Bầu Kiên có dấu hiệu trình bày lan man tại tòa
Bị cáo Kiên dặn dò nghiệp vụ luật sư
Trong phần tranh luận, bị cáo Kiên bộc bạch, đã có 800 ngày chưa được nói và đã cố gắng tập luyện để có thể nói liền năm ngày tại tòa. Trước khi tự bào chữa, với việc phủ nhận toàn bộ bốn tội danh như bản án sơ thẩm đã quy kết, “bầu” Kiên dặn dò các luật sư: “Tôi cũng nói với các luật sư, các anh có thể nhiều kiến thức song các anh không nắm sâu về kinh tế. Tôi được tham gia từ đầu vào tất cả các luật. Đề nghị các anh nói bằng giấy để tránh sai sót cũng như ngoài kiểm soát của tôi”.
Ở tội kinh doanh trái phép, ông Kiên tiếp tục cho rằng việc đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp là đúng luật. “Nhận định đầu tư góp vốn là một hình thức núp bóng kinh doanh tài chính là nhận định sai lầm, ảnh hưởng tới độ an toàn của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam cũng như tới bản thân tôi. Tôi bị tước quyền kinh doanh đầu tư mà luật định. Tôi nói với luật sư, nếu tòa cho phép, tôi có thể đăng ký một ngày để nói về thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào, một ngày để nói về thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam như thế nào” – ông Kiên giãi bày.
Liên quan đến hành vi kinh doanh vàng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng công ty Thiên Nam không kinh doanh trái phép. “Vàng là hàng hóa, là động sản theo quy định của Luật Thương mại năm 2005. Công ty Thiên Nam có giấy phép mua bán hàng hóa. Vậy khi công ty Thiên Nam mua bán hàng hóa, có vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh vàng không?” – bị cáo Kiên nói.
Trong nội dung “tư cách” của ông Kiên tại công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên nêu kiến nghị về việc ông Vũ Trần Tiến Anh, Tổng giám đốc công ty Thiên Nam rút kháng cáo về tội Kinh doanh trái phép: “Đến hôm nay tôi vẫn là Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam. Việc đại diện trước pháp luật là anh Tiến Anh có kháng cáo hay không kháng cáo thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, vì hành vi này đã không được báo cáo tới HĐQT, HĐQT chưa phê duyệt”.
Quá trình tranh luận, cho rằng bị cáo Kiên có dấu hiệu trình bày lan man, nhiều nội dung nằm ngoài quy kết của bản án sơ thẩm, HĐXX đã nhiều lần dừng tòa để nhắc nhở bị cáo tập trung và giữ gìn sức khỏe.
Vietinbank nói “vô can” với khoản tiền của ACB
Trình bày trước Tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng Công thương Việt Nam (viết tắt Vietinbank) đồng ý với những phân tích, kết luận của vị đại diện Viện KSND Tối cao.
Theo đó, phía Vietinbank cho rằng, HĐQT Ngân hàng ACB thông qua chủ trương, từ đó ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiết kiệm vào Vietinbank TP.HCM và Nhà Bè. Quá trình thực hiện, Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng các thủ đoạn gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỷ đồng.
Theo đại diện của Vietinbank, Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt số tiền trên ngay từ đầu, điều đó thể hiện ở mức lãi suất cao trong các bản hợp đồng gửi tiền. Cụ thể, Huyền Như cho biết động cơ chiếm đoạt số tiền trên nhằm thanh khoản các món nợ cũ.
Ngoài ra, Như đã đồng ý ngay với bà Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ - Ngân hàng ACB) lãi suất 14%/năm, lãi suất chênh lệnh ngoài hợp đồng trả ngay khi tiền vào tài khoản từ 3,8 – 4%/năm, “lại quả” riêng cho bà Ngọc 1,5%/năm.
Vẫn theo quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, bà Ngọc và nhân viên ACB làm theo các hoạt động của Như. Có lời khai của bà Ngọc khi nói với Như: “Em làm thế nào thì làm, miễn sao lãi suất trả đủ cho bên chị”.
Trên thực tế, sau khi số tiền trên vào tài khoản, phía nhân viên ACB và bà Ngọc đã hưởng lợi sau đó. “Sau khi chuyển tiền vào tài khoản thanh toán, Như đã trả 10,3 tỷ đồng lãi suất chênh lệch vào tài khoản của nhân viên ACB. Riêng bà Ngọc được hưởng 3,7 tỷ đồng” – vị luật sư dẫn chứng.
Đại diện Vietinbank khẳng định, quá trình ủy thác tiền gửi, các nhân viên của ACB đã phó thác thẻ tiết kiệm cho Như, hành động vô trách nhiệm đó đã tạo điều kiện cho “siêu lừa” thực hiện trót lọt lệnh chuyển tiền từ các tài khoản nhân viên ACB, qua đó chiếm đoạt.
Hôm nay (10/12), Tòa tiếp tục làm việc với phần tranh luận.
“Trong đầu tôi có cả ngàn trang” Nói về nội dung bản tự bào chữa, bầu Kiên lên tiếng: “Trong đầu tôi có 1.000 trang chứ không chỉ vài trang. Tôi mong muốn trình bày với tòa ngắn gọn”. Tuy nhiên, một lần nữa, HĐXX cho rằng, nhiều nội dung đã được bị cáo cùng luật sư thể hiện, hơn nữa, sau khi hỏi bị cáo về thời gian đọc có thể kéo dài vài giờ đồng hồ, HĐXX quyết định sẽ cho bị cáo đọc, nhưng vào buổi làm việc hôm sau. |
Theo Tiền Phong