Trung Quốc sẽ đưa công nghệ xây đường sắt hiện đại vào Ấn Độ. Ảnh minh họa: Xinhua |
Đường sắt cao tốc Delhi - Chennai trải dài hơn 1.700km sẽ được Trung Quốc và Ấn Độ hợp tác xây dựng, China Daily dẫn lời quan chức cấp cao Bộ Đường sắt Ấn Độ cho hay.
Một nhóm chuyên gia Ấn hôm qua đến Bắc Kinh để ký thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc và hoàn tất thủ tục cho nghiên cứu khả năng của dự án. Nhóm này gồm các quan chức của Công ty Đường sắt Cao tốc và Công ty Đường sắt Vikas Nigam, theo Hindustan Times.
"Nghiên cứu về đường sắt Delhi - Chennai có thể bắt đầu vào đầu năm tới", một quan chức Ấn giấu tên nói. Tuy nhiên các quan chức liên quan của Trung Quốc đều từ chối xác nhận thông tin trên.
Khi đi vào vận hành, Delhi - Chennai dự kiến có vận tốc 300 km/h. Đây là một phần dự án "Kim cương bốn cạnh" của Thủ tướng Ấn Narendra Modi nhắm tới xây dựng mạng lưới các đường sắt cao tốc nối các thành phố lớn Delhi - Mumbai, Mumbai - Chennai, Chennai - Kolkata, Kolkata - Delhi và Mumbai - Kolkata.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn mở rộng thị phần về đường sắt cao tốc ở Ấn Độ và các khu vực khác trên thế giới. Nước này hiện sở hữu tổng số 100.000km đường sắt tính đến cuối năm ngoái. Trung Quốc cam kết các khoản đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho mạng lưới đường sắt của Ấn Độ trong chuyến thăm Ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9.
Tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới hiện là tuyến nối Bắc Kinh với Quảng Châu (Trung Quốc) với chiều dài hơn 2.200km, được đưa vào vận hành hồi năm 2012, theo Railway Technology.
Tháng trước Trung Quốc và Nga bày tỏ ý định xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Moscow và Bắc Kinh trên chiều dài 7.000km.
Theo VNE