nên Xoàn phiên dịch cho ông cụ.

Thầy cúng Xoàn cho biết, ông cụ tên là Chảo Xử Ngán, hiện 82 tuổi, là người sống lâu nhất bản Phìn Sư. Mặc dù là thầy cúng, làm được nhiều việc đặc biệt, nhưng mọi chuyện về người Cờ Lao, thì cụ Ngán nắm rõ hơn cả Xoàn.

Ly kỳ chuyện thần linh trao năng lực… đốt lưỡi?
Thầy cúng Xoàn liếm chiếc dao nung đỏ rực mà không bỏng lưỡi.

Theo cụ Ngán, người Cờ Lao vốn ở bên Trung Quốc, di cư sang núi Tây Côn Lĩnh mới được 16 đời, cách nay chừng 200 năm. Người Cờ Lao sống tập trung đông nhất ở bản Phìn Sư và xã Túng Sán. Ở nơi khác cũng có người Cờ Lao, nhưng rất ít.

Mỗi cộng đồng người Cờ Lao thường có ít nhất một thầy cúng, nhiều thì có 2-3 người. Thầy cúng thường do cha ông truyền lại, cũng có thể tự học được từ một thầy cúng có uy tín trong cộng đồng.

Theo cụ Chảo Xử Ngán, mặc dù bản Phìn Sư lúc nào cũng có 3 – 4 thầy cúng, nhưng không phải ai cũng liếm được lưỡi cày nung đỏ và không phải thời kỳ nào cũng có.

Ngày xưa, trong bản cũng có một thầy cúng, là Min Phà Khoa liếm được lưỡi cày nung đỏ. Tuy nhiên, ông Khoa đã chết cách đây 30 năm.

Trước thầy cúng Khoa, thì có thầy cúng Sử, cũng có khả năng liếm được lưỡi cày. Chính cụ Ngán được tận mắt nhiều lần hai thầy cúng này liếm lưỡi cày cháy xèo xèo trong buổi cúng vua Hoàng Vần Thùng và trong các nghi lễ chữa bệnh.

Ly kỳ chuyện thần linh trao năng lực… đốt lưỡi?
Liếm lưỡi cày nung đỏ.

Tuy nhiên, từ ngày thầy cúng Khoa chết, thì không thấy ai có tài năng kỳ lạ đó nữa, cho đến một hôm, vào năm ngoái, thì Min Phà Xoàn xuất hiện khả năng kỳ lạ này.

Theo cụ Ngán, các thầy cúng cũng không chọn được truyền nhân, đệ tử để dạy thuật liếm lưỡi cày nung đỏ, mà việc lựa chọn là bởi… thần linh.

Vị thần quan trọng của người Cờ Lao có tên họ hẳn hoi là Lu Pán Sứ Phú. Vị thần này cai quản rừng già, trông nom toàn diện cuộc sống của người Cờ Lao. Người Cờ Lao làm bất cứ việc gì, từ to đến nhỏ, đều phải xin Lu Pán Sứ Phú.

Chẳng hạn, nếu người Cờ Lao muốn vào rừng chặt cây làm nhà, hoặc đóng quan tài, thì phải đến gốc cây đó cúng bái, xin Lu Pán Sứ Phú, nhờ vị thần bảo hộ.

Thầy cúng sẽ gieo quẻ xem vị thần có đồng ý không, rồi mới đốn hạ cây. Nếu vị thần đồng ý, thì được chặt cây làm nhà, nếu thần không đồng ý, hoặc không xin, thì chặt đổ cây cây sẽ biến mất, xây nhà nhà sẽ tự đổ.

Ly kỳ chuyện thần linh trao năng lực… đốt lưỡi?
Phải vùi lưỡi cày trong bếp cả tiếng mới đủ độ nóng.

Vị thần Lu Pán Sứ Phú đã mất nhiều năm lựa chọn, mới tìm được thầy cúng có tâm và tài như Min Phà Xoàn để truyền cho năng lực đặc biệt, khiến lửa đốt không cháy, lưỡi cày nung đỏ không làm bỏng mồm miệng.

Nghe xong cụ Chảo Xử Ngán kể chuyện, thầy cúng Min Phà Xoàn mới tiếp: “Bố mình cũng là thầy cúng, nhưng bố mình không liếm được lưỡi cày, vì thần Lu Pán Sứ Phú không chọn.

