Câu thoại trong phim Nông dân hiện đại - Ảnh: K.A. |
Cách đây mấy ngày, tôi lên Facebook để xem bạn bè có tin tức gì mới không. Và giữa muôn trùng trạng thái cảm xúc vừa được cập nhật, tôi như khựng lại trước hình ảnh mà Thùy Linh - bạn học của tôi, một sinh viên khoa Hàn Quốc học - chia sẻ.
Linh đăng lên trang cá nhân của mình hình ảnh được chụp lại từ một bộ phim Hàn Quốc mang tên "Nông dân hiện đại"vừa được phát hành vào tháng 10/2014.
Phân cảnh xuất hiện câu thoại ấy là khi người mẹ nhìn thấy con trai mình say bí tỉ, nằm ngủ quên trong nông trại, liền vừa lay con dậy vừa quát: “Này, tỉnh dậy!”
Sang Deok - con trai người phụ nữ - lờ đờ chồm dậy, nói: “Mẹ à, con nhất định sẽ kết hôn”. Người mẹ nghe thế liền hỏi lại: “Con vẫn còn muốn kết hôn sao?”, rồi tiếp tục: “Con muốn kết hôn thì cai rượu đi. Con uống rượu cả ngày thì dù có sang Việt Nam cũng không tìm được dâu đâu”.
Cách mà người mẹ ví von ý muốn nói với chàng trai rằng ở Việt Nam là kiếm vợ dễ nhất, mà họ (phụ nữ Việt) còn không chấp nhận người say xỉn như anh thì anh cần phải coi lại mình.
Linh chia sẻ: “Thì ra một số người vẫn còn giữ suy nghĩ này. Họ (cô dâu Việt) có tội gì đâu?”
Một người bạn liền bình luận: “Phim này chiếu trên Ðài truyền hình SBS phát đi cho cả Hàn Quốc xem, chưa kể dịch ra vài thứ tiếng rồi đăng tải lên mạng nữa. Hình ảnh con gái Việt Nam tự nhiên bị làm xấu đi”.
Khi tôi dùng từ khóa Modern Farmer (tên tiếng Anh của bộ phim) để tìm xem lại với phụ đề tiếng Anh thì câu thoại ấy được dịch ra như sau: “You always drink everyday, so you couldn’t bring a girl back from Vietnam”.
Ðấy là chưa kể đến phụ đề tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật - những thị trường lớn của phim Hàn Quốc.
Tôi tự hỏi không biết những người xem phim này, nghe được câu thoại ấy họ sẽ nghĩ gì về việc lấy vợ Việt Nam?
Có thể người Hàn không có ý miệt thị phụ nữ Việt mà đó chỉ là cách họ ví von, nhưng là một người con gái Việt - tôi không khỏi cảm thấy buồn và xấu hổ.
Tôi lặng người đi, tự hỏi: “Chẳng lẽ trong mắt người Hàn Quốc, phụ nữ Việt Nam rẻ bèo như cách người mẹ trong phim ví von hay sao?”
Rồi tôi lại nghĩ đến cô gái Việt Nam vừa bị sát hại tại Hàn Quốc mới đây. Khi ra đi Nguyễn Thị Thanh Ngân mang theo ước vọng về cuộc sống sung túc hơn ở Hàn Quốc, thế mà giấc mơ chưa thành thì cuộc đời đã dừng lại ở tuổi đôi mươi.
Nghe tin con gái bị sát hại, cha cô ở Việt Nam cũng chẳng còn thời gian để khóc thương con bởi ông phải chạy xuôi chạy ngược, gom góp tiền cho con trai qua Hàn Quốc mang hài cốt con gái trở về với gia đình.
Những ngày qua, tôi thương cảm cho riêng Thanh Ngân nhưng nay khi nghe câu thoại ấy trong phim, tôi thương cảm thêm cho chính mình và những người phụ nữ Việt khác nữa.
Bởi dù không lấy chồng Hàn Quốc thì chúng tôi, những người phụ nữ Việt Nam, dường như vẫn bị đánh đồng và xếp vào hạng bét, hạng dễ kết hôn nhất.
Thế nhưng, dù cảm giác bị xem thường cứ bủa vây nhưng tôi không dám trách những người phụ nữ bỏ xứ đi lấy chồng Hàn Quốc.
Bởi cuộc đời của nhiều người trong số ấy vốn đã nhiều sóng gió, bất hạnh và bế tắc. Ðã rất nhiều tiếng nói kêu gọi họ hãy chọn con đường khác đi, nhưng rồi vẫn bất lực.
Bởi con đường khác là con đường nào khi sự thiếu hụt về kiến thức, về kỹ năng, cùng gánh nặng kinh tế gia đình đã chặn đứng con đường lao động của họ ở quê nhà.
Xin hãy dành thời gian suy ngẫm và có các việc làm cụ thể hơn để giúp đỡ thân phận những người phụ nữ đi tìm hy vọng đổi đời bằng cách rời xa đất nước này để kết hôn.
Bởi khi câu nói “dù có sang Việt Nam cũng không tìm được dâu đâu” lên sóng đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc và phát đi rộng rãi như thế thì nó không còn là câu chuyện cá nhân nữa. Nó đã trở thành câu chuyện về thể diện của một dân tộc.
* Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả Trần Kim Anh.
Theo TTO