Ấy vậy, trong kho tàng dân gian ăm ắp vốn quý của Quảng Bình, vẫn còn đó những phong tục, tập quán, trò chơi, điệu múa ít người biết đến và làm sững sờ, thích thú những ai có cơ hội được tiếp cận. Đó là múa chạy chữ ở Nhân Trạch (Bố Trạch), trò chạy hóa trang ở Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh), đi cầu vồng ở Quảng Kim (Quảng Trạch)...
Song hành cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, Nhân Trạch (Bố Trạch) là một trong những xã biển hiếm hoi còn giữ hầu như vẹn nguyên các giá trị văn hóa bản sắc cổ truyền của mình.
Bên cạnh bảo tồn các phong tục tập quán, truyền thống yêu thương, đùm bọc, chia sẻ mọi hoạn nạn, khó khăn, người Nhân Trạch quyết tâm lưu giữ các lễ hội đặc sắc của làng biển. Anh Nguyễn Văn Hóa, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội của xã Nhân Trạch cho biết, mỗi năm, Nhân Trạch có 5 lễ hội lớn, đó là: kỵ yên làng vào rằm tháng giêng, cầu ngư vào trung tuần tháng 3 âm lịch, kỵ cậu (thần ngư) vào ngày 15-5 âm lịch, rước sắc làng vào ngày 15-6 âm lịch và trả lễ thần ngư vào rằm tháng 8 âm lịch.
Tùy theo điều kiện kinh tế và nguyện vọng của bà con để xã duy trì số lượng lễ hội trong năm. Nhưng, hai lễ hội luôn luôn được tổ chức là kỵ yên làng vào rằm tháng giêng và cầu ngư vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Trong các lễ hội này, múa chạy chữ là một phần không thể thiếu, tạo nên nét độc đáo riêng có của xã biển Nhân Trạch.
Theo nghệ nhân dân gian Phạm Thị Niếu-người được xem là linh hồn trong các phong trào văn hóa văn nghệ dân gian của Nhân Trạch, cùng với chạy cờ, chèo cạn, thì múa chạy chữ (còn gọi là múa động đăng) là nghi thức không thể thiếu trước khi tiến hành phần lễ trong bất kỳ một lễ hội nào của Nhân Trạch.
Hiểu một cách nôm na, múa chạy chữ tức là các thành viên tham gia sẽ vừa múa, vừa sắp xếp thành các chữ Hán “Thiên-Hạ-Thái-Bình”.
Mục đích của múa chạy chữ là để hầu ngài (thần ngư), hướng về biển và mang nặng tâm linh biển, đồng thời thể hiện tính cộng đồng, sự kết nối gắn bó giữa những người dân vùng biển. Đặc biệt, múa chạy chữ không chỉ cầu cho riêng làng biển Nhân Trạch, mà cho cả “thiên hạ”, đất nước đều được yên bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Múa chạy chữ là nét văn hóa đặc sắc của ngư dân vùng biển Nhân Trạch (Bố Trạch) |
Đây là một điệu múa cổ phức tạp cho nên đòi hỏi người tham gia không chỉ dẻo dai, linh hoạt, mềm mại trong từng điệu múa, mà phải có sức khỏe tốt để đủ sức chạy xếp chữ từ đầu đến cuối. Trước đây, thành viên đội múa chữ phải là “trai tơ, gái trinh” (chưa từng kết hôn), nhưng hiện nay, do hiếm người tham gia, nên đội múa chữ có cả các bà, các mẹ, các chị gái đã lập gia đình.
Cụ Niếu cho biết thêm, quá trình tập luyện để xếp được chữ rất công phu và mất nhiều thời gian, do đó, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của cả người tập và người “đạo diễn”.
Trong các lễ hội, trước khi phần lễ bắt đầu, chạy cờ, hát quạt sẽ được biểu diễn đầu tiên, tiếp đó là múa chạy chữ và chèo cạn. Múa chạy chữ hấp dẫn người xem bởi những điệu múa uyển chuyển, kết hợp với sự di chuyển, sắp xếp chữ linh hoạt, biến hóa và nhất là sự đồng điệu, hòa nhập ăn ý với âm nhạc từ trống, kèn, sanh tiền, xập xèng...
Trong mỗi lễ hội, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian do cụ Phạm Thị Niếu làm chủ nhiệm không chỉ phụ trách phần múa chạy chữ mà cả hát, múa, hò, chèo cạn... Thành lập từ hơn 15 năm nay, câu lạc bộ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng biển, đặc biệt là nỗ lực khôi phục nhiều điệu múa, điệu hò tưởng như đã bị mai một, trong đó có múa chạy chữ. Khó khăn lớn nhất của câu lạc bộ chính là nguồn kinh phí và đào tạo thế hệ trẻ.