Ngày mình đang được bố dạy thì thầy cúng Sú Cửa Sẩu đến nói với bố mình rằng, sau này, mình sẽ liếm được lưỡi cày, đuổi được tà ma. Bố mình nhìn mình cũng gật đầu xác nhận như vậy. Mình cũng không để ý chuyện này đâu. Không ngờ cụ Sẩu nói đúng thật.

Tiếc là cụ Sẩu đã chết năm ngoái, không được thấy lời tiên đoán của cụ đã thành sự thật. Bố mình thì mất hồi 40 tuổi, cách nay gần 20 năm rồi”.

Theo thầy cúng Min Phà Xoàn, đúng hôm cụ Sẩu chết, hồi giữa năm ngoái, thì anh có giấc mơ lạ. Trong mơ, anh nghe tiếng gọi từ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, nên anh cứ đi vào rừng. Anh gặp thần Lu Pán Sứ Phú đứng dưới cây ngọc am và bảo truyền cho mình năng lực liếm lưỡi cày mà không bị bỏng.

Tin rằng vị thần đã đi vào giấc mơ, trao cho năng lực, nên ngay sáng hôm sau, Min Phà Xoàn bốc nắm than đỏ trong bếp, mà không thấy bỏng tay.

Ly kỳ chuyện thần linh trao năng lực… đốt lưỡi?
Trước khi liếm lưỡi cày phải xin phép thần linh.

Anh đem chiếc lưỡi cày ở góc nhà xục vào than đỏ. Hai tay nhấc lưỡi cày nóng bỏng ra, vợ con nhìn thất kinh, khóc rú lên, nhưng Min Phà Xoàn từ từ đi lại phía bàn thờ, đọc một tràng từ ngữ lạ lùng. Cứ đọc được một câu, anh lại liếm vào lưỡi cày một cái. Anh cứ làm như thế, cho đến khi lưỡi cày hết nóng, không còn đốt lưỡi cháy xèo xèo nữa.

Liếm lưỡi cày xong, rời khỏi ban thờ, Min Phà Xoàn bỗng giật mình tỉnh lại. Anh bảo với vợ con rằng, mọi hành động của anh như vô thức, cứ như thể có ai đó nhập vào mình, dẫn dắt mình đi làm việc đó, mà không thể nào cưỡng lại được.

Điều lạ lùng nữa, là những câu thần chú đọc trong lúc liếm lưỡi cày in vào trong óc anh, anh thuộc làu làu, mà không biết đã từng đọc ở đâu, không có ai chỉ dạy.

Sau lần hành động kỳ quái ấy, nhìn thấy lửa, hay những thứ cháy đỏ rực, Min Phà Xoàn không thấy sợ, thậm chí còn thấy hứng thú.

Các cụ già Cờ Lao trong bản Phìn Sư kéo đến nhà Min Phà Xoàn chúc mừng anh, vì đã được vị thần Lu Pán Sứ Phú giao cho trọng trách chăm sóc đời sống tinh thần của người Cờ Lao.

Theo các cụ, cứ vài chục năm, mới lại có một thầy cúng làm được việc kỳ lạ là liếm lưỡi cày nung đỏ. Min Phà Xoàn được thần linh tin tưởng, nên anh sẽ phải phục vụ dân bản suốt đời. Cả đời Min Phà Xoàn phải sống thanh sạch, tu tâm dưỡng tính, chịu khó trau dồi kiến thức, để làm cấu nối giữa người Cờ Lao với thần linh và tổ tiên.

Người Cờ Lao còn có các tên gọi khác như Ke Lao, Klau ( tiếng Trung Quốc là Ngật Lão). Đây là một dân tộc ít người, chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Tổng số người Cờ Lao khoảng nửa triệu.

Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 2.000 người sinh sống tại các huyện Đồng Văn và Hoàng Su Phì, Hà Giang. Người Cờ Lao có tín ngưỡng chính là đa thần, thờ phụng tổ tiên.

Người Cờ Lao làm nương, gieo trồng ngô ở hốc núi đá. Ở Hoàng Su Phì, họ làm ruộng nước bậc thang như các dân tộc khác trong vùng.

Thời kỳ phong kiến Mãn Thanh (Trung Quốc) áp bức, một bộ phận người Cờ Lao di cư xuống Việt Nam tìm một vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp, khoảng từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ thứ XIX.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích