Vụ xây biệt phủ trái phép trong rừng cấm Hải Vân: Lãnh đạo Đà Nẵng “thận trọng” khi nói về xử lý

Thứ sáu, 12/12/2014, 14:03
Việc hàng loạt các biệt thự, biệt phủ của Thiếu tướng công an, chủ Cty vàng... ngang nhiên xây dựng trái phép trong khu vực rừng cấm quốc gia Hải Vân (Đà Nẵng) đã gây bức xúc dư luận. Nhân dân địa phương còn cho rằng: Nhiều quan chức, kể cả cấp cao của TP.Đà Nẵng(?) cũng “chia nhau” đất rừng Hải Vân, vì vậy chính quyền đã buông lỏng quản lý, làm ngơ cho sai phạm...

Sai phạm phải xử lý dân mới tin

Đại tá Trần Văn Thanh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu - cho biết, trước đây tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng, có ý kiến hỏi vì sao “quán lá của dân (ông Nguyễn Như Tiến) xây tạm thì bị đập mà biệt thự của ông quan chức, DN to như vậy thì không thấy chính quyền nói gì”. Ông Thanh nói: “Thực ra quận biết hết việc này, nhưng TP mới đủ khả năng để giải quyết”.

Nhiều người dân Hòa Hiệp Bắc đã chỉ tận nơi từng thửa đất rừng bao chiếm, mua lại làm vườn rẫy... của hàng loạt quan chức cấp cao của TP.Đà Nẵng (?), cho rằng đây chính là lý do mà chính quyền “cấn cái”, không thể xử lý các trường hợp xây dựng trái phép vì “đập chuột, vỡ bình”.

Theo luật sư Đỗ Pháp, nhiều người cố tình xây nhà trái phép nhưng lâu lâu mới bị “xì” ra, chứ không riêng gì trường hợp tướng Thạch. Vấn đề này do biện pháp xử lý của chính quyền các cấp từ xã, huyện, thành phố nể nang, e ngại, dĩ hòa vi quý. Việc xây dựng trái phép đương nhiên là đã vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý bằng nhiều hình thức như Điều 12 của NĐ số 180/2007 ngày 7/12/2007 của Chính phủ đã quy định.

Cũng theo LS Pháp, công trình xây dựng không có giấy phép phải xử lý các bước: Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ. Trường hợp không chấp hành, chính quyền buộc phá dỡ công trình; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan... Bước cuối cùng là cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ; Đại tá Trần Văn Thanh cho rằng, đã xử lý nghiêm trường hợp vi phạm của dân thì cũng phải công bằng là xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Lãnh đạo Đà Nẵng... “thận trọng”

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, đã giao cho PCT Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra, xử lý với tinh thần triệt để. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì cho rằng, phải kiểm tra thực tế trước khi có kết luận, trả lời báo chí, dư luận.

Trong khi chính quyền địa phương - ông Trương Việt - Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc - cho rằng việc quản lý, giao đất trái phép cũng như để xây dựng không phép trong khu vực rừng đặc dụng thuộc trách nhiệm của ngành kiểm lâm. Ngược lại, Hạt kiểm lâm quận Liên Chiểu lại phủi trách nhiệm.

Ông Phan Thế Dũng - Hạt trưởng kiểm lâm quận Liên Chiểu (vừa được luân chuyển làm Trưởng BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) - cho rằng, trách nhiệm để dân chuyển nhượng, mua bán đất rừng này thuộc về BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân (đã giải thể), hạt cũng không quản lý nữa mà là địa phương!.

Ông Dũng khẳng định không biết khu đất xây biệt phủ là của ai, song năm 2011, khi hạt lên kiểm tra, tất cả giấy tờ, văn bản liên quan đều thấy đứng tên Thiếu tướng Phan Như Thạch. “Chúng tôi lên kiểm tra mấy lần, rồi đề nghị chính quyền địa phương xử lý 3 - 4 lần gì đó. Giấy tờ mang tên ông Phan Như Thạch”. Ông Dũng nói không biết về kết quả xử lý vì đó là trách nhiệm của chính quyền(?). Con trai tướng Thạch, anh Phan Vũ Việt Hùng khẳng định: “Năm 2009, gia đình tôi bán rừng này lại cho ông Ngô Văn Quang - GĐ Cty vàng Phước Minh).

Theo Lao động

Các tin cũ hơn