Ngày 8/16, các quan chức lực lượng đặc nhiệm Mỹ cho hay họ không hề biết rằng, một giáo viên người Nam Phi sắp được thả tự do với số tiền chuộc 200.000 USD khi ông này bị bắn chết trong lúc đặc nhiệm Mỹ tổ chức một cuộc đột kích táo bạo vào phiến quân Al Qaeda ở Yemen để giải cứu một con tin người Mỹ.
Trước đó, những người tham gia chiến dịch đàm phán với phiến quân để trả tự do cho thầy giáo Pierre Korkie đã chỉ trích đặc nhiệm SEAL của Mỹ đã “phá hỏng mọi thứ” khi họ tràn vào ngôi làng nơi ông Korkie và con tin người Mỹ Luke Somers bị phiến quân giam giữ.
Ông Korkie thiệt mạng chỉ một ngày trước khi được phiến quân thả tự do.
Phiến quân Al Qaeda đã nổ súng bắn chết hai con tin này khi chúng phát hiện ra đặc nhiệm Mỹ đang áp sát và đấu súng với lính gác.
Tờ New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên của đặc nhiệm Mỹ cho hay khi lên kế hoạch tổ chức cuộc đột kích, họ không hề biết được rằng con tin Korkie chuẩn bị được thả tự do vào ngày hôm sau.
Quan chức này nói: “Chúng tôi không hề biết trước kế hoạch thả bất cứ con tin nào cả. Điều này không nằm trong kế hoạch của chúng tôi”.
Cũng giống như Mỹ, chính phủ Nam Phi luôn thực thi chính sách nghiêm ngặt là không trả tiền chuộc con tin trong bất cứ trường hợp nào cho các tổ chức khủng bố vì họ cho rằng việc trả tiền chuộc này chỉ khiến những kẻ bắt cóc càng trở nên liều lĩnh hơn.
Toàn bộ vụ đàm phán với phiến quân để thả tự do cho ông Korkie do tổ chức từ thiện Gift of the Givers thực hiện, và số tiền chuộc con tin đã được phiến quân giảm từ mức 3 triệu USD ban đầu xuống còn 200.000 USD.
Tuy nhiên, tổ chức Gift of the Givers đã không thông báo cho chính phủ Nam Phi và Mỹ về thỏa thuận trả con tin này, trong đó phiến quân đồng ý sẽ thả tự do cho ông Korkie vào ngày 7/12, một ngày sau khi đặc nhiệm Mỹ tổ chức cuộc đột kích bất ngờ.
Ông Imtiaz Sooliman, giám đốc tổ chức Gift of the Givers cho hay họ không thông báo kế hoạch này với Nam Phi và Mỹ vì phiến quân al Qaeda đã cảnh báo họ không được tiết lộ thông tin với bất kỳ ai.
Theo đó, tổ chức Gift of the Givers đã chuẩn bị hộ chiếu sẵn sàng để thu xếp đưa ông Korkie ra khỏi nơi giam giữ của phiến quân, thế nhưng kế hoạch được chuẩn bị chu đáo của họ bị “hủy hoại” khi đặc nhiệm Mỹ tổ chức chiến dịch giải cứu.
Nhà báo Mỹ Luke Somers cũng bị phiến quân sát hại trong cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ.
Hậu quả là khi 40 lính đặc nhiệm SEAL của Mỹ phối hợp với biệt kích Yemen tấn công vào một ngôi làng, phiến quân đã nổ súng bắn thẳng vào cả Somers lẫn Korkie. Ông Korkie qua đời trên trực thăng, còn nhà báo Somers trút hơi thở cuối cùng trên một tàu chiến của Mỹ.
Bà Yolande, vợ của ông Korkie cho biết bà đã vô cùng tuyệt vọng khi biết tin chồng mình thiệt mạng trong cuộc giải cứu con tin của đặc nhiệm Mỹ, trong khi bà đã chuẩn bị lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ để gặp lại chồng.
Tuy nhiên, người phát ngôn của gia đình nói rằng bà Yolande không đổ lỗi cho bất kỳ ai trong vụ việc này, và bà cũng không có một lời nào trách móc phiến quân Al Qaeda, bởi bà là một phụ nữ mạnh mẽ, và bà tin rằng chồng mình đã được an nghỉ ở thế giới bên kia.
Trong khi đó, đảng đối lập Liên minh Dân chủ (DA) của Nam Phi đã hối thúc chính phủ yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích về thời điểm tiến hành chiến dịch giải cứu.
Hiện thi thể của ông Korkie đang được quân đội Mỹ bảo quản. Chính phủ Nam Phi hiện đang nỗ lực phối hợp với Bộ Quốc phòng Mỹ và chính phủ Yemen để có thể đưa thi hài của ông về quê nhà sớm nhất có thể.