Bão số 5 suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới
Cập nhật bản tin dự báo bão khẩn cấp mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho thấy, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 17h chiều 11/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ vĩ Bắc; 111,8 độ kinh Đông, cách Khánh Hòa - Ninh Thuận 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km một giờ), giật cấp 8-9.
Dự báo trong khoảng 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 12/12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực ven biển các tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Tối 11/12, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở phía Tây khu vực giữa biển Đông còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Vùng biển các tỉnh từ Bình Định - Bình Thuận (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Các tỉnh ven biển từ Phú Yên - Bình Thuận từ tối 11/12 có gió giật mạnh cấp 6-7. Ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng - Vũng Tàu có sóng biển cao 2-4m.
Vùng ven biển các tỉnh Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre, Trà Vinh) cần đề phòng dông, lốc xoáy, gió giật mạnh; sóng biển cao 1,5-2,5m.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, riêng từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa rất to.
Trong một diễn biến thời tiết khác, chiều 11/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp các nơi ở Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Đêm nay, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Các tỉnh miền Bắc trời tiếp tục rét, vùng núi có nơi rét đậm.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới lúc 16 giờ chiều 11/12. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi; ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Cũng do ảnh hưởng mưa của không khí lạnh, sau kết hợp hoàn lưu cơn bão số 5, từ tối 11/12, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận sẽ lên. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận có khả năng ở mức báo động 1 (BĐ1), có nơi trên BĐ1; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ cao trên các sông suối nhỏ, ngập lụt vùng trũng thấp và đồng bằng ven biển, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận.
Khánh Hòa, Ninh Thuận sẵn sàng đối phó diễn biến mưa lũ
Bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và dự báo sẽ thành vùng áp thấp khi tiệm cận bờ biển các tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận. Tuy nhiên, vùng ảnh hưởng của gió mạnh trên biển gây ra bởi áp thấp nhiệt đới và diễn biến của mưa lũ gây ra bởi không khí lạnh hiện vẫn hết sức nguy hiểm. Các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận vẫn không chủ quan, khẩn trương hoàn thành mọi công tác phòng chống.
Tại Khánh Hòa, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển từ lúc 16h ngày 10/12. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục sử dụng Hệ thống máy thông tin VTĐ, hữu tuyến điện của đơn vị và phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền địa phương để thống kê báo cáo toàn bộ số tàu và người, khu vực đăng ký hoạt động của tàu cá xa bờ.
Tính đến sáng hôm qua (11/12), tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 10.189 phương tiện đánh bắt thủy sản và thủy nội địa. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng với tinh thần kiên quyết không để người dân trên tàu thuyền trong tình huống nguy hiểm.
Toàn tỉnh cũng có 1.454 lồng bè với 3.297 lao động. Hiện tại, các địa phương và các đơn vị liên quan đã hướng dẫn cho người dân chằng chống neo buộc lồng bè, chủ động theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới để sẵn sàng triển khai di dời ngư dân trên các lồng, bè vào bờ.
Ông Nguyễn Thái Như Trị, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho hay, sáng 11/12, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Cao Đức Phát làm trưởng đoàn đã vào trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 tại thành phố Cam ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đoàn đã kiểm tra công tác sắp xếp neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Đá Bạc Cam Ranh.
Bộ trưởng đã chỉ đạo triển khai tiếp tục công tác quản lý sắp xếp tàu thuyền an toàn, tổ chức động viên số lượng người trên các lồng bè trở về bờ trước khi bão đổ bộ, tiến hành sơ tán dân của các nhà yếu, nhà mái tôn, nhà tạm tại khu vực dễ bị ảnh hưởng do bão để đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý Khánh Hòa là địa phương nhiều năm không có bão nên tỉnh không được chủ quan trong công tác phòng chống bão lần này. Thành phố Cam Ranh đã triển khai đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng và Trung ương, khu vực ven biển, tuyên truyền vận động người dân sinh sống trong nhà tạm tự sơ tán, sang những công trình kiên cố.
Ông Nguyễn Thái Như Trị cũng cho hay, hiện tại các khu du lịch ven biển đảo như Vinpearland, Khu nghỉ Six Senses Ninh Vân Bay, Khu nghỉ An Lâm Ninh Vân bay, Hòn Ông Resort có 523 khách và 1.366 nhân viên đang làm việc. Tất cả các du khách và nhân viên đều đã nhận được thông tin về cơn bão và hiện là áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.
Toàn tỉnh Khánh Hòa có tổng số 81.611 người dân cần di dời. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các địa phương chủ động bố trí, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán và di dời tại chỗ khi có lệnh.
Còn tại Ninh Thuận, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản và hoạt động trên biển kể từ 12 giờ ngày 10/12 đến khi có lệnh mới.
Các lực lượng chức năng đã tìm mọi biện pháp kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ, di chuyển các phương tiện, lòng bè, thủy nội địa vào bờ an toàn, neo đậu an toàn tại 3 khu tránh trú bão Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná. Mọi công việc đã hoàn tất trước 12 giờ ngày 11/12/2014.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát dân cư ở các vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, ven sông suối, vùng hạ du các hồ chứa nước, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Tỉnh cũng đã bố trí lực lượng trực, kiên quyết không cho người dân và các phương tiện qua lại các sông suối, đường tràn, các vùng bị chia cắt do lũ, triển khai chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phương án sơ tán dân cần thiết.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông và Vận tải và Công an tỉnh có phương án tuần tra bảo đảm giao thông trên tất cả các tuyến đường quốc lộ 1A, quốc lộ 27 và 27B, tỉnh lộ, có phương án ngăn chặn, kiểm soát các phương tiện giao thông, không cho lưu thông khi có mưa lũ lớn xảy ra cắt ngang các tuyến đường.
Theo Khám phá