Bị cáo Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: Hà An |
Bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng khi thường trực HĐQT ACB họp ban hành chủ trương (tháng 3/2010), lúc đó luật Các tổ chức tín dụng chưa có hiệu lực (bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2011).
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lý Xuân Hải cũng nói việc quy kết ủy thác gửi tiền sang Vietinbank, quy định của luật và việc thi hành “đang có nhiều điểm chưa thống nhất, hành vi, hậu quả trong vụ việc chưa được làm rõ”. Theo bị cáo, việc ủy thác gửi tiền là hoạt động nghiệp vụ, căn cứ theo điều lệ ngân hàng ACB là được phép.
“Về hậu quả, việc Huỳnh Thị Huyền Như hay Vietinbank chiếm đoạt đang được làm rõ nhưng đến nay Ngân hàng ACB đã thu hồi được chưa?” - trả lời câu hỏi của vị thẩm phán, bị cáo Lý Xuân Hải nói chưa thu hồi được nhưng cho rằng đây không phải là thiệt hại trực tiếp mà qua những mối quan hệ lòng vòng.
“Nếu nói thiếu trách nhiệm thì tôi nhận nhưng buộc tội tôi cố ý làm trái thì oan quá”, bị cáo Hải khai và trình bày tiếp: “Việc đầu tư cổ phiếu, tôi nhận một nửa hành vi, vì tôi có tham gia chủ trương ban đầu nhưng giai đoạn sau thì tôi không được biết, tại phiên tòa các bị cáo khác cũng cho rằng tôi không biết”.
Đến lượt mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục khẳng định các tội danh “áp” với bị cáo là oan sai, nhưng “bị cáo không muốn tranh luận với đại diện Viện KSND tối cao mà chỉ xin đối thoại để làm rõ vấn đề”.
“Tôi có thể cung cấp cho tòa tên của cả 100 doanh nghiệp cùng làm với tôi, cũng kinh doanh không có phép như tôi nhưng không bị khởi tố. Tại sao tôi lại không được đối xử công bằng như họ”, bị cáo nói.
Do phần tự bào chữa của bị cáo Kiên rất dài nên HĐXX đề nghị bị cáo chuẩn bị sức khỏe tốt và để dành thời gian trình bày ngày hôm sau. Nhưng bị cáo nói: “Tôi đã luyện tập để cố gắng đứng vững tại tòa nói liền 5 ngày”.
Hôm nay (10/12), tòa tiếp tục làm việc.
Theo Thanh Niên