Khách hay nhà hàng phải trả dịch vụ đưa người say về?

Thứ năm, 11/12/2014, 07:04
“Nhiều người không làm chủ uống một tiếng hết cả chục chai bia, khi đó họ không tự điều khiển giao thông được mà phải bỏ tiền thuê dịch vụ đảm bảo an toàn cho chính mình”, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG nói.

 - 2

“Chỉ là đi học từ nước ngoài”

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGTQG) có cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh kế hoạch xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông" trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Mới đây, Ủy ban ATGTQG đã phối hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông" tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

 - 1

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia

Ông Thái cho biết, hiện các cơ quan này vẫn chưa lên kế hoạch triển khai cụ thể. “Nhưng theo ý tưởng bước đầu, chúng tôi phối hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát về một số nội dung, trong đó có việc tổ chức các điểm bán bia rượu nhà hàng an toàn” – ông Thái nói.

Dự kiến vào tháng 1/2015, các cơ quan liên quan cũng sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về ảnh hưởng của rượu bia với an toàn giao thông.

Theo ông Thái, chủ trương này thực chất là học tập kinh nghiệm của một số nước. “Ở nhiều nước hiện nay đều có văn hóa uống rượu bia. Theo đó, các nước đều xây dựng ý thức uống rượu bia không điều khiển phương tiện giao thông. Người uống rượu chỉ đi tàu điện ngầm, xe bus, taxi. Ở nước ngoài, người uống rượu bia lái xe bị xử phạt rất nặng”.

“Người Việt một tiếng uống 10 chai bia”

Ông Thái phân tích: “Một thực tế cho thấy, người nước ngoài vào quán ngồi vài tiếng đồng hồ uống chỉ một hai chai. Trong khi người Việt vào một tiếng đồng hồ, uống mười chai. Nhiều người lúc đầu vào quán xác định uống ít nhưng vào cuộc chúc nhau, hưng phấn, kích động rồi uống không làm chủ được”.

Ông Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG nhấn mạnh: Mục đích của Ủy ban không phải là ngăn cấm uống rượu bia mà là đưa ra giải pháp để người uống rượu bia không lái xe nữa.

Một số giải pháp mà Ủy ban ATGTQG quốc gia đặt ra là: Vào quán uống rượu bia xong thì khách đi phương tiên công cộng về (taxi hoặc xe ôm). Nhà hàng thường xuyên kết nối số điện thoại taxi ở gần, phương tiện của khách gửi lại cho nhà hàng. Thậm chí, nếu ai đó lo sợ mất xe, nhà hàng có thể cử người lái đưa cả người cả xe về nhà.

 - 2

Nếu ai đó lo sợ mất xe, nhà hàng có thể cử người lái đưa cả người cả xe về nhà (Ảnh minh họa)

Ông Thái khẳng định: “Khách uống bia rượu phải trả tiền cho những dịch vụ này. Nếu bắt nhà hàng trả thì chắc chắn họ không thể thực hiện. Vì vậy, khách hàng không thể tiếc một số tiền dịch vụ mà đảm bảo an toàn cho chính mình”.

Hiện nhiều nhà hàng phản ánh không có điều kiện, kho bãi, nhân công để trông giữ xe, nhưng theo ông Thái, điều này rất dễ khắc phục. “Nhà hàng có thể tìm kiếm, hợp tác với các điểm trông xe ở gần đó. Khách phải trả chi phí và theo giá dịch vụ. Trường hợp nếu khách hàng không chịu để xe lại và cứ đòi về thì nhà hàng phải thuyết phục, vận động”, ông Thái đưa ra giải pháp.

Theo ông Thái, trước mắt, cơ quan chức năng thực hiện phương pháp vận động các nhà hàng chứ chưa thể đưa ra quy định gì. Mục tiêu của cơ quan nhà nước và nhà hàng là bảo đảm an toàn cho khách hàng uống bia rượu. Qua thí điểm rồi Ủy ban sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm.

Trên cơ sở đó, ngay từ dịp Tết Nguyên đán năm nay, Ủy ban và các cơ quan chức năng sẽ phối hợp thực hiện thí điểm luôn mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông". Theo đó, tại ba thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn một số điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông.

Điểm lựa chọn chính là một số nhà hàng kinh doanh ăn uống, có bán bia rượu. Ủy ban ATGTQG sẽ phối hợp vận động các nhà hàng này thực hiện theo kế hoạch nói trên.

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích