Đề nghị y án 30 năm tù đối với Nguyễn Đức Kiên

Thứ ba, 09/12/2014, 07:33
Ngày 8/12, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, đại diện Viện KSND tối cao kết luận: “Bản án sơ thẩm kết tội các bị cáo là có đủ căn cứ, không oan nên đề nghị HĐXX không xem xét nội dung kháng cáo”.

Đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên 30 năm tù với “bầu” Kiên - Ảnh 1

VKSDN đề nghị bác kháng cáo của "bầu" Kiên và đồng phạm. (Ảnh Người lao động).

Tại phiên phúc thẩm, Nguyễn Đức Kiên phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng tòa sơ thẩm đã áp dụng sai luật gây oan sai cho bị cáo. Năm bị cáo còn lại là Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, cùng nguyên là Phó chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT ACB, lúc đầu kháng cáo kêu oan nhưng sau đó xin tòa giảm nhẹ hình phạt.

Trong bốn tội danh tòa sơ thẩm cáo buộc bị cáo Nguyễn Đức Kiên, đại diện Viện KSND tối cao đều nêu quan điểm cho rằng “không oan”. Cụ thể, về hành vi kinh doanh trái phép, chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành, mọi doanh nghiệp (DN) khi hoạt động đều phải đăng ký kinh doanh. Các văn bản, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cho thấy việc hoạt động mua bán cổ phần, cổ phiếu, kinh doanh vàng trạng thái được xếp vào mã ngành theo quy định. Tuy nhiên, năm DN do Nguyễn Đức Kiên thành lập không đăng ký kinh doanh tài chính, cổ phần, cổ phiếu hay vàng trạng thái nhưng vẫn hoạt động trong lĩnh vực này là trái với điều 9 luật DN.

Tương tự, kết quả thanh tra của Cục Thuế Hà Nội xác định Công ty B&B của Nguyễn Đức Kiên kê khai thuế nhưng không kê khai kết quả của hợp đồng ủy thác giữa công ty và bà Nguyễn Thúy Hương, em gái Kiên. Giám định viên Bộ Tài chính đã kết luận thu thuế DN của Công ty B&B năm 2009 từ hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính là hơn 25 tỷ đồng. Do đó, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội trốn thuế là có căn cứ pháp luật.

Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đại diện Viện KSND tối cao nhận định dù 20 triệu cổ phần với giá trị 264 tỷ đồng đang thế chấp và chưa được Ngân hàng ACB đồng ý cho giải chấp, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Kiên vẫn ký nháy vào hợp đồng chuyển nhượng cho Tập đoàn Hòa Phát, chỉ đạo cấp dưới lập biên bản họp HĐQT khống về việc chuyển nhượng. Sau khi nhận tiền, bên mua không nhận được cổ phần.

“Do vậy, bản án sơ thẩm kết tội Nguyễn Đức Kiên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật”, đại diện Viện KSND tối cao kết luận.

Về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, đại diện Viện KSND tối cao cho rằng tòa sơ thẩm đã có đủ căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm thống nhất ra chủ trương dùng tiền của Ngân hàng ACB đầu tư cổ phiếu của chính mình, trái quy định, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng. Trong khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các bị cáo đã ủy quyền cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi 718 tỷ đồng vào các chi nhánh của  Ngân hàng Vietinbank tại TP.HCM, chi nhánh Nhà Bè và bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt. Việc ủy thác này vi phạm vì chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với một số bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đại diện Viện KSND tối cao cho rằng tòa sơ thẩm đã đánh giá tính chất, vai trò, mức độ và thủ đoạn phạm tội của các bị cáo trong vụ án nên mức phạt về từng tội danh đối với các bị cáo là thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo cũng không đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào khác nên yêu cầu giảm án của các bị cáo là không có căn cứ.

Từ đó, đại diện Viện KSND tối cao đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của cả 6 bị cáo và bị đơn dân sự, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo.

Tại phiên sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên tổng cộng 30 năm tù giam đối với bốn tội danh. Năm bị cáo đồng phạm tội cố ý làm trái gồm: Lý Xuân Hải, 8 năm tù giam; Phạm Trung Cang, 3 năm tù giam; Trịnh Kim Quang, 4 năm tù giam; Lê Vũ Kỳ, 5 năm tù giam; Huỳnh Quang Tuấn, 2 năm tù giam.

Trong phần tranh tụng chiều qua, các luật sư tập trung bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên với quan điểm không phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Liên quan đến tội danh kinh doanh trái phép, các luật sư cho rằng Nguyễn Đức Kiên bị kết tội oan vì quyền góp vốn mua cổ phiếu, cổ phần đều được luật DN 2005 quy định. Hoạt động này là đầu tư, không phải kinh doanh nên không cần phải đăng ký.

Cũng hành vi này nhưng là tội kinh doanh trái phép vàng tại Công ty Thiên Nam, luật sư bào chữa nêu quan điểm Công ty Thiên Nam chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng trong nước và vàng là một loại hàng hóa nằm trong diện đăng ký của Công ty Thiên Nam. Trong khi luật liên quan và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước chỉ bắt buộc phải đăng ký kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh trạng thái vàng tài khoản nước ngoài và kinh doanh vàng vật chất...

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn