Nhắc đến phố Tây (gồm các con đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám) ở Sài Gòn, người ta nghĩ ngay đến những nhà hàng, quán bar sôi động hay những tiệm bán đồ lưu niệm rực rỡ màu sắc…
Phố Tây còn được mệnh danh là khu phố không bao giờ ngủ, bởi từ sáng đến khuya, những con đường ở khu phố này đều ồn ào, náo nhiệt, ánh đèn sáng rực. Chính vì những hàng quán nằm san sát nhau, những ánh đèn sáng suốt đêm mà ít ai để ý đến những con hẻm nhỏ dọc theo các con đường của phố Tây.
Đi một vòng các hẻm 26, 57, 107 Bùi Viện; 14 Đỗ Quang Đẩu; 182 Đề Thám, người ta sẽ thấy quần áo được phơi trên những bức tường phủ đầy rong rêu bụi bẩn. Bên trong các con hẻm, dù buổi sáng hay ban đêm cũng đều tối om, mùi hôi khó chịu bốc lên nồng nặc. Người đi vào đây phải vịn hai vách tường, lần dò từng bước khó khăn mới đi được.
Đầu con hẻm là nhà của bà Bùi Thị Hoa (SN 1949, người Sài Gòn gốc). Căn nhà chỉ rộng chừng 16 mét vuông. Đây là nơi trú ngụ của đại gia đình bà gồm 12 thành viên, trong đó có 3 trẻ nhỏ. Những người trong gia đình bà làm đủ công việc để mưu sinh như chạy xe ôm, làm bảo vệ, người bán hàng rong... Đến tối mịt, họ trở về nhà, 6 người ngủ trên gác, 6 người ngủ dưới nhà.
Cuối hẻm 107 ở đường Bùi Viện là một căn nhà gác gỗ xập xệ, xuống cấp, dây điện treo lòng thòng. Ghi nhận ở những con hẻm khác cho thấy hệ thống các đường dây điện chằng chịt, vá víu, cũ kỹ khiến nguy cơ cháy nổ rất cao, nhất là vào thời điểm hanh khô.
Ngay sát đó là ngôi nhà của anh Tấn (SN 1969) một người bán vé số dạo. Ngôi nhà chỉ rộng chừng hai mét vuông, nhưng đó là nơi trú ngụ của anh và ba đứa con nhỏ.
Khó ai có thể hình dung được căn nhà nhỏ xập xệ này lại nằm ở một khu phố Tây. Bên trong căn nhà này, đồ đạc ngổn ngang, diện tích chỉ chừng 10 mét vuông, là nơi ở của cụ Nguyễn Thị Ba (SN 1934, quê Đồng Tháp).
Cụ Ba có năm người con, nhưng hai người không may đã mất. Hiện tại, cụ ở chung với bốn đứa cháu nhỏ. Cụ chia sẻ: “Ba đứa con còn lại của tôi vất vả lắm. Hai đứa chạy xe ôm mưu sinh, một đứa thì làm công nhân vệ sinh môi trường nhưng cũng đã nghỉ việc. Thấy bọn nó cực khổ nên tôi đón bốn đứa cháu về ở chung”. Mọi sinh hoạt hàng ngày của năm bà cháu đều diễn ra trong căn phòng ọp ẹp này.
Dù tuổi già, bệnh tật triền miên nhưng hàng ngày cụ vẫn phải đi nhặt ve chai để kiếm sống. “Không đi nhặt ve chai thì biết làm gì để có tiền mua miếng cơm ăn” - cụ thở dài.
Đứa cháu gái của cụ Ba phải đọc sách trong điều kiện thiếu sáng trầm trọng. Bé phải đưa sách cận mặt mới có thể thấy chữ được. Bé nói: “Con chỉ ước nhà con rộng hơn một chút, có đủ ánh sáng để mấy anh em con học thôi”.
"Tôi già rồi, không còn sống được bao lâu nữa nên cũng không có mơ ăn ngon mặc đẹp hay nhà cao cửa rộng. Chỉ tội nghiệp cho mấy đứa cháu. Bọn nó còn nhỏ mà phải ở trong căn phòng như thế này thì làm sao mà học hành được. Cứ mỗi lần học là bọn nhỏ phải mang ra trước hẻm, tôi lại ứa nước mắt. Nhưng nhà nghèo quá, ăn còn không đủ thì lấy tiền đâu ra kiếm nơi ở mới”, cụ Ba chia sẻ.
Sát bên nhà cụ Ba là nhà của cụ Hòa (SN 1945, người Sài Gòn), cũng là một căn phòng có diện tích chừng 15 mét vuông. Nơi đây được cụ cho bốn người bán vé số dạo thuê với giá 10.000 đồng/ngày làm nơi trú ngụ. |
Theo Trí thức trẻ