Đại biểu Võ Văn Sen đã nêu câu hỏi trên trong phiên thảo luận tại tổ ngày 9/12 (kỳ họp thứ 16, HĐND TP.HCM). Theo ông, chỉ tiêu năm 2015 của UBND TP là giải quyết việc làm cho 120.000 lao động, đây là con giống hệt năm 2014.
“Tôi không biết con số này tính toán như thế nào, sao nó cứ trùng nhau hết năm này qua năm khác. Nhiều năm nay chúng ta cứ đặt ra chỉ tiêu 120.000 lao động và giải quyết cũng được 120.000 lao động rồi lại lặp lại. Đề nghị đơn vị nào đưa ra con số này giải thích cho tôi hiểu” – câu hỏi của đại biểu Sen khiến nhiều người bật cười.
Đại biểu Võ Văn Sen. |
“TP có nhát quá hay không?”
Đề cập đến cụm từ “tăng trưởng thiếu bền vững” trong Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của UBND TP, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng: “Chúng ta sẽ mãi mãi phải tự phê bình như vậy nếu không đổi cách làm ăn”.
Bên cạnh đó đại biểu Sen cảnh báo về con số tăng trưởng kinh tế 9,5%. Theo ông, mức tăng này cao hơn so với năm 2013 (9,3%) và gần gấp đôi so với cả nước nhưng TP.HCM còn có thể tăng cao hơn 2 đến 3 lần nữa. “Con số này dễ khiến chúng ta bị ru ngủ” – ông nói.
Để kinh tế của TP có những bước phát triển đột phá hơn nữa, ông cho rằng phải đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân hiện nay rất cần vốn. Từ đó ông đặt câu hỏi rằng liệu: “TP có nhát quá hay không?”
GDP của TP năm 2014 là hơn 878 ngàn tỷ nhưng dư nợ chỉ có hơn 22 ngàn tỷ (khoảng 3% GDP). Với dư nợ quá thấp như vậy liệu chúng ta có “nhát” quá hay không, có phải chúng ta quá chú trọng đến phát triển bền vững mà thiếu sự táo bạo cần thiết, hay có gì vướng mắc khiến chúng ta không vay được?” – đại biểu Sen băn khoăn.
Ông cho rằng nếu TP không đi vay, không táo bạo thì sẽ không thể đột phá, và từ đó “thành phố này sẽ không thể đi lên được”.
“Doanh nghiệp đã dám to tiếng với cơ quan nhà nước”
Cùng đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận trên, đại biểu Văn Đức Mười cho rằng lĩnh vực cải cách hành chính của TP trong năm vừa qua đã có những bước tiến. “Doanh nghiệp đã dám to tiếng với cơ quan nhà nước, điều đó chứng tỏ môi trường đã cởi mở hơn” – ông Mười nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải đánh giá cụ thể mức độ thỏa mãn của doanh nghiệp, người dân đối với cải cách hành chính thì mới thấy rõ sự thay đổi này, còn cách làm hiện nay quá chung chung.
Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, theo ông Mười nhận định thì giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua đã khiến người tiêu dùng “quen tính dè sẻn” và đây không phải là điều tốt, vì nền kinh tế mất cân đối do thiếu nhu cầu từ nội địa.
Về lĩnh vực kinh tế, đại biểu này đề nghị UBND TP cần đánh giá hết các tác động tới thị trường khi nước ta tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Báo cáo thiếu những nguy cơ đang chờ đợi chúng ta" – ông Mười nhấn mạnh.
Về vấn đề trợ giá xe buýt, ông Sen nêu ra con số 1.270 tỷ đồng trợ giá trong năm 2014 để so sánh với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư cho y tế. Ông cho biết mình tán thành việc hỗ trợ các phương tiện công cộng nhưng phải xem lại hiệu quả, bởi như ước tính của UBND TP thì năm 2014 xe buýt sẽ vận chuyển được khoảng 593 triệu lượt khách, tuy nhiên con số này còn thấp hơn chỉ tiêu gần 60 triệu lượt khách. “Chúng ta đầu tư rất lớn nhưng lượng hành khách đi không tăng như ý muốn, do vậy phải tổng rà soát lại, đặc biệt là vé bán cho học sinh, sinh viên (được trợ giá – PV) có đúng như vậy không” – đại biểu Sen gay gắt. |
Theo Infonet