Theo anh Nguyễn Văn Hóa, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội của xã Nhân Trạch, các thành viên dành rất nhiều tâm huyết cho mọi hoạt động của câu lạc bộ. Mỗi khi có lễ hội hay cuộc thi nào, các thành viên cùng tìm nguồn hỗ trợ hoặc huy động sự đóng góp của chính con em trong gia đình mình.
Tuy vậy, các sự kiện cộng đồng thường cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi, các thành viên chỉ có thể duy trì một khoản kinh phí nhỏ và không thường xuyên. Lớp trẻ sau này dù đã mặn mà hơn với nghệ thuật truyền thống, nhưng việc theo đuổi dài lâu vẫn chưa mang tính bền vững, trong khi tuổi đời các thành viên trong câu lạc bộ trung bình là 60 tuổi và rất nhiều cụ từ 70-75 tuổi.
Múa chạy chữ, hò biển, múa bông, chèo cạn... ở Nhân Trạch vẫn rất cần sự quan tâm, động viên, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan để tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống cộng đồng.
Khác với múa chạy chữ ở Nhân Trạch mang nhiều tính chất nghi lễ, chạy hóa trang ở Quảng Xá là một trò chơi dân gian có từ lâu đời và là “kho báu” có một không hai của làng Quảng Xá xưa (Tân Ninh, Quảng Ninh).
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng-cũng là một người con của Quảng Xá, trò chơi chạy hóa trang thường được làng tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán trên những bãi cỏ rộng của làng. Đặc điểm thú vị nhất của trò chơi là ai cũng có thể tham gia, từ các cháu thiếu nhi, thanh niên cho đến các cụ bô lão.
Cuốn “Địa chí Quảng Bình” đã có những mô tả rất cụ thể, chi tiết về trò chơi độc đáo này. Dụng cụ phục vụ trò chơi gồm nhiều bộ áo quần đủ mọi lứa tuổi, giới tính, kích cỡ, kiểu cách, màu sắc và được giấu trong những bao nhỏ đặt cách nhau 1 mét giữa sân chơi.
Người cầm chịch là một người đàn ông đánh trống, khỏe mạnh, vui nhộn, thường mặc áo the, khăn đóng. Luật chơi rất đơn giản, không kể số lượng người tham gia, người chơi khi nghe tiếng trống sẽ chạy từ vạch xuất phát đến các túi áo quần và chọn một túi áo quần bất kỳ mặc vào người khi tiếng trống dừng.
Tiếp đó, khi tiếng trống lại nổi lên, người chơi phải chạy ngay về đích dù đã mặc kịp áo quần hay chưa và phải vừa chạy vừa cởi áo quần mình đã mặc từ túi. Chính vì vậy, mới có nhiều cảnh huyên náo, đông vui, như: người già mặc áo quần trẻ con, nam mặc đồ nữ, người chỉ kịp xỏ một ống quần... hay khi về đích do vội vàng lại cởi nhầm áo quần của mình đang mặc.
Bằng tiếng trống biến hóa, người cầm chịch đóng một vai trò rất quan trọng trong trò chơi chạy hóa trang, khi thì giục giã gọi mời, khi thì dồn dập tạo điểm nhấn chú ý cho người xem, khi lại hối thúc người chơi nhanh chóng nhập cuộc.
Mặc dù chỉ đơn thuần là một trò chơi tạo không khí vui vẻ ngày xuân, nhưng chạy hóa trang mang tính cộng đồng cao, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong làng và quan trọng hơn, đã trở thành một sự kiện tập thể mang bản sắc riêng của Quảng Xá mà khó nơi nào có được.
Hiện nay, theo như nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng chia sẻ, trò chạy hóa trang ở Quảng Xá đã mai một rất nhiều và hầu như không còn được tổ chức trong mỗi dịp Tết đến xuân về, một phần vì thiếu người cầm chịch tâm huyết, một phần vì sự háo hức, hào hứng tham gia của bà con, nhất là giới trẻ đã vơi đi nhiều.
Bên cạnh một vài “điều lạ” về mảnh đất và con người như đã kể ở trên, Quảng Bình vẫn còn đó không ít “kho tàng” độc đáo, đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần mà nhiều du khách thập phương chưa có cơ hội biết đến.
Nếu có sự bảo tồn, phát huy và khai thác một cách hợp lý, hiệu quả, thì chắc chắn rằng những giá trị đó sẽ thực sự trở thành “thương hiệu” riêng của Quảng Bình trên khắp mọi miền gần xa.
Và chúng ta có quyền hy vọng rằng, biết đâu đó một ngày, bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, ca trù, bài chòi, hò khoan..., các trò chơi dân gian, múa nghi lễ, võ cổ truyền Quảng Bình... sẽ có mặt trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo BaoQuangBinh