Sáng nay (8/12), HĐXX tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm. Trong buổi sáng nay, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao phát biểu quan điểm vụ án.
Mở đầu phần trình bày quan điểm của mình, đại diện VKSNDTC giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày lại bản án sơ thẩm như sau: "Tại phiên sơ thẩm ngày 9/6/2014, TAND TP Hà Nội tuyên án bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm các tội Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phạm tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo đó, VKSNDTC đề nghị y án Sơ thẩm như sau: Xử phạt: Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 6 năm 6 tháng tù về tội Trốn thuế, 30 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù tính từ ngày bắt giam 20/08/2012.
Xử phạt Lý Xuân Hải 8 năm tù, Lê Vũ Kỳ 5 năm tù; Trịnh Kim Quang: 4 năm tù; Phạm Trung Cang 3 năm tù; Hùng Quang Tuấn 2 năm tù. Cấm các bị cáo đảm nhận chức vụ trong ngành ngân hàng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày mãn hạn tù.
Buộc Công ty B&B do bà Đặng Thị Ngọc Lan - Tổng giám đốc công ty đại diện, có nghĩa vụ truy nộp 25.011.723.928 đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã trốn trong năm 2009 cho Chi cục thuế quận Đống Đa, Tp Hà Nội để nộp ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, các bị cáo Trần Ngọc Thanh, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngay từ đầu phiên tòa, trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bày tỏ muốn cung cấp chứng cứ vụ án cho HĐXX.
Thứ nhất, bị cáo đề nghị Cty đầu tư Á Châu nộp cho Tòa các văn bản (giấy phép đăng ký Kinh doanh của công ty phần Thăng Long; Cty cổ phần ga hàng hóa Sài Gòn); Đề nghị Cty Thiên Nam nộp lại tòa Giấy phép kinh doanh của công ty.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị Công ty cổ phần Phố Nối nộp GPKD của Cty. Công ty Đầu tư ACB Hà Nội nộp 3 giấy phép. Tập đoàn Hòa Phát nộp giấy phép kinh doanh của Tập đoàn.
Theo bị cáo Kiên: “Đây là những nội dung chứng minh tôi không phạm tội kinh doanh tài chính trái phép”.
Bị cáo cũng đề nghị gửi một Công văn của TAND Tối cao gửi Tòa phúc thẩm tại Hà Nội về một vụ án tương tự do thẩm phán Bùi Ngọc Hòa ký.
Chứng cứ thứ 4, bị cáo đề nghị sao 2 văn bản liên quan đến các chuẩn mực do Bộ Tài chính ban hành.
“Tôi nghĩ những văn bản trên là những bằng chứng, chứng cứ liên quan vụ án”, bị cáo Kiên nói.
Liên quan tội cố ý làm trái, bị cáo Kiên đề nghị cung cấp: Qui chế hoạt động của HĐQT NH Á Châu, qui chế hoạt động của Hội đồng sáng lập của ACB; Bản chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của khối ngân quỹ và ban điều hành ngân quỹ.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa. |
Nói đến đây, bị cáo Nguyễn Đức Kiên xin phép HĐXX được ngồi để trình bày và nói tiếp: “Yêu cầu đại diện ACB nộp 3 nghị quyết HĐQT không có trong hồ sơ (ngoài nghị quyết ngày 22 và 28/3/2011) để chứng minh ông Giá quyết định rất đúng khi dừng hoạt động ủy thác, để làm chứng cứ gỡ tội cho các thành viên khác trong HĐQT”.
Còn có một số chứng cứ khác, bị cáo Kiên nói: Liên quan đến Bản giám định của Bộ Tài chính, gồm hai nội dung: giám định viên đã không phân bổ chi phí hoạt động của công ty theo nguyên tắc phân bổ doanh thu nên kết quả không chính xác; không viện dẫn đủ văn bản năm 2009 nên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giám định.
“Về hình thức, kết quả giám định này tôi cho rằng không được chính xác và khách quan, đề nghị cung cấp bản dự thảo giám định – bản này cơ quan điều tra dùng làm đối chứng với tôi trong quá trình điều tra”, bị cáo Kiên nói.
Để chứng minh không trốn thuế, bị cáo đề nghị Công ty B&B cung cấp báo cáo quyết toán quý 1/2009 có xác nhận, chứng nhận của cơ quan thuế; tờ báo cáo doanh thu từng tháng từ tháng 1 - 6/2009, báo cáo tài chính 12/2009 để là tài liệu chứng minh.
Ngoài ra, bị cáo Kiên cũng nhắc lại đề nghị được trình bày nội dung đơn kháng án: “Xin phép HĐXX cho tôi vài tiếng được trình bày. Cho phép tôi đọc nguyên văn đơn kháng án tại tòa”, bị cáo nói.
HĐXX đã giải thích: Trong quá trình xét xử đã xem xét, nghiên cứu đơn của bị cáo. Bị cáo có thể sử dụng các nội dung này trong phần tự bào chữa. Về lý do kháng cáo, bị cáo đã trình bày ở phần trước khi vào xét hỏi. Đơn của bị cáo kháng cáo, bị cáo có thể sử dụng đơn đó để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. HĐXX cũng đề nghị các bên liên quan chuyển toàn bộ tài liệu đã nêu cho HĐXX.
Theo Infonet